Thị trường Internet băng rộng cố định được ví như đại dương đỏ, bởi nó là cuộc so găng quyết liệt của các doanh nghiệp trong cuộc chiến giành khách hàng và thị phần.
Internet băng rộng cố định được ví như "võ đài đẫm máu"
Cho đến thời điểm này, Bộ TT&TT cấp 19 giấy phép cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cố định Internet ADSL/FTTH cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị phần dịch vụ chủ yếu nằm trong tay 3 nhà cung cấp là VNPT, Viettel và FPT. Cho dù khá cởi mở trong việc cấp phép, nhưng nhiều năm qua không có nhiều doanh nghiệp mới gia nhập thị trường ngoài MobiFone. Dù vậy, sự xuất hiện của MobiFone cũng khá mờ nhạt và thị phần cũng rất nhỏ.
Thị trường Internet băng rộng cố định được ví như "đại dương đỏ", bởi nó là cuộc so găng quyết liệt của các doanh nghiệp trong cuộc chiến giành khách hàng và thị phần. Đã có những cáo buộc lẫn nhau giữa các doanh nghiệp liên quan đến việc phá giá, thậm chí bán dưới giá thành. Nếu như trước đây, các nhà mạng đưa ra mức phí lắp đặt ban đầu thì với cuộc chạy đua giành giật khách hàng, họ đồng loạt tuyên bố tặng phí lắp đặt, đồng thời mạnh tay khuyến mại cho khách hàng trả trước 1 năm sử dụng dịch vụ.
Trên một số trang mạng xã hội, đã xuất hiện hội nhóm chia sẻ cách để “bùng” cước Internet của các nhà mạng hoặc cách chuyển mạng để được hưởng khuyến mãi cho các thuê bao mới. Một nhà mạng đã than thở rằng, khách hàng sử dụng Internet ADSL/FTTH “thay nhà mạng như thay áo” khiến họ phải bỏ ra chi phí quá lớn.
Trong cuộc chạy đua sát ván, những doanh nghiệp như CMC, NetNam đã chuyển hướng tập trung sang cung cấp dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp kèm một hệ sinh thái chứ không nhắm đến khách hàng cá nhân như VNPT, Viettel và FPT.
Chia sẻ với VietNamNet, một lãnh đạo của FPT Telecom cho hay, khi một thuê bao mới đăng ký dịch vụ, nhà cung cấp sẽ phải đầu tư cáp, modem ở mức chi phí khoảng 2 triệu đồng. Để thu hồi vốn đầu tư ban đầu, nhà mạng sẽ phải mất 2 năm. Đó là chưa kể chương trình khuyến mại cho các thuê bao mới. Thế nhưng, sau khi hết khuyến mại, các thuê bao này lại chuyển sang nhà mạng khác, thậm chí “bùng” cước của nhà cung cấp dịch vụ khiến họ thiệt đơn, thiệt kép.
“Có nhà mạng đã đưa ra gói cước Internet băng rộng chỉ 100.000 đồng/tháng để kéo khách hàng. Với mức cước này, chỉ có bù chéo từ dịch vụ khác thì nhà mạng mới duy trì nổi”, đại diện FPT Telecom nói.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc VNPT chia sẻ, các doanh nghiệp cạnh tranh quá đà đã khiến thị trường Internet băng rộng cố định lao dốc, không còn lợi nhuận. Nếu tiếp tục thế này thị trường sẽ đổ vỡ.
Cũng theo ông Huỳnh Quang Liêm, Internet băng rộng cố định cần chi phí rất lớn để tái đầu tư cho mạng truyền dẫn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải đầu tư thêm nhiều tuyến cáp quang biển. Nhưng nếu các doanh nghiệp cùng lao vào cuộc cạnh tranh sát ván, họ sẽ không còn tiền để tái đầu tư. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả khách hàng và an ninh thông tin của Việt Nam.
Giọt nước tràn ly và cơ hội để nhà mạng “làm lại từ đầu”
Một thống kê mới đây, sau khi 5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam bị đứt, cho thấy thuê bao sử dụng Internet băng rộng cố định chiếm tới 80% dung lượng đi quốc tế của Việt Nam. Vì vậy, khi sự cố cáp quang biển xảy ra trên cả 5 tuyến thì những thuê bao Internet băng rộng cố định bị ảnh hưởng lớn nhất.
Cuộc chiến giành giật khách hàng giống như “giọt nước tràn ly” đã buộc các nhà mạng phải tính toán lại cho tương lai của mình. Lần đầu tiên, các nhà mạng đồng loạt áp lại mức phí lắp đặt ban đầu cho các thuê bao mới là 300.000 đồng. Việc áp lại mức phí hòa mạng ban đầu khiến khá nhiều khách hàng bất ngờ. Thế nhưng, khi các nhà mạng cùng áp chung mức giá thì điều này cũng đã được thị trường chấp nhận.
Cũng có ý kiến hoài nghi cho rằng đến một lúc nào đó câu chuyện cạnh tranh quá đà lại bùng phát sẽ đẩy nguy cơ thị trường đổ vỡ. Nhưng có vẻ như các nhà mạng giờ đây đã liên thủ tốt hơn để chống đổ vỡ thị trường. Ngày hôm qua (29/8), dưới sự chứng kiến của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), 10 nhà mạng đã tiến thêm một bước nữa khi cùng ký cam kết từ chối cung cấp dịch vụ với những khách hàng “bùng” cước.
Theo đó, các doanh nghiệp gồm Viettel, VNPT, MobiFone, FPT Telecom, CMC Telecom, SPT (Saigon Postel Corp), HTC-ITC, Indochina Telecom, Netnam và VTC Digicom đã cam kết từ chối cung cấp dịch vụ cho các khách hàng đăng ký mới dịch vụ truy nhập Internet cố định nếu họ vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước với một trong các bên.
Các doanh nghiệp cũng thống nhất sẽ chuyển dữ liệu khách hàng vi phạm tới Hệ thống lưu trữ và hỗ trợ truy vấn khách hàng vi phạm đặt tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Mạng và Dịch vụ của Cục Viễn thông. Đây là hệ thống trung gian để lưu trữ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp truy vấn khách hàng vi phạm.
Động thái “làm lại từ đầu” của các nhà cung cấp dịch vụ Internet ADSL/FTTH, nếu được thực hiện nghiêm túc, là dấu hiệu tốt cho khách hàng. Vì chỉ khi các doanh nghiệp có được lợi nhuận, họ mới có tiền để tái đầu tư và đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Việt Nam đang đặt ra mục tiêu đưa Internet cáp quang kết nối 80% hộ gia đình và 100% số xã vào năm 2025. Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ có thể trở thành hiện thực khi thị trường cân bằng được lợi ích của cả doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người dùng, với mức cước hợp lý và chất lượng đảm bảo.
Theo Vietnamnet