Mô hình cổng rào an ninh trật tự không chỉ là mô hình của ngành chức năng mà đã đi vào đời sống người dân. Những cổng rào an ninh trật tự khang trang, vừa tô điểm cho những con đường thêm đẹp, vừa góp phần phòng, chống tội phạm và giúp người dân thêm đoàn kết trong công tác bảo vệ an ninh trật tự.
Vì thế, trước khi thành lập các cổng rào, công an các xã phải tổ chức những buổi họp dân lấy để lắng nghe ý kiến người dân. Sau khi được lực lượng chức năng triển khai và đánh giá về hiệu quả của mô hình, đa số bà con đồng tình và hưởng ứng cao.
Những cổng rào an ninh vừa tô điểm ngõ xóm vừa giữ gìn an ninh trật tự
Điển hình như xã Mỹ Phú Đông có 4 cổng rào an ninh đều do nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng, với kinh phí trên 17 triệu đồng. Các cổng lần lượt được đặt ở ấp Tân Mỹ (2 cổng), ấp Tân Phú (1 cổng), ấp Tân Đông (1 cổng). Mỗi cổng rào có kết cấu cao gần 1,8m, trên đầu cổng rào được gắn thêm chông nhọn đề phòng các đối tượng leo rào bỏ trốn. Khi đã gây án, các đối tượng không dễ dàng tẩu thoát hoặc nếu có tẩu thoát thì tang vật, phương tiện gây án không tẩu tán được. Vì xã hội hóa hoàn toàn nên mô hình phát huy sự đoàn kết, gắn bó giữa chính quyền địa phương, lực lượng công an và quần chúng nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Sậm (ngụ ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Phú Đông), người đã nhiệt tình ủng hộ tiền để xây dựng cổng rào an ninh trật tự cho biết: “Trước đây, thỉnh thoảng xảy ra những vụ gây rối, mất an ninh trật tự nhưng từ khi các cổng rào an ninh được dựng lên, bà con an tâm hơn rất nhiều. Bà con chúng tôi an tâm lao động sản xuất, không còn phập phồng lo lắng, đề phòng trộm cắp như xưa”.
Với Công an xã Thoại Giang, đơn vị tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” có 4 mô hình tiêu biểu như: “Tự quản an toàn giao thông”, “Giúp đỡ người hoàn lương”, “Camera phòng, chống tội phạm”, đặc biệt là “Cổng rào an ninh trật tự” đã tạo hiệu ứng rất cao ngay từ khi mới thành lập. Mô hình xã hội hóa với tổng kinh phí khoảng 45 triệu đồng.
Theo Công an xã Thoại Giang, trước kia, địa bàn xã thường xuyên xảy ra những vụ trộm chó. Từ ngày 4 cổng rào an ninh được dựng lên, các đối tượng trộm chó không dám hoạt động. Hệ thống camera đã giúp lực lượng công an triệt xóa 2 điểm tệ nạn xã hội tại ấp Tây Bình và Trung Bình. Ngoài ra, lực lượng công an còn ngăn chặn, giải quyết 1 vụ gây rối đánh nhau liên quan 4 đối tượng trước cổng Bệnh viện Đa khoa huyện Thoại Sơn.
Ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ ấp Trung Bình, xã Thoại Giang) bộc bạch: “Lúc trước, địa phương có những vụ trộm, bắt chó… nhưng từ khi có cổng rào, không còn tình trạng đó nữa, vì lúc nào cũng có người trực để đóng cổng kịp thời và báo cho lực lượng công an”.
Xã Vọng Đông được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm nay, chỉ tiêu 19.2 (tiêu chí 19) về “An ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên” luôn được tập trung thực hiện. Nổi bật với 2 mô hình rất hiệu quả là: “Camera an ninh” và “Cổng rào an ninh”, hạn chế rất nhiều tình hình trộm cắp, đua xe. Hiện, xã Vọng Đông có 7 cổng rào an ninh trật tự ở 4 ấp, kinh phí thực hiện khoảng 19,5 triệu đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 60%, kinh phí của địa phương 40%.
Ông Đỗ Văn Mại (ngụ xã Vọng Đông) bày tỏ: “Cổng rào an ninh là chỗ dựa của nhân dân. Chúng tôi rất an tâm, còn tội phạm thì rất ngán ngại khi nhìn thấy cổng rào và không dám hoạt động ở đây!”. Mỗi cổng rào an ninh của xã Vọng Động đều có tổ quản lý từ 3-5 thành viên. Nhiệm vụ của tổ là đảm bảo cổng rào được đóng nhanh, kịp thời mỗi khi được lực lượng chức năng thông báo nhằm vây bắt đối tượng khả nghi. Về đêm, các cổng rào đều có đèn chiếu sáng, bà con ở đây hỗ trợ tiền điện.
Có thể thấy, mô hình cổng rào an ninh trật tự ở huyện Thoại Sơn đã khẳng định được hiệu quả, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn các xã. Mô hình đã góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Khơi dậy được sức mạnh đoàn kết của toàn dân trong tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời giúp địa phương giữ vững chỉ tiêu 19.2 trong xây dựng, duy trì và nâng chất nông thôn mới.
P. LAN