Người dân các tỉnh miền nam tuân thủ giãn cách, chung tay phòng dịch

19/07/2021 - 14:02

Sáng 19-7, sau hơn 1 ngày tuyên truyền, vận động người dân chấp hành và chuẩn bị cho đợt giãn cách lớn trên địa bàn toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 18 tỉnh, thành phố khu vực phía nam, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đều trở nên vắng vẻ, người dân thực hiện tốt yêu cầu cách ly tại nhà, chỉ ra đường khi có công việc cần thiết. Không có tình trạng người dân tập trung tại các cửa hàng, siêu thị để săn mua hàng hóa.


Đường phố Vũng Tàu vắng vẻ ngày giãn cách.

Ủng hộ quyết định giãn cách của Thủ tướng

Không bận rộn như những buổi sáng hằng ngày phải phụ vợ mở hàng ăn tại nhà, sáng nay, anh Nguyễn Văn Hoan (ở phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ) dậy muộn hơn và tự thưởng cho mình một bình trà nóng.

Trao đổi qua điện thoại, anh Hoan cho biết: Gia đình tôi thường xuyên theo dõi về diễn biến dịch Covid-19 trên các phương tiện truyền thông. Dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh hưởng về kinh tế - xã hội là rất lớn. Thế nên, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh và thành phố trong khu vực tôi rất đồng tình. Tôi vận động gia đình dừng bán hàng và thực hiện nghiêm quy định cách ly.

“Mình buôn bán, làm ăn cả đời, chứ bán thêm một vài ngày cũng không làm giàu được” - anh Hoan tâm sự.

Các tuyến đường trên địa bàn tỉnh vắng lặng.

Cũng giống anh Hoan, anh Nguyễn Văn Lương, ngụ phường Phước Hưng, thành phố Bà Rịa, đại diện một doanh nghiệp phân phối sữa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ: Sáng nay, tôi đã tổ chức buổi họp trực tuyến với toàn bộ nhân viên để tiếp tục nhắc nhở mọi người thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch. Tôi cho tất cả nhân viên làm việc online. Dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty, tuy nhiên, nếu chúng ta không khoanh vùng và khống chế được dịch trong thời gian này thì hậu quả sẽ còn nặng nề gấp bội. Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương giãn cách của Chính phủ. 

Các bãi tắm đều vắng bóng người. 

Chưa khi nào các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu lại vắng lặng như trong sáng nay. Là một trong những trung tâm du lịch lớn sôi động của khu vực phía nam và cả nước nhưng hiện tại tất cả các điểm tham quan, nghỉ đưỡng, các bãi tắm trên địa bàn tỉnh đều vắng bóng người. Dọc bãi biển Bãi sau (thành phố Vũng Tàu) các cửa hàng, quán ăn đều đóng cửa. Sát bãi biển, ghế bố, ô dù được người kinh doanh xếp lại ngăn nắp.

Tuy nhiên, trong sáng nay, tại một số doanh nghiệp, do bất ngờ trước quy định của thành phố Vũng Tàu không cho phép người lao động đi xe gắn máy và đi bộ tới nơi làm việc nên xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ tại một số điểm trên đường 30/4. Chính quyền thành phố yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sắp xếp bố trí "3 tại chỗ" (cùng ăn, ở, sản xuất) và "3 cùng" (cùng làm việc, cùng đi một phương tiện, cùng nghỉ một nơi) cho người lao động.

Trường hợp không bố trí được "3 tại chỗ" thì yêu cầu tổ chức xe ô-tô đưa đón người lao động. Cho rằng quyết định của chính quyền là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên, một số doanh nghiệp chia sẻ do ban hành quá gấp khiến nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện, nhất là trong bối cảnh thành phố đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 được gần một tuần.

Bảo đảm đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ người dân

Khảo sát tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn, có thể khẳng định lượng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm vẫn rất dồi dào. Tại siêu thị Lotte (thành phố Vũng Tàu), ngay trong đầu giờ sáng, xe tải vận chuyển hàng hóa mang biển số TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương vẫn vào cấp hàng như mọi ngày. Không khí mua bán không quá tấp nập.

