Maria Goeppert Mayer, một nhà vật lý và giáo dục có những đóng góp đột phá trong lĩnh vực vật lý hạt nhân.
Mặc dù đối mặt với những trở ngại và phân biệt đối xử trong suốt sự nghiệp, bà vẫn kiên trì cống hiến và mở đường cho nữ giới trong khoa học. Bà được trao giải Nobel Vật lý năm 1963 cho công trình mô hình vỏ hạt nhân. Bà là người phụ nữ thứ hai, sau Marie Curie, nhận giải Nobel Vật lý.
Maria Goeppert Mayer là người phụ nữ thứ 2 đoạt giải Nobel Vật lý.
7 thế hệ liên tiếp làm giáo sư đại học
Maria Goeppert Mayer sinh năm 1906 tại TP Kattowitz (nay là Katowice), Ba Lan (khi đó là một phần của Đức). Bà xuất thân từ một gia đình có bề dày học thức.
Xét về phía cha, Mayer là thế hệ giáo sư đại học thứ bảy liên tiếp trong nhà, theo Nobel Prize organisation. Cha bà, Friedrich Goeppert - giáo sư nhi khoa tại Đại học Göttingen, mẹ bà, Maria Wolff - con gái của một giáo sư toán học.
Nền tảng gia đình đóng vai trò quan trọng giúp Mayer khơi dậy trí tò mò và hình thành niềm đam mê khoa học. Bà được tiếp xúc với các cuộc thảo luận và tranh luận học thuật quanh bàn ăn tối, được khuyến khích theo đuổi sở thích về khoa học và toán học. Việc tiếp xúc sớm này đã giúp định hình thế giới quan và cách tiếp cận của bà đối với nghiên cứu khoa học.
Mayer theo học chuyên ngành Vật lý tại Đại học Göttingen (Đức) với một số nhà vật lý lỗi lạc nhất sau này như Max Born và Werner Heisenberg. Bà lấy bằng tiến sĩ Vật lý năm 1930 với luận văn nghiên cứu lý thuyết về khả năng hấp thụ hai photon của nguyên tử.
Nữ giáo sư làm việc không công trong nhiều năm
Trong những năm đầu sự nghiệp, Mayer vật lộn tìm việc làm do sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong giới khoa học.
Bà kết hôn với PGS Joseph Edward Mayer tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) nhưng chỉ được giao công việc trợ lý tại Khoa Vật lý với mức lương không đáng kể dù bà có học vị tiến sĩ. Bà vẫn tiếp tục làm việc, chỉ vì đam mê Vật lý.
Mayer trải qua các vị trí không lương trong nhiều năm trước khi trở thành một giáo sư Vật lý.
Tháng 12/1941, Mayer nhận công việc được trả lương đầu tiên với vị trí giảng viên khoa học bán thời gian tại Đại học Sarah Lawrence.
Năm 1946, hai vợ chồng nhà khoa học chuyển đến TP Chicago. Đây là nơi đầu tiên Mayer không bị coi là phiền toái mà được chào đón. Bà trở thành giáo sư tại Khoa Vật lý và Viện Nghiên cứu Hạt nhân thuộc Đại học Chicago và cộng tác tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne.
Niềm đam mê nghiên cứu hạt nhân
Trong thời gian làm việc tại Chicago và Argonne, Mayer đã phát triển một mô hình toán học cho cấu trúc vỏ hạt nhân. Trên cơ sở đó, bà đề xuất rằng bên trong hạt nhân, các proton và neutron được sắp xếp thành một loạt các lớp nucleon, giống như các lớp của củ hành tây, với các neutron và proton quay xung quanh nhau ở mỗi cấp độ.
Trong cùng thời gian, nhà Vật lý người Đức J. Hans D. Jensen làm việc độc lập cũng đi đến kết luận tương tự. Goeppert Mayer được đồng trao giải Nobel Vật lý năm 1963 vì công trình nghiên cứu về mô hình vỏ hạt nhân.
Những đóng góp của Mayer có tác động đáng kể đến lĩnh vực Vật lý hạt nhân. Mô hình vỏ hạt nhân bà phát triển đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lượng và y học hạt nhân, đồng thời cũng có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu các vì sao và sự tiến hóa của vũ trụ.
Năm 1960, Goeppert Mayer được bổ nhiệm làm giáo sư Vật lý chính thức tại Đại học California, San Diego. Mặc dù bị đột quỵ ngay sau khi đến đây, bà vẫn tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu trong nhiều năm trước khi qua đời vào năm 1972.
Hội Vật lý Mỹ đã thành lập một giải thưởng mang tên Maria Goeppert Mayer nhằm vinh danh các nhà nữ Vật lý trẻ.
Theo TỬ HUY (Vietnamnet)