'Người Việt Nam rất yêu lịch sử dân tộc mình!'

21/04/2020 - 08:51

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN đã chia sẻ như vậy trong cuộc giao lưu tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 trên trang Book365.vn.

Với chủ đề của cuộc giao lưu “Để độc giả yêu sách sử hơn” tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 trong hơn 1 tiếng giao lưu trực tuyến, PGS.TS Trần Đức Cường đã chia sẻ về những đầu sách lịch sử quan trọng, cách để khơi dậy niềm đam mê sách sử với độc giả và hơn hết là "đọc sách lịch sử giúp ích gì cho thế hệ trẻ".

PGS.TS Trần Đức Cường.

Những bộ sách đồ sộ về lịch sử Việt Nam không thiếu

Theo PGS.TS Trần Đức Cường, cha ông ta để lại cho chúng ta những câu chuyện sử học đóng vai trò hết sức quan trọng. Như những công trình văn thơ thời Lý Trần, thơ văn của Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát,... Một điều quan trọng nữa là cho đến nay chúng ta kế thừa, hiểu được được lịch sử dân tộc chính là những tác phẩm từ những nhà sử học. Những cuốn sách như Việt Nam sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí,... là quá trình nghiên cứu nghiêm túc của các nhà sử học.

Hay như bộ sách của cố GS Phan Huy Lê - "Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển" làm tổng chủ biên và rất nhiều nhà sử học hàng đầu đất nước cùng tham gia vừa được giải vàng giải sách quốc gia năm 2019 có thể thấy công lao to lớn cha ông chúng ta về xây dựng vùng đất và đồng thời góp phần vào phản ánh thực tiễn của những cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước qua các thời kỳ khác nhau. Những cuốn sách viết về quá trình xác lập chủ quyền của đất nước ta trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng rất nhiều. Những bộ sách lịch sử này chứa đựng những kiến thức của cha ông chúng ta, sự hiểu biết về đất nước con người, về sản vật, nhất là lịch sử xây dựng bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ người Việt Nam.

PGS.TS Trần Đức Cường cho rằng công tác xuất bản trong những năm gần đây đã có những bước khởi sắc.

Bộ sách Lịch sử Việt Nam do PGS.TS Trần Đức Cường làm tổng chủ biên.

“Nhiều năm gần đây những công trình về lịch sử cũng đã được các nhà xuất bản quan tâm và xuất bản rất nhiều. Với tư cách là người làm nghiên cứu sử học cũng giống như các nhà văn, chúng tôi hay gọi các nhà xuất bản chính là ''bà đỡ'' cho các công trình nghiên cứu của chúng tôi. Nếu như không có những bà đỡ đó những công trình nghiên cứu khó có thể tới được với bạn đọc và chúng tôi không được ghi nhận sự đóng góp - như được đánh giá là góp phần vào việc xây dựng nền sử học Việt Nam.

Tôi chỉ nói đơn giản vài chục năm trở lại đây thôi đã có nhiều công trình rất dày dặn đồ sộ giới nghiên cứu lịch sử trong cả nước cho ra mắt bạn đọc như như bộ Lịch sử Việt Nam 4 tập của khoa Lịch Sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; 2 bộ Lịch sử Việt Nam của Hội đồng khoa học TP.HCM; Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam mới cho ra mắt một vài tác phẩm gần đây như bộ lịch sử Việt Nam 15 tập viết từ khởi thủy cho tới năm 2000. Bộ sách này cũng đã gần 10.000 trang, là một công trình rất đồ sộ. Một số các công trình khác như viết về lịch sử ở các lĩnh vực khác nhau như lịch sử quân sự, lịch sử chính phủ, lịch sử quốc hội cũng đã ra mắt bạn đọc,...”, PGS.TS Trần Đức Cường chia sẻ.

PGS.TS Trần Đức Cường nói như vậy để thấy rằng, sách về lịch sử không thiếu, nhưng làm thế nào để bạn đọc hấp dẫn bởi sách sử mới là điều đáng nói.

Bộ sách "Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển" do cố Giáo sư Phan Huy Lê tổng chủ biên đạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 2.

Học sử để làm gì, đọc sử để làm gì?

PGS.TS Trần Đức Cường cho rằng, với tư cách là một người làm nghiên cứu lịch sử những người làm công tác nghiên cứu và biên soạn sách lịch sử cũng phải rút ra câu hỏi: Tại sao những người nghiên cứu, yêu lịch sử rất nhiều nhưng thích đọc sách lịch sử lại không được như thế?

