Người xưa đã có ý thức về tác hại của rượu

05/02/2024 - 05:57

 - Không phải đến ngày nay, từ xa xưa, rượu đã bị ngăn cấm, chế tài rất nghiêm khắc, bởi chất men gây nghiện này để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, không thể nào bù đắp được.

Xuất hiện từ thời cổ đại, rượu dù có hưng phấn tinh thần, nhưng tác hại của nó vô cùng nguy hiểm, đến mức suy sụp cơ đồ. Tháng 5/1299, vua Trần Anh Tông suýt bị Thượng hoàng Trần Nhân Tông truất ngôi do say rượu, về sau ngài cẩn trọng với men rượu, tập trung chăm lo triều chính. Có lần, Thượng hoàng gợi ý Trần Anh Tông chọn Nội thị Chánh chưởng Nguyễn Quốc Phụ làm Hành khiển, nhà vua từ chối bởi “chỉ hiềm hắn nghiện rượu mà thôi”.

Đến năm 1473, vua Lê Thánh Tông ban sắc chỉ cấm uống rượu. Ai không chấp hành sẽ bị phạt trượng – bậc thứ 2 trong “ngũ hình” (xuy - đánh bằng roi, trượng - đánh bằng gậy, đồ - lao dịch khổ sai, lưu - đày đi xa và tử) của pháp luật nhà Lê. Rượu không “giết” ngay người sử dụng, nhưng nghiện nó cơ thể sẽ “chết từ từ”, gia đình kiệt quệ, đúng như đúc kết của của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từ năm 1784: “Hơi men nung nấu can tâm/ Đau đầu thổ huyết họng sưng mắt mù/ Biến sinh cước khí, ung thư/ Phế suy, tâm hoảng, gan khô, da vàng... Rượu làm khí lực hao mòn/ Chi bằng nhịn rượu để còn gạo ăn”.

Đến triều Nguyễn, theo sách “Đại Nam thực lục”, khi giao tranh với Tây Sơn, vua Gia Long ban hành 32 điều lệnh trong toàn quân. Trong đó, cấm không ai được uống rượu, khi phạm tội đánh 100 roi, sung làm đầu bếp. Năm 1883, vua Tự Đức ra sắc chỉ, người nghiện rượu bị sung vào quân và phát vãng đến miền núi khai khẩn đất hoang. Châu bản triều Nguyễn còn lưu lại các vụ ẩu đả, giết người mà thủ phạm là người say rượu, đến mức phải xử giảo giam hậu (xử thắt cổ nhưng giam chờ xét), thậm chí lăng trì xử tử ngay.

Chỉ vì nghiện rượu, người con Phạm Văn Nguyệt giết cha Phạm Văn Thác đang sống chung nhà. Phạm Văn Nguyệt bị xử lăng trì ngay sau đó. Với ông Phí Văn Đoan, uống rượu đã nhiều, lại sai vợ đi mua rượu uống tiếp. Người vợ không chịu, Đoan lăng mạ, dùng bình rượu ném trúng bụng khiến vợ bị hỏng thai, tử vong. Phí Văn Đoan bị xử giảo giam hậu.

Đến thời hiện đại, sử dụng rượu bia dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) là “thủ ác giấu mình”, một trong những nguy hại lớn cho cuộc sống của cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của gia đình. Năm 2023, với xử lý "không có vùng cấm" trường hợp vi phạm nồng độ cồn, TNGT giảm tới hơn 26%.

Cụ thể, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc xử lý hơn 3,4 triệu trường hợp vi phạm, tước 664.197 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 1,07 triệu phương tiện các loại. Trong đó, xử lý vi phạm về nồng độ cồn là 770.679 trường hợp, tăng 462.028 trường hợp so với năm 2022.

Riêng về TNGT từ nguyên nhân người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, xảy ra 814 vụ nghiêm trọng, làm chết 400 người, bị thương 619 người.  So với cùng kỳ năm 2022, giảm 75 vụ (giảm 8,44%), giảm 143 người chết (giảm 26,34%), giảm 11 người bị thương (giảm 1,75%). Năm 2024 và những năm tiếp theo, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục duy trì việc xử lý kiên quyết, rốt ráo, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngày nghỉ, nhằm hình thành thói quen "đã sử dụng rượu, bia thì không lái xe".

Theo Công an tỉnh An Giang, tỉnh triển khai nhiều giải pháp, biện pháp phòng ngừa, nhưng TNGT đường bộ, đường thủy vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 226 vụ TNGT (đường thủy 3 vụ), làm chết 160 người (đường thủy 2 người), 112 người bị thương, thiệt hại trên 1,38 tỷ đồng. So năm 2022, giảm 46 vụ TNGT, giảm 87 người chết, số người bị thương tăng 39 người.

Công an tỉnh và Sở Y tế đã tổ chức sơ kết Quy chế phối hợp về kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn đến cấp cứu tại các cơ sở y tế. Công an tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình công tác về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong lực lượng công an toàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc thực hiện và tổ chức kiểm tra rộng khắp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông...

ThS Nguyễn Hồng Hoai (Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia tỉnh) cho biết, Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia quy định: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên không được phép uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập. Khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định: Những hành vi vi phạm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông có khả năng gây uy hiếp, có nguy cơ cao dẫn đến TNGT nguy hiểm, có thể bị xem xét xử lý hình sự, kể cả trong trường hợp chưa gây ra hậu quả.

Để ngăn chặn hành vi điều khiển xe sau uống rượu, bia, trước hết, người điều khiển phương tiện phải xác định đây là quy định của pháp luật, phải chấp hành. Trái lại, sẽ bị chế tài nghiêm, không chỉ của pháp luật mà còn ở đơn vị, cơ quan, tổ chức. Qua đó, mọi người cùng thực hiện thói quen và hình thành văn hóa giao thông, thượng tôn pháp luật.

N.R