Người nặng lòng với văn hóa dân tộc thiểu số Khmer

12/02/2021 - 00:57

 - Là người con được sinh ra và lớn lên ở Tri Tôn, ông Chau Mô Ni Sóc Kha (Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn) hiểu rõ và yêu con người và vùng đất Bảy Núi như hơi thở của mình. Chính với tình yêu đó, ông dành tâm huyết cả đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, ngôn ngữ, nghiên cứu về lịch sử địa phương... Bằng cách làm của riêng mình, ông mong muốn truyền ngọn lửa đam mê của bản thân đến với nhiều người, nhất là những người trẻ - thế hệ tương lai của đất nước, có thể tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.

Nhiều năm làm công tác quản lý của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn, ông Chau Mô Ni Sóc Kha đã đồng hành cùng bao thế hệ học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer. Với vai trò của mình, ông luôn quan tâm việc giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh. Thực tế nhất là những chuyến tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ở chùa, làng nghề… của đồng bào DTTS Khmer ngay tại địa phương. Qua đó, vừa củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng sinh hoạt tập thể cho học sinh, vừa gìn giữ văn hóa truyền thống. Trước khi đi dạy, ông Chau Mô Ni Sóc Kha có thời gian tu tập tại chùa Khmer ở địa phương, nên có mối quan hệ tốt với các vị sư, sãi ở các chùa. Đối với bà con DTTS Khmer Nam Bộ theo Phật giáo Nam tông, chùa Khmer được xem là nơi lưu trữ văn hóa của dân tộc. Từ đó, nhà trường có nhiều hoạt động hướng học sinh đến chùa để nghe các sư giải thích về các biểu tượng, điển tích trong chùa, giảng dạy về đạo Phật, đạo làm người, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ...

Ông Chau Mô Ni Sóc Kha cùng nhà sư giới thiệu kinh lá buông với những nhà nghiên cứu đến từ TP. Hồ Chí Minh

 Những năm học trước, nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham quan chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, Tri Tôn) - nơi có bảo tàng nông cụ, lưu giữ gần như toàn bộ các nông cụ sản xuất ngày xưa của bà con nông dân vùng Bảy Núi. Hay mời những nghệ nhân làng nghề gốm Phnôm Pi (xã Châu Lăng, Tri Tôn) về trường để biểu diễn các giai đoạn hoàn thiện một sản phẩm cà ràng, nồi đất... cho học sinh quan sát và trực tiếp trải nghiệm. “Trong chuyến đi tham quan tại chùa, học sinh được giải thích về nhạc cụ ngũ âm, tham quan các nông cụ sản xuất từ thời xa xưa… Qua đó, giúp các em thêm yêu thích và giữ gìn những nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình”- ông Chau Mô Ni Sóc Kha thông tin.

Trong trường, ông Chau Mô Ni Sóc Kha còn gắn 1 bảng chào theo tục lệ DTTS Khmer, hướng dẫn cách chào đúng cho từng đối tượng tiếp xúc. Theo ông, chào hỏi thể hiện phép lịch sự, đầy tính nhân văn và bản sắc văn hóa dân tộc. “Thật ra, người Khmer có nhiều cách chào hỏi, mỗi cách chào đều ẩn chứa thái độ thành kính của người chào với người được chào”- ông Chau Mo Ni Sóc Kha giải thích. Hiện nay, trường còn xây dựng thêm Phòng Giáo dục văn hóa dân tộc, giáo viên phụ trách sẽ nhận nhiệm vụ học, sưu tầm các trang phục, nhạc cụ dân tộc... và truyền lại cho học sinh. “Văn hóa dân tộc hiện hữu qua từng lời ca, tiếng hát, điệu múa cổ truyền... Nhà trường chỉ khơi dậy lòng yêu thích của các em. Đây cũng là một cách giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, không bị mai một hay bị hòa tan trong dòng chảy phát triển của xã hội” - ông Chau Mô Ni Sóc Kha kỳ vọng.

Bên cạnh làm nhiệm vụ quản lý, ông Chau Mô Ni Sóc Kha dành thời gian đi nhiều nơi, từ Nam ra Bắc; nhận lời tham gia biên soạn Từ điển song ngữ Khmer – Việt, Việt – Khmer... Ở mỗi điểm đến, ông tranh thủ tìm hiểu những nét đặc trưng về ngôn ngữ, văn hóa của địa phương, dân tộc đó. Những nghiên cứu, phân tích của ông đều mang tính phát hiện, vì được góp nhặt tư liệu từ thực tế, qua những chuyến đi, những buổi uống trà, nói chuyện cùng đồng nghiệp, người dân ở địa phương. “Có lần, lúc đi ngang vô tình nghe được bà mẹ hát ru cho con ngủ. Trong lời hát ru đó có 1 địa danh xưa được nhắc đến mà nay ít ai biết. Thấy vậy, tôi liền vào nhờ chị hát và lấy sổ ra ghi chép lại, vì đây là dữ liệu rất quý để mình có thể khai thác, nghiên cứu” - ông Chau Mô Ni Sóc Kha kể lại.

ÁNH NGUYÊN