Lực lượng đoàn viên thanh niên Vũng Tàu thành lập đội giao hàng miễn phí phục vụ người dân trong những ngày giãn cách. 

Bí thư Thành ủy Vũng Tàu Trần Đình Khoa cho biết: Tính đến hôm nay, thành phố Vũng Tàu đã tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được 6 ngày. Việc bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm được chính quyền thành phố triển khai quyết liệt ngay từ đầu nên đến thời điểm hiện nay không xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, nhu yếu phẩm. Thành phố Vũng Tàu cũng bảo đảm việc cung ứng đủ các trang thiết bị y tế, vật tư y tế, nguồn nhân lực để phục vụ việc xét nghiệm miễn phí trong toàn cộng đồng; đồng thời khẩn trương giải quyết các chính sách trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch…

Bí thư Thị ủy Phú Mỹ Lê Hoàng Hải cũng cho biết: Thị xã Phú Mỹ đã thống kê, dự báo nhu cầu các mặt hàng thiết yếu và có kế hoạch dự trữ nguồn hàng khoảng 10.000 tấn gồm gạo, thịt, trứng, rau củ quả, dầu ăn, đường, gia vị, gas, thực phẩm chế biến sẵn. Trong 14 ngày giãn cách, mạng lưới phân phối gồm: Siêu thị Co.op Mart Tân Thành, Bách hóa xanh, Vinmart, các cửa hàng bán lẻ, đại lý gạo, chợ truyền thống (trừ chợ Lam Sơn và Châu Pha đã phong tỏa) vẫn mở cửa phục vụ người dân mua sắm.

Để hạn chế tình trạng người dân đổ xô ra các điểm mua sắm tích trữ lương thực, thực phẩm, lực lượng đoàn viên thanh niên đã xây dựng đội giao hàng, giúp người dân mua hàng theo nhu cầu, hạn chế ra khỏi nhà với phí ship bằng 0. Chính quyền các địa phương cũng thiết lập đường dây nóng, nhận phản ánh của người dân về tình trạng thiếu hàng, tăng giá…

Trước đó, ngày 18-7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cũng đã đi khảo sát thực địa một số vùng sản xuất, chế biến nông sản, kho dự trữ nhu yếu phẩm của các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở dự phòng và chuẩn bị trước đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cam kết cung ứng đầy đủ nguồn nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

* Trong sáng 19-7, ngày đầu tiên áp dụng giãn cách xã hội trong 14 ngày theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh, đường xá nội thị Cà Mau vắng hoe, trong khi chợ búa chỉ lát đác người đi mua thực phẩm.

Tại chợ phường 2, phường 8 (TP Cà Mau), không khí mua hàng tấp nập của 2 ngày trước không còn. Các tiểu thương thực hiện tốt “5K”, vẫn buôn bán bình thường nhưng người mua thì nhỏ giọt. Tình cảnh đìu hiu khách hàng diễn ra tương tự tại nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi, bách hóa.

Chị bé Sáu bán tôm, cá ở chợ phường 8, cho biết: “Hai bữa trước, người dân đổ xô đi mua đến chen chân không lọt, có nhiều đồ bán cũng hết. Còn từ sáng giờ, đồ tươi ngon luôn mà chỉ có vài người ghé mua hàng”.

Chợ phường 8 (TP Cà Mau) sáng 19-7, chỉ lát đác vài người đi mua hàng.

Ghi nhận tại nhiều chợ đầu mối lớn tại TP Cà Mau, tiểu thương bán buôn phần lớn đã niêm yết, công khai giá từng mặt hàng, trong đó, phổ biến là thịt, trứng, trái cây, củ, quả… Chuyển biến nêu trên sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng nhằm kiểm soát giá bán, không để việc lợi dụng gãn cách vì dịch bệnh để nâng giá, bắt chẹt người dân.

Giám đốc Sở Y tế Cà Mau Nguyễn Văn Dũng, cho biết, lực lượng liên ngành tiếp tục siết chặt vòng ngoài các tuyến đường vào tỉnh Cà Mau. Riêng nội tỉnh, tùy tình hình thực tế, các địa phương trong tỉnh sẽ thiết lập chốt kiểm soát đầu vào, còn tuyến xã tuy không có chốt kiểm soát nhưng có lực lượng giám sát việc thực hiện giãn cách, không để người dân ra đường trong trường hợp không thật sự cần thiết.

