Sự kiện 1: Hải quan Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch và chủ trì, tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33
Năm 2024, ghi nhận dấu mốc quan trọng của Hải quan Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức và đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEAN lần thứ 33 diễn ra tại Phú Quốc, Việt Nam. Việc tổ chức Hội nghị nhằm thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan Hải quan nước thành viên trong khu vực ASEAN; đồng thời nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam và phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam.
Là sự kiện thường niên và quan trọng nhất trong cơ chế hợp tác Hải quan ASEAN, Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN có sự tham gia của 118 đại biểu thuộc các đoàn lãnh đạo của 10 cơ quan Hải quan các nước ASEAN thành viên, Ban Thư ký ASEAN và các đối tác của ASEAN gồm: Hải quan Nhật Bản, Hải quan Trung Quốc, Hải quan Hàn Quốc, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Australia, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh Doanh ASEAN.
Với vai trò nước chủ nhà và là Chủ tịch của hội nghị, Hải quan Việt Nam đã tích cực đóng góp trong việc đưa ra định hướng thảo luận và xây dựng chiến lược phát triển hải quan giai đoạn mới.
Trong đó, nhấn mạnh vào mục tiêu hiện đại hóa hải quan, nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ kiểm soát hải quan khu vực và thế giới. Hải quan Việt Nam cũng chủ động xung phong đảm nhận vai trò nước điều phối trong Chiến dịch kiểm soát hải quan phối hợp (JCC) lần thứ 2, một trong những điểm nhấn về các sáng kiến nổi bật trong hợp tác về kiểm soát của Hải quan ASEAN.
Hội nghị đã được đánh giá cao về công tác điều hành, công tác chuẩn bị và tổ chức hội nghị, thể hiện sự chu đáo, ấn tượng, chuyên nghiệp, trọng thị và hiếu khách của Hải quan Việt Nam trước các đồng nghiệp Hải quan quốc tế.
Sự kiện 2: Tổng cục Hải quan nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024 vẫn được đánh giá là nhiều thách thức bởi những khó khăn trong nội tại nền kinh tế được dự báo tiếp tục kéo dài. Trong khi đó, tình hình chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, các cuộc xung đột quân sự tiếp tục kéo dài cùng với xung đột tại khu vực Biển đỏ gây ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, tăng chi phí vận chuyển, tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu và giá nhiều loại hàng hóa. Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước đã bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc. Tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã có nhiều biến động ảnh hưởng mạnh mẽ đến phát triển kinh tế bền vững và nguồn thu ngân sách của nước ta.
Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu năm 2024 đạt gần 428 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023. |
Trong bối cảnh đó, xác định thu ngân sách nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của toàn ngành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực vượt khó, chủ động và linh hoạt triển khai các nhóm giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh thu thuế 24/7, chống thất thu ngân sách, quyết tâm thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt mức dự toán thu ngân sách được nhà nước giao. Kết quả, tổng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 427.989 tỷ đồng, đạt 114,13% dự toán so với dự toán được Quốc hội giao là 375 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả tích cực nêu trên đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu.
Sự kiện 3: Tổng cục Hải quan triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi, hỗ trợ thương mại với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục hơn 786 tỷ USD.
Một trong những điểm sáng của ngành Hải quan năm 2024 là kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa, duy trì mức tăng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước phục hồi, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu, với tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại thặng dư 24,77 tỷ USD. Đây là số kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Có được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo xuyên suốt, kịp thời của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động cơ quan Hải quan trong triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp vừa bảo đảm việc quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, vừa tạo thuận lợi thương mại như: cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hải quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ từ thể chế đến cải cách hiện đại hóa và các giải pháp cụ thể trong công tác tổ chức thực hiện quy trình nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Sự kiện 4: Công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy của ngành Hải quan đã đạt kết quả ấn tượng, bắt giữ được gần 2,3 tấn ma tuý các loại và 355 đối tượng.
Trong năm 2024, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, đặc biệt là tội phạm ma túy diễn ra phức tạp, quy mô với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã làm tốt công tác tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức lực lượng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, nhiều vụ ma túy lớn, đặc biệt là các vụ án theo đường dây tội phạm quốc tế, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn xã hội.
Dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo các cấp, cùng tinh thần quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức trong ngành, năm 2024 toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 293 vụ với 355 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 110 vụ. Tổng số lượng tang vật thu giữ gần 2.3 tấn ma tuý các loại.
Để đạt được kết quả nổi bật nêu trên, lãnh đạo các cấp ngành Hải quan đã đặc biệt quan tâm, quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, cá nhân trong toàn Ngành nêu cao nhận thức, ý thức, tinh thần trách nhiệm trong phòng chống ma túy; chủ động và bảo đảm hiệu quả công tác kiểm soát ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các đơn vị trong Ngành và giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan chức năng, chuyên trách được triển khai, đồng bộ, thống nhất nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý các vi phạm, tội phạm liên quan đến ma túy.
