Người chiến sĩ cộng sản suốt đời học Bác

21/09/2023 - 06:06

Đó là cựu chiến binh Phạm Nguyên Ngọ (ngụ khóm Bình Đức 3, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Dù tuổi đã cao (81 tuổi) nhưng người lính 53 năm tuổi Đảng vẫn tràn đầy nhiệt huyết, chăm chỉ học tập Bác và hướng dẫn lớp con cháu noi theo tấm gương sáng, vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Tuy tuổi đã cao, nhưng ông Phạm Nguyên Ngọ vẫn cần mẫn ngồi viết lách, trau chuốt từng ngôn từ cho những bài thơ và hồi ức về quá khứ, với những quãng thời gian tươi đẹp khi đã sống, cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

“Tôi là người con của vùng đất Hưng Hà (tỉnh Thái Bình), theo lời kêu gọi của Đảng, tháng 4/1966, tôi lên đường nhập ngũ. Năm 1969 - 1970, tôi tham gia trận đánh tại sân bay Biên Hòa và bị thương tật hạng 4/4. Sau 22 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia, đến tháng 4/1987, tôi nghỉ hưu theo chế độ” - ông Ngọ kể.

Ông Phạm Nguyên Ngọ tự hào về “gia tài” bằng khen được nhận

Khi rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, ông luôn chăm chỉ lao động, tiên phong trong tham gia các phong trào cách mạng tại địa phương và được tín nhiệm giữ nhiệm vụ Trưởng ban Nhân dân khóm Bình Đức 4 (phường Bình Đức).

“Ngày đó, đời sống kinh tế rất khó khăn, vợ chồng tôi phải tăng gia sản xuất, trồng thêm ít rau, nuôi gà, nuôi heo mới có thể ổn định đời sống gia đình và chăm lo 2 con nhỏ. Khi mình đã an yên, tôi nghĩ đến người dân xung quanh mình còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do vậy, với vai trò của mình, tôi cố gắng giúp được bà con đến đâu hay đến đó. Hàng ngày, với chiếc xe đạp cộc cạch, tôi chạy đến địa bàn, vào từng hẻm, đến từng gia đình để trao đổi và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Thấy người dân đi lại gặp nhiều khó khăn, tôi vận động mọi người chung tay chặt cây, san lấp bớt ao hồ, làm được đoạn đường dài 2km cặp rạch Cần Xây. Khi việc đi lại thuận tiện, người dân mua bán tốt hơn, làng nhang Bình Đức dần phát triển, người dân càng tin tưởng mình, lắng nghe khi mình chia sẻ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” - ông Ngọ chia sẻ.

“Ở địa phương, đồng chí Ngọ luôn gần gũi, gắn bó, quan tâm giúp đỡ những hộ gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhờ đó, khi tuyên truyền, vận động thực hiện các phong trào của địa phương đã được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ, nhất là giải quyết những việc có liên quan đến người dân, mọi việc đều được giải quyết hài hòa lợi ích của tập thể và Nhân dân.

Đồng chí đã vận động 90% hộ dân treo cờ, ảnh Bác, 100% hộ dân sống ven đường rạch Cần Xây nhất trí hiến đất mở rộng đường. Với sự sâu sát, nêu gương của đồng chí từ lời nói đến hành động, cùng tác phong khiêm tốn, giản dị, đã giúp nhiều cán bộ trưởng thành hơn, giúp hoạt động của khóm đi vào nền nếp và giữ vững danh hiệu Khóm văn hóa 18 năm liền” - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bình Đức Nguyễn Minh Tân nhìn nhận.

Tuổi cao sức yếu, phải lui về hưu nhưng ông vẫn có những đóng góp cho địa phương. Năm 2017, khi triển khai nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông là người tiên phong tổ chức 2 lớp học tập Bác cho các tổ trưởng, dân quân tự vệ, cán bộ mặt trận khóm. Ông còn thường xuyên lui tới Thư viện tỉnh, tìm đọc và nghiên cứu nhiều tài liệu, sách báo để nâng cao kiến thức.

 “Sự học là mênh mông, tôi cần trau dồi thêm kiến thức để không bị tụt hậu. Bên cạnh đó, tôi tra cứu, tìm thêm tài liệu để tham gia nhiều cuộc thi và đạt giải cao, như: Giải nhất cấp tỉnh, giải nhì toàn quốc Cuộc thi tìm hiểu 75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng (1930 - 2005) và Cuộc thi tìm hiểu 60 năm nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, giải nhất Cuộc thi tìm hiểu lịch sử TP. Long Xuyên (năm 1999), giải nhì Cuộc thi tìm hiểu “Tự hào sử Việt” giai đoạn 1 (năm 2010), đạt giải 12/12 kỳ và vào chung kết toàn quốc Cuộc thi viết về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2010), giải nhất Cuộc thi tìm hiểu lịch sử tỉnh An Giang (năm 2020), giải nhì Cuộc thi viết bài về Đại đoàn kết toàn dân tộc…” - ông Ngọ tự hào.

Các bài viết của ông Phạm Nguyên Ngọ, các giải thưởng cuộc thi, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh An Giang”… là những minh chứng sống động cho cả cuộc đời cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, những đóng góp của ông cùng địa phương trong tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lịch sử dân tộc, của tỉnh An Giang, đồng thời lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ và Nhân dân địa phương ngày càng sâu rộng.

NGỌC GIANG