Người giữ hồn nghệ thuật

31/08/2022 - 08:03

 - Cùng với nhạc ngũ âm, Chầm riêng Chà pây là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer. Hiện nay, ở huyện miền núi Tri Tôn, anh Chau Thăng (ngụ xã Ô Lâm) nằm trong số ít người hiếm hoi còn giữ gìn và biểu diễn loại hình nghệ thuật này.

Anh Chau Thăng thường chơi đàn Chà pây trong lúc rảnh rỗi

Cạnh chùa Ba Thiếth, có 1 tiệm hớt tóc bình thường như bao tiệm hớt tóc khác. Tuy nhiên, điểm nhấn độc đáo của tiệm là cây đàn Chà pây được treo trang trọng - vật sở hữu của anh Chau Thăng. Anh chia sẻ, niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật Chầm riêng Chà pây xuất hiện trong anh rất lâu. Mãi đến năm 2015, khi địa phương tổ chức dạy đàn Chà pây, anh hồ hởi cùng 10 người khác tham gia học.

Người truyền nghề là nghệ nhân Chau Nưng và nghệ nhân Chau Hunh, từ các nốt nhạc cơ bản, cách bấm phím, đánh đàn, luyến láy theo điệu nhạc... Anh Chau Thăng bày tỏ: “Học đàn Chà pây rất khó, đòi hỏi phải có sự đam mê và lòng kiên trì với loại nhạc cụ này. Nhiều người không theo đuổi được, phải bỏ ngang giữa chừng. Sau 3 tháng, chỉ có tôi cùng 1 người nữa biết sử dụng loại nhạc cụ này. Đặc biệt, sau lớp học, tôi được nghệ nhân Chau Nưng tận tình hướng dẫn thêm, nên mới có thể sử dụng thành thạo như hiện nay”.

Chầm riêng Chà pây là loại hình nghệ thuật độc đáo, lâu đời và mang đậm bản sắc của đồng bào DTTS Khmer. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định 1524/QĐ-BVHTTDL, ngày 24/4/2013, đưa nghệ thuật Chầm riêng Chà pây vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Anh Chau Thăng cho biết, Chầm riêng Chà pây thường được chơi trong đám tiệc, lễ hội của đồng bào DTTS Khmer, từ cúng phước, đám tang, Tết Chol Chnam Thmay… Bài bản Chầm riêng Chà pây phong phú, đa dạng, mang tính giáo huấn cao. Nội dung thường nói về công ơn của cha mẹ, đấng sinh thành, cuộc đời của Phật Thích Ca, bài học hay về cuộc sống… Câu nhạc đệm cùng với cách luyến láy, khúc nhạc hòa quyện giọng điệu của mỗi người, tạo nên sắc thái độc đáo riêng. Vì vậy, Chầm riêng Chà pây không những có giá trị nghệ thuật, mà còn là bài học quý cho việc giáo dục con người.

Nông dân Chau Thăng mở tiệm hớt tóc để kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Những lúc rảnh rỗi vắng khách, hoặc khi khách quen yêu cầu, anh đem đàn Chà pây ra chơi. Tiếng đàn réo rắt như mang cả không khí ngày mùa, lễ hội, phong tục của phum, sóc vào mỗi cung bậc, giai điệu. Tiếng lành đồn xa, anh được người dân, địa phương mời biểu diễn tại đám, tiệc, hội diễn… Anh Chau Thăng chia sẻ: “Hiện nay, người biết chơi đàn Chà pây ở địa phương còn rất ít. Một phần do chơi đàn rất khó, đòi hỏi phải đủ đam mê, kiên trì theo đuổi. Ngoài ra, hiện nay chưa thể mưu sinh bằng nghệ thuật Chầm riêng Chà pây, có lẽ thế mà không nhiều người mặn mà với loại hình nghệ thuật này”.

 “Do những lo toan cuộc sống bộn bề, ngày càng nhiều người trẻ đồng bào DTTS Khmer không còn mặn mà với nghệ thuật Chầm riêng Chà pây. Tuy nhiên, anh Chau Thăng vẫn miệt mài bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Anh Chau Thăng sẵn sàng chia sẻ, truyền dạy lại những gì đã được học cho người có niềm đam mê, yêu thích. Anh cũng mong muốn loại hình nghệ thuật này tiếp tục được lưu truyền, để thế hệ sau nuôi dưỡng lòng tự hào, chung tay phát triển nghệ thuật diễn tấu độc đáo của đồng bào DTTS Khmer.

Theo tiếng Khmer, “Chầm riêng” có nghĩa là ca hát và “Chà pây” là tên một loại đàn. Đàn Chà pây có cần đàn dài, thùng đàn to, nhiều hình dạng, như: Hình thang cân, hình lá bồ đề, hình trái thơm (dứa) và gần giống như đàn đáy của người Kinh. Đàn có 2 dây, 12 phím đàn, theo hệ thống thang âm ngũ cung; cùng thùng đàn, dọc đàn (cần đàn), dây đàn, bộ phận lên dây và phím gảy đàn. Chầm riêng Chà pây là loại hình nghệ thuật độc xướng độc tấu với đàn. Người trình diễn sẽ hát theo lời thơ có cốt truyện, hoặc một vấn đề, sự việc xảy ra trong cuộc sống…

ĐỨC TOÀN