Nói về đóng góp của mình, ông Lý Văn Bé chỉ cười hiền: “Chắc do tôi “còn nợ” ngành giáo dục, nên đã 72 tuổi đời vẫn gắn bó với sự nghiệp trồng người. Còn nhớ, năm 1979, tôi đến vùng đất dưới chân núi Cấm này để dạy học. Đời sống hồi ấy nghèo, cái ăn đã khó, chứ chưa nói đến việc tìm con chữ.
Thấy em cháu học hành vất vả, mình thương nhưng không giúp được nhiều. Lặn lội với nghiệp “gõ đầu trẻ” 20 năm, tôi tạm xa bục giảng đi làm ăn xa. Khi trở lại An Hảo, tôi tiếp tục tham gia công tác khuyến học từ năm 2007 đến nay” - ông Lý Văn Bé nhớ lại.
Gần 20 năm làm công tác khuyến học, ông Bé chưa bao giờ sao nhãng trách nhiệm của mình. Ông thường xuyên liên hệ với các điểm trường trên địa bàn để nắm tình hình những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Mỗi khi có nhà hảo tâm liên hệ, ông luôn có ưu tiên phần hỗ trợ cho các cháu đặc biệt khó khăn, nhất là những học sinh Khmer tại địa phương. Ngoài ra, xã An Hảo còn có 2 điểm trường trên núi Cấm có vị trí “cao nhất miền Tây”, nên ông Bé thường xuyên kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ kịp thời.
Ông Lý Văn Bé tích cực thực hiện công tác khuyến học - khuyến tài tại địa phương
Trong lần gặp gỡ với ông Bé, ấn tượng đặc biệt nhất chính là nụ cười hiền từ, mái tóc hoa râm phủ dấu thời gian. Trong tay ông, lúc nào cũng cầm một quyển sổ nhỏ để ghi chép tất cả công việc. Trong đó, có cả quá trình vận động tiền, quà hàng quý, hàng năm và cả giai đoạn 2018 - 2023 cho các em học sinh, mà ông cùng các thành viên Hội Khuyến học xã đã thực hiện.
“Tôi già rồi, nên công nghệ kém lắm. Mình chịu khó làm thủ công, miễn sao hỗ trợ được cho các cháu học sinh. Trong xã có Trường Tiểu học “C” An Hảo rất đông học sinh là người Khmer, nên tôi đặc biệt quan tâm hỗ trợ các cháu.
Đa phần, thu nhập của người Khmer ở xã An Hảo chỉ ở mức đủ sống, nên việc học tập của con em chưa được quan tâm nhiều. Do đó, tôi luôn ưu tiên nguồn vận động để hỗ trợ các cháu, trên cơ sở đề xuất của nhà trường. Mỗi năm, ngoài hoạt động “Tiếp bước đến trường”, chúng tôi cũng cố gắng hỗ trợ thêm các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, nếu các trường đề xuất”.
Nói về lý do Hội Khuyến học xã thực hiện tốt công tác vận động nguồn hỗ trợ, ông Lý Văn Bé cho biết ở An Hảo có nhiều nhà hảo tâm, như: Chùa Bửu Sơn, Ban Quản tự chùa Phật Lớn, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã An Hảo… luôn sẵn lòng tiếp sức cho hoạt động khuyến học - khuyến tài tại địa phương.
Ngoài ra, nhiều cá nhân, tổ chức ở khắp nơi cũng kết nối với chính quyền địa phương để hỗ trợ công tác khuyến học - khuyến tài, nên những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của xã thường xuyên có thêm động lực đến trường.
“Vì mình làm công tác khuyến học, nên phải thường xuyên kết nối các nhà hảo tâm. Dù tuổi cao, tôi vẫn không ngại khó, miễn sao hỗ trợ cho các cháu có thêm điều kiện học tập. Ngày trước, đời sống ai cũng nghèo, việc học vô cùng khó khăn mà nhiều người vẫn phấn đấu vươn lên được.
Bây giờ, xã hội phát triển, nhiều tổ chức, cá nhân muốn chăm lo cho giáo dục thì mình phải phát huy vai trò của hội khuyến học tốt nhất có thể. Giúp được nhiều cháu, tôi thấy nhẹ lòng vì đã góp phần cho hoạt động giáo dục, ươm mầm cho thế hệ tương lai vì sự phát triển của quê hương” - ông Lý Văn Bé chia sẻ.
Điều kiện gia đình cũng ổn định nên ông Bé có thể an tâm cống hiến sức mình cho công tác khuyến học. Được sự quan tâm hỗ trợ thường xuyên của Đảng ủy, UBND xã An Hảo, ông Bé khẳng định bản thân sẽ tiếp tục đồng hành với công tác khuyến học - khuyến tài của xã An Hảo cho đến khi không làm nỗi nữa mới thôi.
Nói về những đóng góp của ông Lý Văn Bé cho địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo Nguyễn Thị Diệu Hiền nhận định: “Ông Lý Văn Bé là người gắn bó xuyên suốt với phong trào khuyến học - khuyến tài của địa phương nhiều năm qua. Ông đã tích cực vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có nhiều học sinh là dân tộc thiểu số Khmer.
Giai đoạn 2018 - 2023, Hội Khuyến học xã đã vận động tiền, quà hơn 1,8 tỷ đồng cho hoạt động khuyến học - khuyến tài. Chúng tôi sẽ động viên, hỗ trợ để ông tiếp tục gắn bó, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian tới”.
MINH QUÂN