Nhân quyền ở Việt Nam trở thành “tài sản chung” của xã hội

19/03/2021 - 08:42

 - Hàng năm, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York (Mỹ) tung ra cái gọi là Báo cáo thế giới, cố ý xuyên tạc tình hình thực hiện quyền con người ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Năm nay cũng vậy, Báo cáo thế giới năm 2021 dày 761 trang của Tổ chức theo dõi nhân quyền nêu ra có nhiều nội dung không đúng, sai lệch với thực tế ở Việt Nam.

Khoản 1, Điều 14 Chương II Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định rõ: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Nhìn từ lịch sử cách mạng, phải khẳng định rằng, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, Đảng, nhà nước Việt Nam vẫn cố gắng chăm lo cuộc sống mọi mặt của toàn dân. Bởi đó là bản chất, mục tiêu nhất quán của một nhà nước của dân, do dân, vì dân, đó cũng là nỗ lực để hiện thực hóa điều Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.

Hàng triệu công dân ở nước ngoài được Chính phủ Việt Nam “giải cứu” về nước khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành

Trên thực tế, kể từ khi thành lập nước đến nay, vấn đề dân chủ, nhân quyền luôn được quan tâm, chú trọng, lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống. Đảng, nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực để nhân quyền được bảo đảm, ngày càng phát triển. Những thành tựu mọi mặt về nhân quyền Việt Nam đã đạt được không chỉ cho thấy kết quả của nỗ lực này, mà còn trực tiếp khẳng định, chứng minh sự ưu việt của chế độ xã hội. Nỗ lực và kết quả Việt Nam đạt được với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn dân đã làm cho nhân quyền ở Việt Nam trở thành “tài sản chung” của xã hội, được Liên Hiệp Quốc và nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế, chuyên gia trên các lĩnh vực khác nhau ca ngợi, đánh giá rất cao. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, việc Đảng, nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam quyết tâm bằng mọi biện pháp bảo vệ tính mạng con người trước dịch bệnh COVID-19, chính là một sự khẳng định rõ ràng về  thành tựu, chủ trương nhất quán, toàn diện và đúng đắn này.

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền dân chủ, quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến. Các quyền con người được quy định một cách rõ ràng, cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; việc đảm bảo quyền con người là chính sách nhất quán của Đảng và nhà nước Việt Nam; quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp. Mọi công dân có quyền bình đẳng, có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Chất lượng cuộc sống và thu nhập của người dân Việt Nam được nâng lên. Năm 2020, người dân hoàn toàn ủng hộ, chung sức cùng Đảng, nhà nước Việt Nam không chế và phòng, chống thành công đại dịch COVID19, góp phần quan trọng vào việc Việt Nam đạt tăng trưởng dương ở mức 2,91%.

Theo báo cáo của trang mạng “We are social”, năm 2020 Việt Nam có hơn 68 triệu dân sử dụng Internet (chiếm tỷ lệ 70% dân số) với mục đích sinh kế, học tập, giải trí trực tiếp, biểu đạt và thực hiện các quyền con người của mình, kể cả những quyền dân sự, chính trị như tham gia đóng góp ý kiến với các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật, văn kiện Đại hội Đảng. Do đó, không có chuyện Việt Nam vi phạm nhân quyền hay “bắt giữ người bất đồng chính kiến” như những cáo buộc vô căn cứ của Tổ chức theo dõi nhân quyền. Tổ chức theo dõi nhân quyền đã nhiều lần đưa ra những thông tin thiếu khách quan, sai lệch về Việt Nam; cổ súy cho những đối tượng chống đối cũng như các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Việc họ vội vã kết luận “năm 2020, thêm một năm tồi tệ khủng khiếp nữa với nhân quyền ở Việt Nam” là hoàn toàn sai sự thật và không thể chấp nhận được. Người dân Việt Nam nhận thức rõ những động cơ xấu của Tổ chức theo dõi nhân quyền, họ không hướng tới những giá trị tốt đẹp của cuộc sống người dân, mà thực chất họ chỉ muốn lợi dụng cái gọi là vi phạm nhân quyền như một cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, của các quốc gia có chủ quyền.

T.M