“Tôi thấy đây là một vấn đề mà các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà làm sách giáo khoa trong trường phổ thông... phải xem xét. Học sử để làm gì, đọc sử để làm gì? Tôi có thể chia sẻ ngay là đọc lịch sử để hiểu về quá khứ, hiểu về hiện tại từ đó đoán định tương lai. Thứ nữa khi đọc lịch sử là tìm hiểu xem trí tuệ của một dân tộc gắn với lịch sử như thế nào.

Làm sao bạn có thể biết được trong một thời gian rất ngắn một dân tộc như Việt Nam có thể 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Nếu như những cuốn sách biên soạn dạy lịch sử giai đoạn này mà hấp dẫn, tôi tin rằng có thể bạn chưa thích lịch sử bạn sẽ thích lịch sử hơn. Tôi khẳng định rằng, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam rất yêu thích lịch sử.

Tôi có dịp đi điền dã rất nhiều các địa phương từ lúc còn là sinh viên, đi để thu thập tài liệu. Tôi về nông thôn nói chuyện với rất nhiều người không chỉ ông già, bà cả mà cả những người trung niên và thanh niên nữa. Họ say mê giới thiệu lịch sử vùng đất của họ, lịch sử dòng họ của họ, họ rất rõ ngôi đình này thờ ai. Và tôi rút ra một điều sau này tôi trao đổi với bạn bè quốc tế họ đều công nhận với tôi rằng, dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu lịch sử của dân tộc mình.

Thế nhưng, biến từ lòng yêu mến lịch sử dân tộc mình thành yêu thích sách lịch sử còn có những khoảng cách bản thân chúng tôi những người làm nghiên cứu lịch sử phải có trách nhiệm hơn”, PGS.TS Trần Đức Cường chia sẻ.

Cần có những cuốn sách lịch sử giản lược

PGS.TS Trần Đức Cường cũng kêu gọi các văn nghệ sĩ dù họ làm ở lĩnh vực nào, sáng tác văn chương hay sân khấu điện ảnh thường xuyên đưa những câu chuyện lịch sử của dân tộc thành các tác phẩm nghệ thuật thì chắc chắn sẽ có nhiều người tìm đọc lịch sử dân tộc hơn.

“Nếu như chúng ta được xem lại vở kịch về danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi có thích không? Có một thời kỳ chúng ta rất thích bộ phim Ván bài lật ngửa, kể về cuộc đời hoạt động của nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo, đã gây ấn tượng mạnh trong tiềm thức của tôi. Tôi thấy rất hay nếu có những bộ phim như vậy chắc cũng sẽ hấp dẫn đối với bạn đọc. Nói như vậy để thấy rằng, làm thế nào đó để có sự kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa những nhà nghiên cứu viết lịch sử với các nhà văn, nghệ sĩ và cần có sự tham gia của các bà đỡ - các nhà xuất bản. Bởi, sách chúng ta in rất đẹp, không có khoảng cách với thế giới, nhưng nếu giá mềm hơn để sinh viên không có điều kiện vẫn có thể tiếp cận được thì tốt quá”, PGS.TS Trần Đức Cường bày tỏ.

Thứ nữa, PGS.TS Trần Đức Cường cũng đề xuất rằng, muốn độc giả tiếp cận tìm hiểu nhiều hơn về sách sử, bên cạnh mảng sách dành cho người lớn mảng sách lịch sử dành cho thiếu nhi cũng vô cùng quan trọng. Có những bộ sách dành cho người lớn, những nhà làm công tác giảng dạy lịch sử vô cùng đồ sộ những người tìm hiểu về lịch sử đơn thuần nên có những đầu sách vắn tắt dành cho họ.

Những nghệ sĩ khi sáng tác tác phẩm về lịch sử tất nhiên có quyền hư cấu và chúng ta tôn trọng quyền sáng tác của họ không nên phê phán, miễn sao, những tác phẩm về lịch sử đó không làm người xem hiểu sai đi sự kiện lịch sử đã hiện diện trong quá khứ.

“Có người thắc mắc với tôi rằng, nhiều người trẻ Việt Nam hiểu lịch sử Trung Quốc hơn là lịch sử dân tộc mình. Tôi nghĩ chưa đúng. Đó chẳng qua là các bạn được tiếp cận với những bộ sách sử tối giản, những bộ phim như Đông Chu liệt quốc, Tam quốc diễn nghĩa,.. phim đã hư cấu đi rồi để dễ xem dễ thấm. Chứ những bộ sách chi tiết đồ sộ về lịch sử Trung Quốc chưa chắc bạn đọc đã được tiếp cận. Vì sách đó toàn tiếng nước họ, đồ sộ, Việt Nam đã dịch đâu mà tiếp cận được, đâu phải ai cũng có thể đọc được”, PGS.TS Trần Đức Cường khẳng định.

Theo TÌNH LÊ (Vietnamnet)