Người tiêu dùng nói về thương mại điện tử

24/06/2021 - 03:52

 - Nhằm khảo sát ý kiến nhận định, đánh giá của cán bộ, công chức, viên chức và đo lường mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng đối với các hoạt động phát triển thương mại điện tử trên địa bàn An Giang thời gian qua và đề xuất, kiến nghị cho thời gian tới, Sở Công thương đã phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người tiêu dùng đối với các hoạt động thương mại điện tử.

Đợt khảo sát được tổ chức trong tháng 4-2021, thực hiện 200 phiếu khảo sát phỏng vấn trực tiếp và 300 phiếu khảo sát trực tuyến bằng phiếu hỏi trên môi trường mạng. Đối tượng khảo sát chủ yếu là các DN, hộ gia đình và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Qua khảo sát cho thấy, tỷ lệ DN có từ 15-25 máy tính chiếm 27%; DN có trên 50 máy tính chiếm 8%; có 95% DN đã kết nối internet; 48% DN đã lắp đặt wifi và mạng LAN; 46% chỉ lắp đạt mạng wifi. Đối với người dân, 40% số điều tra đã sở hữu máy tính, 95,5% người tiêu dùng có điện thoại thông minh kết nối internet. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử khá ổn định, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của DN và người dân.

An Giang đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử

Về sử dụng internet và thương mại điện tử của người dân, 67% người trả lời có thời gian sử dụng internet trên 60 phút với mục đích rất đa dạng, chủ yếu tập trung vào mục đích giải trí, mua sắm, tham khảo và so sánh hàng hóa. Cụ thể, mục đích sử dụng internet để “đọc tin tức, báo điện tử” có tỷ lệ rất cao (74,4%), 44,8% người dân sử dụng internet để “mua sắm, tìm kiếm thông tin mua sắm” và chỉ có 22,1% sử dụng internet trong “kinh doanh và tìm kiếm cơ hội kinh doanh”.

Số tiền người dân chi tiêu cho mua sắm qua mạng có sự chênh lệch, tập trung nhiều ở mức chi tiêu từ “500.000 đồng đến dưới 5 triệu đồng”, còn mức chi tiêu “trên 5 triệu đồng” chiếm tỷ lệ khá ít (khoảng 6%). Hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi mua sắm hàng hóa dịch vụ qua mạng, chủ yếu qua các sàn giao dịch thương mại điện tử (Lazada, Shopee, Sendo...) chiếm tỷ lệ 84-87%, còn lại là hình thức chuyển khoản qua ngân hàng.

Qua đây cho thấy, người mua vẫn chưa thật sự tin tưởng vào người bán, còn e ngại về chất lượng hàng hóa dịch vụ và có tâm lý ngại trả tiền trước. Sản phẩm người dân đặt mua qua mạng rất đa dạng, chủ yếu là đồ dùng gia đình, đồ dùng cá nhân, quần áo, đồ điện tử, điện thoại.

Đa số người dân cho rằng, mua sắm qua mạng tiện lợi, nhanh hơn, tiết kiệm thời gian đi lại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trở ngại lớn nhất khi người dân mua sắm qua mạng internet là lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ.

Theo người dân, nguyên nhân làm hạn chế hoạt động thương mại điện tử thời gian qua là công tác quản lý hiện nay chưa nhận diện được hết các thủ đoạn kinh doanh trên thương mại điện tử nên chưa kiểm soát được tình hình gian lận, việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, do việc xử lý đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể.

Về đề xuất nâng cao chất lượng hoạt động thương mại điện tử, 63% đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử, xây dựng chính sách quản lý giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử và xây dựng cơ chế thanh toán, bảo lãnh điện tử, thiết lập môi trường pháp lý phục vụ phát triển thương mại điện tử.

Từ các phân tích trên cho thấy, việc nâng cao sự hài lòng của người tiêu dùng đối với các hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh là việc cần làm và thiết thực. Sự hài lòng của người tiêu dùng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của DN.

Với sự phát triển của mạng xã hội Facebook và công cụ tìm kiếm Google, hiện nay bán hàng qua mạng không chỉ dành cho DN mà dành cho tất cả mọi người. Chính điều đó đã làm cho thị trường bán hàng qua mạng cạnh tranh vô cùng khốc liệt, nên các DN trên địa bàn tỉnh cần chú trọng nhiều hơn vào việc nâng cao sự hài lòng của người tiêu dùng.

Để phát triển thương mại điện tử cho DN cần nhiều giải pháp cụ thể, như: xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại điện tử; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển các sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử; tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác trong nước và quốc tế; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động phát triển thương mại điện tử; tạo cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ứng dụng thương mại điện tử...

Nhằm tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 316/QĐ-TTg, ngày 9-3-2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money). DN có thể thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile-Money để sử dụng cho các nghiệp vụ thanh toán.

 

HẠNH CHÂU