Trên bình diện quốc tế, lực lượng Hải quan cũng đã góp phần khẳng định vai trò, vị thế và nỗ lực của cơ quan Hải quan Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu trong trận chiến đẩy lùi ma túy và các tác hại khôn lường liên quan đến tội phạm ma túy.
Sự kiện 5: Vai trò nổi bật của Hải quan Việt Nam trong điều phối, triển khai chiến dịch Con rồng MeKong VI về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã.
Chiến dịch Con rồng MeKong VI nằm trong chuỗi chiến dịch cùng tên của Chương trình hành động chung về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES trên các tuyến đường bộ, đường biển, hàng không do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến.
Kể từ khi triển khai Chiến dịch đến nay, Hải quan Việt Nam luôn là thành viên tích cực, thể hiện vai trò chủ động của nước đồng sáng kiến và điều hành Chiến dịch, đồng hành, sát cánh cùng các thành viên thuộc nhóm điều phối theo dõi, bàn bạc, thảo luận và đưa ra phương hướng, cách thức hoạt động hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn của Chiến dịch.
Hải quan Việt Nam thể hiện vai trò nổi bật trong điều phối, triển khai chiến dịch Con rồng Mê Kông VI. |
Với vai trò thành viên của Chiến dịch, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ Kế hoạch triển khai Chiến dịch trên cơ sở tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, Chiến dịch Con rồng MeKong tại Việt Nam đã chính thức đi vào triển khai, hoạt động từ ngày 15/4/2024 đến ngày 16/11/2024. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo triển khai Chiến dịch trong toàn ngành với phương châm mở rộng phạm vi hoạt động và kết nối thành viên liên khu vực tham gia Chiến dịch.
Trong đó, đã thiết lập hơn 40 đầu mối quốc gia cấp 2 để kết nối, trao đổi thông tin kịp thời. Qua thời gian triển khai Chiến dịch, Hải quan Việt Nam đã cập nhật tổng số 77 vụ việc bắt giữ ma túy và động, thực vật hoang dã lên hệ thống CENCOmm; trong đó, số vụ bắt giữ ma túy: 59 vụ, khối lượng ma túy bắt giữ: 395 kg (trong đó có gần 104.410 viên ma túy tổng hợp); số lượng động, thực vật hoang dã: 18 vụ, khối lượng tang vật tịch thu gồm: 269 kg; 353 cá thể, sản phẩm từ động, thực vật hoang dã.
Sự thành công của chiến dịch Con Rồng MeKong thể hiện vai trò chủ động của Hải quan Việt Nam trong các vấn đề kiểm soát khu vực, đã được cộng đồng Hải quan quốc tế và các tổ chức thực thi pháp luật đánh giá cao về chất lượng hợp tác, thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, góp phần nâng cao hình ảnh của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời, sự thành công của Chiến dịch là minh chứng cho nỗ lực rất lớn của các thành viên, sự phối hợp điều phối tích cực của nhóm điều phối, sự hỗ trợ hiệu quả của Văn phòng UNODC khu vực và RILO AP.
Sự kiện 6: Dấu ấn “10 năm phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp”.
Trong bối cảnh trong nước và trên thế giới đang có nhiều khó khăn hiện nay, việc phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp tiếp tục được ngành Hải quan quan tâm, chú trọng với những định hướng, giải pháp mới ngày càng thực chất và có chiều sâu hơn. Trong đó, tăng cường hợp tác Hải quan-Doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao năng lực quản lý và thực thi pháp luật của mỗi bên, góp phần giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp mang lại nhiều kết quả tích cực. |
Qua 10 năm đẩy mạnh thực hiện, công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho cả cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp. Đây là chặng đường một cơ quan quản lý thay đổi tư duy và hành động. Nhiều kinh nghiệm quý đã thu được, nhiều khó khăn đã trải qua được minh chứng rõ nét trong thực tế, góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về hải quan và thực thi công vụ trong ngành Hải quan.
Mục đích của Diễn đàn nhằm đánh giá chặng đường 10 năm, ghi nhận, biểu dương kịp thời tập thể, cá nhân tổ chức, doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu, đóng góp tích cực vào công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp và các bên liên quan; đồng thời định hướng giải pháp tiếp tục triển khai phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp và các bên liên quan trong giai đoạn mới; tăng cường năng lực tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy thuận lợi thương mại và phát triển kinh tế đất nước.
Hội nghị “10 năm phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp” đã ghi nhận, biểu dương, tôn vinh 41 tập thể, 79 cá nhân cơ quan Hải quan và 14 Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, 14 cá nhân và 94 doanh nghiệp.