Về lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự ủng hộ tích cực của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng), An Giang đã được đầu tư, khởi công nhiều công trình, dự án trọng điểm, như: Dự án Tuyến nối Quốc lộ 91 và Tuyến tránh TP. Long Xuyên (cũ) dài 15,3km, đưa vào khai thác ngày 16/6/2024; dự án đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú (cũ) qua khu vực Tứ giác Long Xuyên nối huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang (cũ), dài 40,55km (điểm đầu giao với Quốc lộ 91 đoạn qua huyện Châu Phú (cũ) - điểm cuối giao với huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang (cũ)); dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn An Giang dài 57,2km, đến nay tiến độ vượt kế hoạch; dự án kết nối tuyến đường liên kết vùng, đoạn N1 từ TX. Tân Châu (cũ) đến TP. Châu Đốc (cũ), kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp (cũ), dài 20,9km, đến nay tiến độ trên 91%; dự án cầu Châu Đốc dài 667m, đưa vào khai thác ngày 23/4/2024. Đồng thời, thi công 33/34 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm; duy tu, sửa chữa các tuyến đường tỉnh, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91C và Quốc lộ N1 với 22 danh mục công trình.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng kiểm tra tiến độ xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Việt Bắc, hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT của tỉnh được cải thiện, các công trình lớn, thiết thực được đưa vào khai thác, thúc đẩy triển kinh tế - xã hội địa phương. 5 năm qua, triển khai đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm, với tổng vốn đầu tư trên 5.858 tỷ đồng. Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch hàng năm và triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông. Lãnh đạo quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông với giá trị trên 1.567 tỷ đồng, đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là các dịp lễ, Tết, tổ chức sự kiện lớn của tỉnh. Giao thông nông thôn được xây dựng theo kế hoạch, tính đến cuối năm 2025 lên 7.652/9.565km, đạt 80% quy hoạch. Đồng thời, tổ chức lập các đề án có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp thực hiện đầu tư các dự án ngành xây dựng phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2027.
Bước vào nhiệm kỳ 2025 - 2030, An Giang đang đứng trước ngưỡng cửa phát triển mới. “Việc sáp nhập tỉnh, mở rộng không gian phát triển, hình thành một tỉnh lớn với địa hình đa dạng núi - đồng bằng - biên giới - biển đảo. Đây là một lợi thế chiến lược vô cùng to lớn, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu mới, những thách thức lớn đối với ngành xây dựng. Đòi hỏi ngành xây dựng phải là một trong những lực lượng tiên phong để hiện thực hóa tầm nhìn: An Giang trở thành trung tâm phát triển năng động của ĐBSCL, hướng tới mục tiêu trung tâm kinh tế biển quốc gia - một cực tăng trưởng quan trọng và hình mẫu phát triển bền vững” - đồng chí Ngô Công Thức phân tích.
Để đạt được mục tiêu đó, đồng chí Ngô Công Thức đề nghị: “Với quyết tâm chính trị cao nhất, ngành xây dựng phải chủ động tham mưu, triển khai khẩn trương các dự án phục vụ Hội nghị cấp cao APEC. Đây là nhiệm vụ có tính cấp thiết đặc biệt, không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh và đất nước, còn tạo động lực phát triển đột phá cho An Giang. Các dự án phải đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất, hiệu quả sử dụng cao nhất. Đồng thời, phải hoàn thành đúng tiến độ, thậm chí vượt tiến độ (nếu có thể), để đáp ứng yêu cầu của sự kiện tầm cỡ quốc tế này”.
Về đầu tư phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng, cần tham mưu đồng bộ các giải phát phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng đô thị vùng ven biển và biên giới. Phối hợp hiệu quả trong quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và khu chức năng gắn với các dự án trọng điểm quốc gia, như Cảng hàng không Rạch Giá và Phú Quốc; đảm bảo phát triển bền vững, đồng bộ, hiện đại. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cụ thể hóa các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; từng bước hoàn thiện các tuyến giao thông quan trọng. Phối hợp bộ, ngành Trung ương đầu tư phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông quốc gia qua địa bàn. Nâng cao chất lượng quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt an toàn theo quy chuẩn.
Về quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần kịp thời tổ chức rà soát, công bố công khai đồ án đã được phê duyệt và tăng cường xây dựng phát triển chuỗi đô thị, gắn với phát triển các cảng biển du lịch, cảng biển xuất - nhập khẩu hàng hóa, trung chuyển trong nước, quốc tế và khu vực. Đồng thời, tham mưu thống nhất các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị sau sáp nhập; đảm bảo tổ chức không gian phát triển hợp lý, bền vững. Trong đó, nghiên cứu tiếp cận định hướng phát triển quy hoạch theo quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng phê duyệt.
HẠNH CHÂU