Ý nghĩa nhân văn
Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ghi danh tập quán xã hội và tín ngưỡng “Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam” và “Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm, xã Châu Phong” vừa được tổ chức tại quảng trường TX. Tân Châu. Đây là niềm vui, vinh dự lớn của địa phương cùng đồng bào DTTS Chăm, những người đã dành nhiều tâm huyết, công sức trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trao quyết định và chứng nhận cho đại diện đồng bào Chăm An Giang và lãnh đạo TX. Tân Châu. Ảnh: DIỆP THẾ NHÂN
Nghi lễ vòng đời của Chăm Islam là lối sống, thói quen được hình thành qua nhiều thế hệ, được công nhận như một phần trong nếp sống của cộng đồng người Chăm An Giang, bao gồm các nghi lễ trong giai đoạn sinh, trưởng thành và chết. Những nghi thức thực hiện lễ nghi mang tính đặc sắc và đặc trưng riêng. Cụ thể, trong giai đoạn sinh, có 2 nghi lễ tiêu biểu là lễ cắt tóc và đặt tên cho đứa trẻ. Trong giai đoạn trưởng thành, có lễ cưới và khi chết, có các nghi thức dành cho người quá cố.
“Từ lúc sinh ra đến khi chết đều có các nghi lễ đi cùng. Song, ở mỗi vùng, miền khác nhau các nghi lễ này sẽ có những nét đặc sắc, tiêu biểu khác nhau. Đây là điểm nổi bật mà người làm công tác bảo tồn văn hóa cần chú trọng, đề ra giải pháp bảo vệ và phát triển phù hợp” - ThS Nguyễn Thuận Thảo (Trường Chính trị Tôn Đức Thắng) lưu ý.
Nghi lễ vòng đời được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bởi mang giá trị xã hội sâu sắc. Đó là mối quan hệ huyết thống, dòng tộc, làng xóm, khu vực và cộng đồng tôn giáo, cộng đồng dân tộc… Ngoài ra, nó còn thể hiện trên giá trị đạo đức, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và nhiều giá trị khác.
Bảo tồn và phát huy
Việc bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể là cần thiết và cấp bách, bởi thực tiễn cho thấy, những năm qua, di sản văn hóa ngày càng chứng minh được vai trò là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa của dân tộc. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chính là đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của Nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.
Đám cưới người Chăm được tái hiện trên sân khấu
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang Trương Bá Trạng cho biết, hiện cả nước có 396 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó An Giang có 7 di sản được ghi danh. Các di sản này góp phần phát triển du lịch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Sau khi được ghi danh, cộng đồng dân cư tại nơi có di sản càng nhận thức rõ hơn về giá trị của di sản, lòng tự hào về truyền thống, vẻ đẹp của quê hương, đất nước. “Đặc biệt, khi du khách nước ngoài, khách nội địa đến viếng thăm, chiêm ngưỡng các di sản văn hóa, sẽ giúp họ có thêm niềm tin trong việc chọn An Giang làm điểm đến, điểm đầu tư tin cậy” - ông Trạng khẳng định.
Để phát huy giá trị các di sản văn hóa vừa được công nhận, Sở VH-TT&DL An Giang sẽ kết hợp UBND TX. Tân Châu tham mưu UBND tỉnh để có cơ chế, chính sách phù hợp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, phát triển nghề truyền thống cho bà con DTTS, hòa chung với chiến lược phát triển kinh tế của địa phương.
“Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là quyền và nghĩa vụ của Nhà nước, mỗi cá nhân trong cộng đồng. Việc này nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam” - ThS Nguyễn Thuận Thảo khẳng định.
“Chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước đã chăm lo cho đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào DTTS Chăm An Giang nói riêng. Nghi lễ vòng đời và nghề dệt thổ cẩm được công nhận là minh chứng sinh động cho việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - ông Mách Sa Lếch (Phó Trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang) khẳng định.
|
MINH HIỂN