Tiểu thương bán buôn Cà Mau niêm yết công khai giá bán các loại thực phẩm thiết yếu.

* Ngày đầu tiên thực hiện giãn cách, trên các tuyến đường thành phố Sóc Trăng, nhiều chốt kiểm soát được thiết lập giúp các phương tiện giao thông thực hiện khai báo y tế và hướng dẫn người dân có đầy đủ thông tin về quy định giãn cách. Các điểm bán hàng bình ổn giá đi vào hoạt động xua tan nỗi lo hàng hóa khan hiếm, cùng nạn “hét giá” chấm dứt khi các cơ quan chức năng vào cuộc. Người dân Sóc trăng chấp hành giãn cách nghiêm túc, không có trường hợp vi phạm trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16.

Tại các tuyến đường trung tâm nội ô thành phố Sóc Trăng không còn cảnh xe máy chen chúc. Trong khi đó, tại các chợ truyền thống được phép tiếp tục hoạt động để phục vụ người dân trong thời gian thực hiện giãn cách, đã được các ngành chức năng phân luồng cửa ra vào, chợ, bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Nhiều địa phương còn phát phiếu cho người dân đi mua thực phẩm cách ngày để không tụ tập đông người và cùng thực hiện nghiêm thông điệp của Bộ Y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn, khoảng cách…

Còn tại các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, người dân chấp hành nghiêm quy định gia đình cách ly với gia đình, ấp nào ở ấp đó và chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Nhiều công nhân ở lại các công ty, xí nghiệp trong tỉnh để phòng chống dịch bệnh.

Sáng 19-7, nhiều chốt kiểm soát được thiết lập nhằm phân luồng giao thông và kiểm soát y tế.

Tại các cơ quan, đơn vị yên ắng chỉ còn lãnh đạo và trực ban. Các bộ phận chuyên môn sử dụng công nghệ thông tin, xử lý trực tuyến công việc. Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã quy định, căn cứ vào tính chất công việc, nhiệm vụ để sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thành hai nhóm làm việc tại nhà (từ 30-50%) và còn lại tại cơ quan. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước không di chuyển giữa địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; trường hợp đặc biệt phải báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Thủ trưởng của các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thu xếp chỗ ngủ, nghỉ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan hoặc khu vực gần cơ quan đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có nơi cư trú ở địa bàn huyện, thị xã, thành phố này đi làm ở huyện, thị xã, thành phố khác.

Người dân chấp hành tốt giãn cách, không ra đường.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 19-7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu có văn bản hỏa tốc chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị đang có mặt tại thị xã Ngã Năm và thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên - nơi được xác định là vùng dịch không được ra khỏi địa bàn, cả những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có nơi cư trú ở các huyện, thị xã, thành phố khác của tỉnh nhằm kiểm soát, quản lý chặt các địa bàn đang có dịch Covid-19 và tránh lây lan qua địa bàn khác; tạm dừng lưu thông các phương tiện giao thông đi qua địa bàn thị trấn Mỹ Xuyên.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 27-4 đến chiều 18-7, trên địa bàn tỉnh có 72 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Trong đó, các địa phương có số ca ít nhất là các huyện Châu Thành, Kế Sách, Long Phú và nhiều nhất là Trần Đề, thị xã Ngã Năm và Vĩnh Châu. Theo nhận định tình hình, trong tỉnh đã xuất hiện những ca bệnh tại một số địa phương với nhiều ca F1 dương tính và đặc biệt có 2 trường hợp F2 dương tính. Một số trường hợp, người nhiễm có thời gian ủ bệnh dài nguy cơ lây lan trong cộng đồng cao.

* Sáng 19-7, ngày đầu tuần và cũng là ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở tỉnh Tiền Giang, trên các tuyến đường của thành phố Mỹ Tho đều vắng người và phương tiện đi lại. Hầu hết, người dân đều chấp hành tốt quy định về việc ở nhà để giữ an toàn và chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết.

