Nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái về tình hình tôn giáo ở Việt Nam

30/09/2022 - 05:44

 - Trong âm mưu chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thì tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề chúng đặc biệt quan tâm. Bởi đây là lĩnh vực “nhạy cảm”, một khi niềm tin tôn giáo bị lợi dụng cho những mục đích xấu sẽ gây ra những hệ lụy khó lường.

Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật

Ngay từ ngày đầu lập nước và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến quyền con người, trong đó có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do tôn giáo của nhân dân. Điều này được khẳng định rõ trong Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chính sách nhất quán của Đảng, nhà nước, được đảm bảo trên thực tiễn và cụ thể bằng Hiến pháp và các văn bản pháp luật.

Trong mỗi giai đoạn lãnh đạo cách mạng, Đảng, nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tạo hành lang pháp lý để các tôn giáo hoạt động ổn định, tăng cường củng cố mối quan hệ giữa nhà nước và các giáo hội.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo mà số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được đảm bảo tốt hơn.

Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng xác định: “…Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Thế nhưng, do tư tưởng định kiến với Việt Nam, các thế lực thù địch vẫn ngày đêm lợi dụng, xuyên tạc trắng trợn về chính sách pháp luật và tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, cứ đến dịp tháng 3, tháng 9 hàng năm, họ tự cho mình cái quyền công bố báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở các nước trên thế giới.

Các tổ chức nhân quyền, các phương tiện thông tin của Mỹ và các nước phương Tây được dịp phụ họa, “tát nước theo mưa”, tuyên truyền về cái gọi là “vi phạm các quyền con người”, “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới”; trong đó, họ cho Việt Nam là một trong những nước trọng điểm bị chỉ trích.

Các thế lực thù địch rêu rao rằng, Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo, hạn chế, cản trở, đàn áp hoạt động tôn giáo. Quan điểm này thường viện dẫn rằng có những hoạt động tôn giáo bị chính quyền ngăn cản hoặc giải tán. Tuy nhiên, trong thực tế những hoạt động tôn giáo bị chính quyền giải tán là những hoạt động chưa được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền, nói cách khác, đây là hoạt động trái pháp luật. Khi thấy các cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn những hoạt động này, các thế lực thù địch lu loa rằng, đó là hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hạn chế tôn giáo mà quên rằng, các cơ quan đang thực thi pháp luật Việt Nam chứ không phải thực thi pháp luật của một đất nước nào khác.

Chúng thường xuyên đăng tải những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc sự thật về “tự do tín ngưỡng, tôn giáo” ở Việt Nam trên internet, các trang mạng xã hội, xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của nhà nước. Mục đích cuối cùng nhằm thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, tạo bất ổn, hòng âm mưu lật đổ chế độ.

Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật. Nhà nước ủng hộ và tạo điều kiện tổ chức lễ kỷ niệm của các tôn giáo với quy mô hàng trăm nghìn người. Những hội thảo, hội nghị mang tầm quốc tế, khu vực của các tổ chức tôn giáo được nhà nước tạo điều kiện và hỗ trợ tổ chức. Nhân dịp kỷ niệm 350 năm thành lập hàng giáo phẩm của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, chính quyền cho phép 30 giám mục, 1.200 linh mục và hơn 100.000 giáo dân trên khắp cả nước tụ họp tại tỉnh Hà Nam để tổ chức sự kiện này. Hàng năm, nhân dịp lễ kỷ niệm ngày sinh Đức Huỳnh Giáo chủ, khoảng 100.000 người tụ họp để dự lễ tại An Hòa Tự (thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân).

Tương tự, hàng năm, nhân dịp Lễ hội Diêu Trì Kim Mẫu, hàng trăm nghìn tín đồ Cao Đài trên cả nước và nước ngoài tụ họp về Tòa thánh Tây Ninh để hành lễ. Trong các năm 2008, 2014 và 2019, Việt Nam đã cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc, thu hút hàng chục nghìn đại biểu đến từ các quốc gia trên thế giới và các tín đồ Phật giáo trong và ngoài nước…

Qua đó cho thấy, Việt Nam là một đất nước rất ôn hòa trong quan hệ giữa các tôn giáo, có truyền thống đoàn kết tôn giáo, đoàn kết toàn dân trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đồng thời khẳng định, Đảng và nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết lương - giáo và giữa các tôn giáo.

Để tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch, các cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc hoặc những hoạt động, tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, làm vô hiệu hóa các “đạo lạ”, “tạp giáo”, “tà giáo”; lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự nghiệp đổi mới của đất nước.

MINH THƯ