Người vi phạm giao thông được bảo quản phương tiện

28/04/2020 - 04:56

 - Từ ngày 1-5-2020, người vi phạm trong lĩnh vực giao thông có thể tự bảo quản phương tiện. Điều này được quy định tại Nghị định 31 sửa đổi, ngày 5-3-2020, bổ sung một số điều của Nghị định 115 ngày 3-10-2013 của Chính phủ về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ (Công an tỉnh), hiện nay, tại đơn vị có gần 500 phương tiện giao thông vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ, có quyết định xử phạt nhưng người vi phạm, chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp không đến để giải quyết. Tuy đơn vị có bãi giữ xe với mái che kiên cố, nhưng do số lượng xe vi phạm lớn để lâu ngày, các phương tiện bị phủ kín bụi, nằm nghiêng ngả, hư hỏng nghiêm trọng, giảm giá trị tài sản. Đặc biệt, sau khi Nghị định 100 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, trong đó quy định tăng về mức phạt khiến công tác tạm giữ xe vi phạm giao thông trở nên phức tạp và gây áp lực lớn về kho bãi giữ xe.

Thiếu tá Nguyễn Thành Trung (Phó Đội trưởng, Phòng CSGT đường bộ) cho biết: “Qua quá trình tạm giữ phương tiện vi phạm thì kho lưu giữ phương tiện có một số tồn đọng nhất định. Thực tế, do người vi phạm không đến xử lý, một số trường hợp do xe không có nguồn gốc giấy tờ, một số do áp dụng mức xử phạt hành chính cao hơn giá trị phương tiện nên người vi phạm không đến để chấp hành quyết định xử phạt”.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho người dân đến giải quyết, song tình trạng tồn đọng phương tiện giao thông vi phạm trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiếp diễn. Trước tình hình đó, Chính phủ ban hành Nghị định 31 sửa đổi so với Nghị định 115 đã có những điều chỉnh nhằm tăng tính ràng buộc đối với chủ sở hữu, đảm bảo việc thực thi pháp luật được nghiêm minh, đúng quy định.

Kiểm tra xe vi phạm

Cụ thể, việc tạm giữ xe theo thủ tục hành chính chỉ được các cơ quan chức năng áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết và hướng dẫn chi tiết về việc người vi phạm được tự giữ xe dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, nếu có một trong các điều kiện quy định sau đây thì tổ chức, cá nhân vi phạm được quyền tự giữ, bảo quản xe: cá nhân có nơi đăng ký thường trú, tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác; tổ chức có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng; cá nhân, tổ chức có khả năng tài chính để đặt tiền bảo lãnh xe.

Thượng tá Nguyễn Thanh Vân (Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ) cho biết: “Nghị định 31 quy định rõ các trường hợp không giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản gồm: phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự; phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa; biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy”.

Một trong những nội dung rất đáng chú ý khác của Nghị định số 31, đó là việc rút ngắn thời gian xử lý đối với vi phạm hành chính đã hết thời hạn tạm giữ. Cụ thể, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc không xác định được người vi phạm thì cơ quan công an sẽ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở; việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được rút xuống chỉ còn 1 lần; khi hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết công khai, thông báo cuối cùng, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm, cơ quan công an sẽ ra quyết định tịch thu phương tiện.

Nghị định 31 cũng quy định rõ, các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm thì không được phép sử dụng phương tiện vi phạm đó tham gia giao thông; nếu vi phạm, phương tiện sẽ bị chuyển về nơi tạm giữ của cơ quan chức năng. Ngoài ra, trong thời gian được giao giữ, nếu người vi phạm để xảy ra mất, đánh tráo, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, thay thế, hủy hoại, làm hư hỏng phương tiện thì phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại, hậu quả do hành vi mình gây ra theo quy định.

Tạm giữ phương tiện là một trong những hình thức xử lý vi phạm hành chính thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Việc ban hành Nghị định 31 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115 của Chính phủ sẽ giúp các tổ chức, cá nhân tự bảo quản được phương tiện của mình, đồng thời từng bước tháo gỡ những khó khăn trong việc xử lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các cơ quan chức năng trong thời gian tới.

Bài, ảnh: QUỲNH NHƯ - TIẾN TẦM