Các hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu đều tạm đóng cửa, chỉ có cửa hàng, siêu thị và một số chợ truyền thống bảo đảm an toàn dịch bệnh hoạt động bình thường.

Các trạm kiểm soát trên những tuyến đường ra, vào thành phố Mỹ Tho cũng được lực lượng chức năng chốt chặn và kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện.

Dạo quanh các tuyến đường chính của trung tâm thành phố Mỹ Tho, các cửa hàng tạp hóa, quán bán các mặt hàng như: cà-phê, cơm, hủ tiếu, phở... đều đã tạm đóng cửa.

Ông Nguyễn Văn Sinh, chủ tiệm tạp hóa trên đường Lý Thường Kiệt, phường 6, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) đã đóng cửa mấy ngày nay. Hé cửa nhìn ra đường, ông Sinh nói: “Buôn bán không lãi được bao nhiêu. Nhưng có trường hợp F0 ghé mua thì mình phải đi cách ly. Không may, mình dính phải F0 từ các trường hợp dương tính với Covid-19 khi mua hàng thì biết bao nhiêu việc xảy ra. Thấy vậy, gia đình tạm đóng cửa cho an toàn. Đến khi, dịch bệnh ổn định sẽ tính tiếp”.

Nhiều quán ăn trên địa bàn thành phố Mỹ Tho phải tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19.

Để bảo đảm về khoảng cách phòng, chống dịch, một số cửa hàng kinh doanh thuốc tây đều dán thông báo yêu cầu khách đến mua thuốc phải mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và xếp hàng giữ khoảng cách 2m. Thậm chí, nhiều nhà thuốc đã chuyển đổi hoạt động từ trực tiếp sang bán online. Một số cửa hàng kinh doanh nhu yếu phẩm cần thiết khác như gạo, rau, củ… đều giăng dây, yêu cầu khách đến mua đứng bên ngoài, xếp hàng và không chen lấn.

Trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành, chỉ lác đác người và phương tiện lưu thông. Người dân hạn chế ra đường, tránh tiếp xúc khi không cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Hải, nhà cạnh Quốc lộ 1 thuộc xã Long An, huyện Châu Thành (Tiền Giang) tâm sự: “Thấy hàng quán đóng cửa, đường xá vắng tanh thì buồn. Nhưng rất vui vì người dân đã ý thực được công tác phòng, chống dịch. Tôi nghĩ ngành chức năng quyết liệt và người dân chấp hành tốt chủ trương như hiện nay thì không bao lâu nữa dịch bệnh sẽ được đẩy lùi”.

Nhà thuốc Mai Linh, phường 4, thành phố Mỹ Tho bán thêm cho khách bằng hình thức online, giảm tập trung đông người.

Ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Tân Phước (Tiền Giang), như: thị trấn Mỹ Phước, Bắc Đông (xã Thạnh Mỹ)… có rất ít người dân đến mua sắm hàng hóa thiết yếu như: gạo, thịt heo, rau, củ... do người dân tuân thủ thực hiện giãn cách xã hội theo quy định.

Bà Đặng Thị Tươi, tiểu thương buôn bán thịt heo và rau, củ tại chợ thị trấn Mỹ Phước cho biết, 5 ngày nay, chợ vắng hoe. Người dân rất hạn chế đến chợ để mua trực tiếp và đa số đặt hàng qua điện thoại rồi người bán cử nhân viên đi giao. Điều này vừa tốt cho người dân, vừa tốt cho tiểu thương và cũng đỡ vất vả cho lực lượng chức năng phòng, chống dịch.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, địa phương tập trung xử lý ổ dịch, tầm soát diện rộng tùy theo tình hình thực tế để tìm mầm bệnh trong cộng đồng; địa phương nào lo cho địa phương đó, việc nào vượt khả năng thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh hỗ trợ.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cũng chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, Ban chỉ đạo cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 16; chỉ đạo các đơn vị, địa phương làm việc liên tục, kể cả thứ bảy, chủ nhật; bố trí trực 24 giờ trong ngày để xử lý và chỉ đạo kịp thời các vấn đề có liên quan trong công tác phòng, chống dịch.

