Ông phát hiện khối u vài tháng trước cộng thêm tuổi cao nên sức khỏe yếu dần. Lễ viếng diễn ra chiều 28 - 29/9 tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM, sau đó gia đình đưa linh cữu nhạc sĩ đi hỏa táng trưa 30/9 tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa rồi đưa tro cốt vào chùa.
Nhạc sĩ Y Vũ tên thật là Trần Gia Hội, sinh năm 1940 tại Hà Nội. Từ nhỏ, ông được anh ruột là nhạc sĩ Y Vân dạy âm nhạc. Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào miền Nam, chơi nhạc mưu sinh tại các vũ trường ở Sài Gòn và Vũng Tàu.
Tên tuổi nhạc sĩ Y Vũ gắn với các ca khúc: Kim, Tôi đưa em sang sông, Chuyện loài hoa dang dở, Những tâm hồn hoang lạnh, Tình thiên thu, Đếm giọt sầu rơi...
Nhạc sĩ Y Vũ.
Trong đó, nhạc phẩm nổi tiếng nhất Tôi đưa em sang sông từng gây tranh cãi nhiều năm về quyền tác giả. Cụ thể, Y Vũ và Nhật Ngân đều nhận là tác giả bài này.
Nhạc sĩ Nhật Ngân nói Tôi đưa em sang sông là sáng tác đầu tay viết ở Đà Nẵng năm 1960, sau đó gửi vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y Vân chỉnh sửa, phát hành. Vì chưa có tên tuổi, ông phải ký tên tác giả cùng nhạc sĩ Y Vũ.
Sau đó, nhạc sĩ Y Vũ cho biết mình mới là tác giả: "Anh trai Y Vân là thầy của tôi, Anh Thy và Nhật Ngân. Sau khi nghe bài này, anh nói: "Mày để cả tên Nhật Ngân vào cho nó nổi tiếng", tôi nghe lời nên làm theo".
Năm 2017, Y Vũ tham gia chương trình Hát câu chuyện tình của Đài Truyền hình TP.HCM, lần nữa khẳng định là tác giả duy nhất của bài Tôi đưa em sang sông đồng thời cung cấp bản thảo viết tay của tác phẩm.
Trong đó, lời gốc "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là cánh mây trôi bốn phương trời" được sửa thành "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời", câu "Nàng đã thay một lối về, thay cả bàn tay đón đưa" được sửa thành "Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa".
Cuộc đời nhạc sĩ trải qua nhiều thăng trầm, từng làm đủ nghề như công nhân, bán ve chai... mưu sinh. Thập niên 1990, ông trở lại viết nhạc, có nhiều tác phẩm đồng sáng tác với nhạc sĩ Vinh Sử như Chẳng dám làm quen, Đếm giọt sầu rơi, Em trước anh sau và Lòng nghe dậy sóng, nhờ vậy mà cuộc sống khấm khá, cải thiện.
Những năm cuối đời, Y Vũ sống cùng vợ trong ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô TP.HCM. Thời còn khỏe, ông vẫn chăm chỉ dạy nhạc, chơi nhạc cho các phòng trà. Ông làm việc cho thỏa đam mê hơn là kiếm tiền. Y Vũ nhận nhiều học trò, sẵn sàng cho họ mượn tên tuổi tổ chức đêm nhạc.
Theo Vietnamnet