Nguyên nhân khiến các hãng bán lẻ lớn đồng loạt tăng giá hàng hoá

26/04/2021 - 09:46

Hai “gã khổng lồ” trong ngành bán lẻ của Mỹ là Procter & Gamble (P&G) và Coca-Cola (Coke) đã trở thành cái tên mới nhất thông báo sẽ tăng giá sản phẩm để bù đắp cho những chi phí hàng hóa đang tăng cao.

Đây không phải là điều quá đáng ngạc nhiên. Hầu hết các hãng bán lẻ sẽ chuyển phần chi phí cao hơn sang người tiêu dùng, bởi họ khó nhận thấy sự khác biệt khi các công ty sử dụng nhiều chiến thuật định giá khác nhau.

Ngoài ra, đại dịch cũng đã mang lại cho các “đại gia” tiêu dùng nhiều quyền lực về giá hơn, khi người tiêu dùng thường lựa chọn đặt niềm tin vào các thương hiệu lớn và họ cũng có thêm những khoản tiền nhỏ (có thể do các chính sách hỗ trợ đại dịch từ phía chính phủ).  

Một phố mua sắm ở New York, Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Lạm phát đang rình rập…

Lạm phát đang rình rập. Các chi phí nguyên liệu thô, từ gỗ xẻ đến nhựa thông, đang tăng cao, buộc các công ty phải thực hiện các bước bảo vệ lợi nhuận.

Đại dịch đã khiến giá cả tăng nhanh sau một năm bùng nổ nhu cầu tiêu thụ một loạt các mặt hàng từ khăn giấy đến lọ bơ đậu phộng. Theo Hiệp hội Thương hiệu Người tiêu dùng, doanh số bán những sản phẩm có đóng gói tại Mỹ đã tăng 9,4%, lên 1.530 tỷ USD trong năm ngoái. Nhiều nhà sản xuất thậm chí đã rút lại các chiến dịch quảng cáo và khuyến mại, khi họ cố gắng sản xuất theo kịp nhu cầu để giành thị phần mà không cần tiếp thị nhiều.

Chuyên gia kinh tế trưởng James Knightley của ngân hàng ING dự báo giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và có thể tăng gần 4% vào tháng Năm, so với cùng thời điểm một năm trước. Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng, phản ánh số tiền người tiêu dùng Mỹ phải trả cho một giỏ hàng hóa, đã tăng 2,6% trong tháng 3/2021 so với cùng kỳ năm trước. 

… trong khi hàng tồn kho lại quá ít

Theo chuyên gia kinh tế trưởng James Knightley, lượng hàng tồn kho ít đang giúp các công ty linh hoạt trong chiến dịch định giá của mình.  

Chuyên gia này nói: “Theo Viện Quản lý nguồn cung, kết quả cuộc khảo sát mới nhất cho thấy 40% nhà sản xuất báo cáo rằng hàng tồn kho của họ ở mức quá thấp. "Điều này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy sức mạnh định giá của các công ty đang được tăng cường".

Trong khi đó, chuyên gia phân tích trong ngành công nghiệp thực phẩm Phil Lempert cho biết có nhiều yếu tố đã làm tăng chi phí, trong đó phải kể đến tình trạng các cảng bị tắc nghẽn, tài xế xe tải bị thiếu hụt trong khi nhân viên thực phẩm phải cố gắng thực hiện đầy đủ các biện pháp giãn cách xã hội. Điều này khiến việc theo kịp nhu cầu và vận chuyển các đơn hàng, từ ngũ cốc đến pho mát Italy trên phạm vi toàn cầu trở nên khó khăn hơn. 

Những chiêu tăng giá “lén lút”

Trong khi đó, chuyên gia phân tích Linda Montag của hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s cho rằng bà không coi môi trường giá cao hơn là một lợi thế cạnh tranh vì tất cả các công ty tiêu dùng đều đang phải đối mặt với chi phí hàng hóa cao hơn. 

Bên cạnh Coke và P&G, PepsiCo, Kimberly-Clark, General Mills và J.M. Smucker cũng đều đưa ra những động thái tương tự, nhưng người tiêu dùng thậm chí có thể không nhận thấy rằng họ đang phải trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm tã hoặc nước ngọt.

 “Các công ty tiêu dùng đều hiểu rất rõ về cách thức tăng giá sản phẩm một cách tế nhị hơn, thay vì chỉ đơn giản là thông báo tăng từ 5-10% giá thành sản phẩm. 

Một số phương pháp được sử dụng bao gồm sử dụng bao bì mới, bán các gói có kích thước nhỏ hơn nhưng cùng một mức giá hoặc đưa ra chương trình khuyến mãi giảm giá cho đến khi người tiêu dùng quen với giá nhãn dán cao hơn. 

Ngoài ra, việc ký kết các hợp đồng tương lai cũng có giúp cho một số nhà sản xuất như Coke và Pepsi linh hoạt hơn trong việc tăng giá dần dần, bởi họ sẽ không chịu tác động từ môi trường chi phí hàng hóa tăng cao trong vài quý.

Theo PHƯƠNG NGA (Báo Tin Tức)