Các trung tâm y tế xác định và xử lý nhanh ổ dịch mới phát sinh theo phương châm “4 tại chỗ”, thần tốc truy vết F1, không để bỏ sót đối tượng và hạn chế nguy cơ lây lan;... không để phát sinh ổ dịch mới và cắt đứt nguồn lây lan của các ổ dịch cũ trong cộng đồng.

Một số ít sạp rau, củ không bảo đảm an toàn phòng dịch trên địa bàn phường 10, thành phố Mỹ Tho, bị lực lượng chức năng chấn chỉnh.

Đối với công nhân các công ty tạm nghỉ việc về địa phương cư trú, đặc biệt là công nhân của các công ty có F0, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý chặt số công nhân này. Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp tục yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết và xử lý nghiêm những người không tuân thủ...

* Tỉnh Bình Phước cũng áp dụng Chỉ thị 16 trong 14 ngày kể từ ngày 19-7 để phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến sáng 19-7, toàn tỉnh Bình Phước ghi nhận 96 ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn 9 trong số 11 huyện, thị xã, thành phố. 

Trước đó, từ 12 giờ trưa 17-7, TP Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, huyện Chơn Thành (đã áp dụng trước đó) đã áp dụng Chỉ thị 16.

Đến nay, tỉnh Bình Phước đã vận động các công ty có số lượng công nhân lớn không đáp ứng được “ba tại chỗ” cho người lao động tạm nghỉ việc trong 15 ngày. Tỉnh Bình Phước cũng rà soát và đã ban hành kế hoạch hỗ trợ cho gần 81 ngàn người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền  hơn 116 tỷ đồng; việc chi trả sẽ được thực hiện qua hệ thống ngân hàng hoặc bưu điện.

Theo ghi nhận của phóng viên trong sáng nay tại TP Đồng Xoài, các nhu yếu phẩm cần thiết trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Riêng chợ trung tâm tỉnh Bình Phước bị phong tỏa do có ca dương tính với SARS-CoV-2 tỉnh đã lập chợ tạm để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho nhân dân.

Ngoài siêu thị, hệ thống bách hóa xanh, dọc các trục đường chính của TP Đồng Xoài xuất hiện nhiều sạp bán rau của quả hơn những ngày bình thường. Tuy nhiên, tại những điểm bán hàng này, các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai khá nghiêm ngặt, người mua và người bán bảo đảm giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

Để công tác phòng, chống dịch hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đã kêu gọi toàn thể nhân dân Bình Phước đồng lòng chống dịch. Bà Trần Tuệ Hiền cho rằng, trong điều kiện nguồn vaccine phòng Covid-19 có hạn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng rộng rãi cho nhân dân thì ngay lúc này đây vaccine tốt nhất, hiệu quả nhất chính là sự đoàn kết, ý thức tự giác, trách nhiệm cao của mỗi người dân.

Hiện nay, các tuyến huyết mạch chính của tỉnh đã thành lập 7 chốt kiểm soát y tế. Mỗi người dân ngoài tỉnh khi đi làm nhiệm vụ vào Bình Phước phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày.

Trên các tuyến quốc lộ cũng như liên tỉnh, liên huyện, liên xã hay nội ô thành thị, lực lượng công an phối hợp lực lượng dân quân xã phường liên tục tuần tra, kiểm soát những người ra khỏi nhà. Đối với những người thực hiện nhiệm vụ phải có giấy giới thiệu, người dân đi mua nhu yếu phẩm cần thiết mới được lưu thông trên đường.

Hiện nay, Tỉnh đoàn đang phối hợp Hội Nông dân tỉnh Bình Phước tổ chức quyên góp rau, củ, quả để tiếp thêm sức mạnh cho TP Hồ Chí Minh chống dịch. Trong ngày 19-7, 300 tình nguyện viên là y, bác sĩ của tỉnh Bình Phước lên đường chi viện cho hệ thống chống dịch tại tỉnh Bình Dương.

Theo Nhân Dân