Người thầy dẫn lối những nhà vô địch

21/01/2023 - 14:36

HLV Bùi Lương là một tượng đài gần 70 năm gắn bó với thể thao, nghỉ hưu rồi vẫn cống hiến không ngừng nghỉ để đào tạo ra những học trò mang vinh quang cho Tổ quốc.

Đối với cộng đồng chạy bộ ở Việt Nam, từ sinh hoạt phong trào đến ăn tập chuyên nghiệp, Bùi Lương là một huyền thoại. Cả đời cống hiến cho thể thao nước nhà, ông chưa từng có giải quốc tế nhưng lại là thầy của những chân chạy đường dài xuất sắc nhất Việt Nam. Ở độ tuổi ngoài 80, huấn luyện viên Bùi Lương vẫn phát hiện và đào tạo ra nhà vô địch marathon SEA Games 31 Hoàng Nguyên Thanh.

Chạy giữa đạn bom

"Thế hệ chúng tôi lớn lên giữa chiến tranh, ăn bo bo lấy sức, vừa tập vừa tránh bom", cựu HLV Bùi Lương kể lại những ngày trai trẻ bằng một giọng Bắc đặc sệt chất Hải Phòng, nghe qua chẳng ai nghĩ ông sinh ra và cả thời niên thiếu ở Sài Gòn, cho đến năm 1954 mới ra Bắc.

HLV Bùi Lương thời còn là VĐV

Anh công nhân Bùi Lương ở Nhà máy Xi măng Hải Phòng khi ấy đi chân đất, ăn cơm độn 7 phần khoai, sắn mà mỗi ngày phải tập chạy 40 - 50 cây số. Sau này, khi có thành tích cao được lên đội tuyển quốc gia, ông mới được cấp cho đôi giày ba ta Thượng Đình loại 18 đồng.

“Chỉ có đi đấu giải chúng tôi mới đi giày, chứ lúc tập chủ yếu vẫn là chân đất. Gọi là giày thể thao nhưng đế mỏng dính. Chúng tôi là dân chạy việt dã, chạy đường dài thì chẳng mấy mà mòn”, HLV Bùi Lương nhớ lại.

Đội tuyển việt dã quốc gia thời đó ăn tập ở Nhổn, nhưng không phải khu tổ hợp thể thao khang trang như bây giờ. Nhà ở cho VĐV chỉ là một cái lán dựng tạm bên một bãi đất trống lót xỉ làm sân tập. Cạnh lán là hố tránh bom.

Tượng đài điền kinh Việt Nam vẫn nhớ những buổi tập chạy ngoài đê sông Hồng trong giai đoạn Mỹ rải bom khắp bầu trời miền Bắc. Đang chạy nghe còi báo động chẳng biết trốn đi đâu vì hầm cá nhân đã có người hết, cả tốp vận động viên đành phải tìm một gốc cây nép tạm, chờ máy bay qua rồi... chạy tiếp.

HLV Bùi Lương có một kỷ niệm không bao giờ quên, là bị mảnh bom bắn vào chân giữa lúc đang thi đấu giải quốc gia. "Năm 1970, chúng tôi thi ở Hòa Bình, chạy dọc sông Đà. Ở đó không có báo động. Máy bay Mỹ đến không kịp trốn. Anh nào anh nấy lấm lem bùn đất. Tôi bị mảnh bom bắn vào đùi, nhưng nghĩ chỉ còn cách đích 300 mét nên lấy tay bịt lại cố lết về đích", ông vừa nói vừa chỉ tay vào vết sẹo ngay phía trên đầu gối.

Đó là một trong 9 chức vô địch giải việt dã toàn quốc của huyền thoại Bùi Lương. Trong 9 lần ấy, kỷ lục marathon quốc gia 2 giờ 32 phút mà ông thiết lập năm 1968, phải đến SEA Games 22 năm 2003 - tức là hơn 30 năm sau - mới có một người Việt Nam phá được. Người vượt qua cột mốc đó là Nguyễn Chí Đông, học trò ưu tú mà thầy Bùi Lương đã cất công đưa sang Côn Minh (Trung Quốc) huấn luyện suốt 3 năm ròng rã trước đó.

Đôi chân dẫn lối nhà vô địch

Sáng 19/5/2022, Hoàng Nguyên Thanh trở thành người Việt Nam đầu tiên giành Huy chương vàng marathon ở đấu trường SEA Games. Người đầu tiên mà chân chạy 27 tuổi tìm đến sau khi cán đích chính là thầy Bùi Lương, người đã phát hiện và dìu dắt anh ở đội điền kinh Bình Phước từ năm 2011.

Hoàng Nguyên Thanh là VĐV Việt Nam đầu tiên giành HCV marathon tại SEA Games.

Thời điểm huấn luyện Hoàng Nguyên Thanh, HLV Bùi Lương đã nghỉ hưu nhưng ngọn lửa nghề vẫn hừng hực cháy. Ông cùng vợ chuyển vào Bình Phước, giúp địa phương đào tạo các vận động viên chạy cự ly dài. Trong số đó, có Hoàng Nguyên Thanh và Hoàng Thị Ngọc Hoa, người giành Huy chương đồng nội dung nữ môn marathon ở SEA Games 31.

