Người phụ nữ gắn bó với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam

03/04/2025 - 07:00

 - Sự kiện Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trở thành niềm vui sâu sắc của tỉnh An Giang, Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam nói chung, từng cá nhân trực tiếp thực hành nghi lễ tại miếu Bà nói riêng. Bà Nguyễn Thị Ánh Vương (Đội trưởng Đội thờ tự) cũng đong đầy hạnh phúc, tự hào, khi đã dành 24 năm phụng sự tại đây.

Bà Vương thực hành nghi lễ trong Miếu Bà

Thuở nhỏ, nhà gần miếu Bà, lại có người thân tham gia công tác nơi đây, bà Vương đã thân thuộc với nơi này. Cơ duyên càng sâu đậm, khi bà được nhận vào làm tại lăng miếu thời điểm vừa tốt nghiệp cao đẳng (năm 2001). Đây là tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc UBND TP. Châu Đốc, đầy đủ chế độ chính sách dành cho người lao động. Bà trở thành một trong những nhân sự đầu tiên của đơn vị được đào tạo bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn công việc lúc bấy giờ.

Theo ông Jonathan Wallace Baker (Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam), di sản văn hóa phi vật thể được thể hiện trong nghi thức, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, trong tập quán xã hội. Chúng là mạch sống của cộng đồng, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được định hình bởi kinh nghiệm tập thể, sự sáng tạo của người nắm giữ nó, liên tục được tái tạo để duy trì sự phù hợp trong thế giới luôn thay đổi. Điều này hoàn toàn đúng với câu chuyện của bà Nguyễn Thị Ánh Vương và rất nhiều cá nhân đã, đang công tác tại Ban Quản trị lăng miếu núi Sam.

Tiếp cận một lĩnh vực rộng lớn, mang đậm tín ngưỡng dân gian, trong khi tuổi đời rất trẻ, bà Vương nỗ lực vừa làm, vừa học mọi công việc liên quan đến nghi lễ cúng viếng Bà Chúa Xứ. Sự nỗ lực ấy được ghi nhận: Năm 2009, bà chính thức phụ trách nghi lễ tắm Bà. “Lễ tắm Bà diễn ra vào 24 giờ đêm 23, rạng sáng 24/4 âm lịch, nhưng từ trước đó (15/4 âm lịch), hàng trăm người dân tụ họp về miếu Bà, mang theo vải vóc, kim chỉ… để tổ chức may áo Bà. Không cần ban quản trị lăng miếu thông báo, cứ đúng ngày, mọi người lại tề tựu về đông đủ, thể hiện rõ nét bản sắc cộng đồng của vía Bà. Là nữ giới, thuận tiện phụ trách các công việc phụng sự Bà Chúa Xứ, tôi cảm thấy rất tự hào, yêu thích, luôn làm tốt nhất, bằng tất cả khả năng của mình” - bà Vương bày tỏ.

Sau hàng trăm năm, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam và những truyền thuyết, giai thoại về sự linh thiêng của Thánh Mẫu được lan truyền rộng khắp trong và ngoài nước. Năm đầu tiên làm việc tại lăng miếu, bà Vương chứng kiến sự kiện Lễ hội được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. Ngoài phần lễ cổ truyền, còn có phần hội gắn với Tuần lễ văn hóa thể thao kéo dài từ ngày 20 - 27/4 âm lịch. Kể từ năm 2002, trong chương trình Lễ hội có thêm nghi thức Lễ phục hiện rước tượng Bà từ trên đỉnh núi Sam xuống miếu. Năm 2014, với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Niềm vui gắn bó với công việc đặc thù này thể hiện rõ trong từng lời chia sẻ của bà Vương: “Năm sau, lễ hội càng hoành tráng, đông đảo hơn năm trước, đồng nghĩa với việc trọng trách của chúng tôi càng nặng nề hơn. Bản thân tôi đảm nhận nhiều công việc, gồm chuẩn bị lễ vật, thực hành nhiều nghi lễ quan trọng trong lễ hội. Đơn cử như, tôi tự tay chọn từng bông hoa, từng loại trái cây, nhang đèn… đảm bảo tất cả phải tươi, ngon, đẹp mắt nhất. Chúng tôi rời nhà từ rất sớm, luôn trở về rất muộn, sau khi mọi thứ đã hoàn tất. Gần như ai nấy đều làm việc không kể giờ giấc. Ngoài thực hành nghi lễ cúng Bà, từng thành viên trong đơn vị còn dành thời gian tiếp đón, hỗ trợ khách nhiều nơi đến tham quan, chiêm bái. Việc có mặt tại Miếu Bà vào đêm khuya, kéo dài đến sáng sớm là điều rất bình thường. Tôi luôn cảm thấy tự hào khi mọi người đặt niềm tin tâm linh vào Bà Chúa Xứ, vào hoạt động của ban quản trị lăng miếu, vào bản thân tôi”.

Nhẩm tính lại, sau 24 năm gắn bó, bà Vương khẳng định mình “được” rất nhiều. Đó là sức khỏe, nguồn năng lượng gần như không bao giờ cạn. Đó là niềm vinh dự lớn lao khi được đón tiếp, thuyết minh, hướng dẫn hàng triệu lượt khách đến với miếu Bà nói riêng, quần thể danh thắng trong Khu du lịch quốc gia Núi Sam nói chung. “Tôi xem nơi đây là mái nhà thứ 2 của mình, dành gần như toàn bộ thời gian phụng sự Bà, phục vụ du khách. Để gìn giữ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam trong thời gian tới, chắc chắn chúng tôi sẽ chú trọng việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng” - bà Vương khép lại câu chuyện với tôi bằng những gợi mở về sau.

GIA KHÁNH