Thầy Bùi Lương đem toàn bộ kiến thức học hỏi từ Liên Xô, Trung Quốc, Úc và những kinh nghiệm cả cuộc đời gắn bó với đường chạy để huấn luyện Hoàng Nguyên Thanh. Tâm huyết ông dành ra đào tạo kỷ lục gia Nguyễn Chí Đông như thế nào, với Hoàng Nguyên Thanh cũng y như vậy.

Đáng ra cậu học trò này phải vô địch SEA Games từ năm 2015. Đến bây giờ thầy Bùi Lương vẫn tiếc vì không thể theo sát Hoàng Nguyên Thanh khi lên đội tuyển quốc gia, để anh mất tập trung vì những chuyện bên lề. Sau lần “hụt vàng” đáng tiếc ấy, chân chạy sinh năm 1995 bỏ thi đấu một thời gian.

“Tôi biết khả năng của Thanh nên phải bằng mọi cách gọi được em trở lại", HLV Bùi Lương chia sẻ. Có thể nói, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà thầy Bùi Lương tự đặt ra cho mình trước khi chính thức nghỉ công tác huấn luyện là thuyết phục Hoàng Nguyên Thanh quay trở lại thi đấu.

Ngày cậu học trò bước ra sân đấu SEA Games lần thứ hai, thầy Bùi Lương chỉ quan sát từ khán đài với tư cách khán giả. Hoàng Nguyên Thanh vẫn chạy bằng những gì học được từ người thầy của mình. Anh giành tấm Huy chương vàng lịch sử cho điền kinh Việt Nam bằng đúng bài chạy nâng tốc của thầy Bùi Lương.

Ngọn lửa nghề hừng hực ở tuổi 84

“Đến giờ phút này, tôi cảm thấy tiếc. Bản thân mình có thể đóng góp được về phần kỹ thuật, chiến thuật cho các em, nhưng bây giờ không còn đủ điều kiện, sức khỏe nữa”, HLV Bùi Lương chia sẻ.

Nói là nghỉ việc, nhưng ông cũng chẳng thể bỏ hẳn niềm đam mê chạy bộ, và vẫn còn tâm huyết với việc truyền dạy những kiến thức, kỹ năng của mình. Ngồi một chỗ sinh bệnh. HLV Bùi Lương suốt hơn 50 năm đi chạy chỉ có 2 lần phải đến bệnh viện để nhổ răng và chữa viêm họng. Vậy mà từ ngày nghỉ đến giờ, đi khám hết huyết áp cao lại đến mắt, tiền liệt tuyến…

HLV Bùi Lương hướng dẫn các VĐV phong trào.

Thế là ông lại chạy cho khỏe người. Cụ ông 84 tuổi cứ đều đặn khoác áo, xỏ giày ra ngoài chạy bộ khi trời chưa sáng rõ. Ngày nào cũng như ngày nào, bất kể nắng mưa, đôi chân ở độ tuổi nghỉ ngơi ấy phải chạy đủ 5 cây số mới về nhà.

Không huấn luyện đỉnh cao nữa, ông Bùi Lương chuyển sang hướng dẫn các câu lạc bộ chạy phong trào, chẳng lấy tiền mà chỉ cần được thỏa đam mê. Dân chạy phong trào khắp cả nước gọi ông bằng cái tên thân mật là “bố” Bùi Lương. 

“Mỗi lần người ta mời đi xem giải phong trào, chân tôi lại nóng ran lên. Ngày xưa mà mình cũng có phong trào, có điều kiện như bây giờ, bảo đảm thành tích phải cao hơn nhiều chứ không để cho ‘thằng Đông’ mới hơn 30 năm đã phá được thế”, tượng đài của điền kinh Việt Nam tếu táo.

Tham gia phong trào cũng là cách để HLV Bùi Lương tiếp tục đóng góp cho điền kinh nước nhà. Thay vì trực tiếp đào tạo ra những nhà vô địch, bây giờ, ông góp sức thúc đẩy phong trào để có cái “chân tháp” thật rộng, từ đó các nhà chuyên môn càng có thêm nhiều lựa chọn, càng dễ phát hiện các tài năng như Hoàng Nguyên Thanh.

“Tôi hay nói với mọi người là bao giờ duyên thể thao hết thì mới về cõi tiên. Bây giờ phong trào phát triển mạnh về lượng, chưa mạnh về chất nhưng ít ra cũng là vườn ươm cho điền kinh Việt Nam sau này. Các VĐV nếu có người hướng dẫn kỹ thuật chạy và phương pháp tập luyện phù hợp có thể vươn lên đỉnh cao. Giống như cái tháp, chúng ta có cái chân đế to rồi, phải làm thế nào để lên được thành cái đỉnh”, HLV Bùi Lương tâm sự.

Theo MINH ANH (VTC News)

 

Liên kết hữu ích