Nhiều cơ hội mới từ thương mại điện tử

15/09/2022 - 03:58

 - Trước sự bùng nổ của công nghệ số, thương mại điện tử là xu thế tất yếu trong hoạt động mua bán, kinh doanh, trao đổi hàng hóa. Tận dụng tốt thương mại điện tử sẽ thúc đẩy kinh tế An Giang phát triển; nếu ngược lại, sẽ là sự “lạc nhịp” đáng tiếc.

Xu hướng tất yếu

Dù là hình thức kinh doanh mới phát triển gần đây (sau sự phổ biến của internet, trí tuệ nhân tạo), thương mại điện tử nhanh chóng chiếm lĩnh thương mại toàn cầu với tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại điện tử nhanh chóng phát triển ở Việt Nam. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Cứ 10 người tiêu dùng thì có 7 người truy cập kỹ thuật số. Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á dự báo năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt giá trị 21 tỷ USD nhờ hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng 53% so với năm 2021. Dự báo giai đoạn 2015-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế số đạt 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam đạt ngưỡng 43 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á (sau Indonesia và Thái Lan).

Đặc sản An Giang được đưa lên sàn thương mại điện tử

TS Trịnh Diệp Phương Vũ (Học viện Chính trị khu vực II) cho rằng, thương mại điện tử không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng, mà còn là động lực phát triển kinh tế. Vì thế, việc chuyển từ hình thức mua bán truyền thống sang sử dụng các nền tảng kỹ thuật số, thương mại điện tử không còn là lựa chọn, mà là xu thế bắt buộc. Trong đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN) vượt qua khủng hoảng thành công, tiếp tục tăng trưởng nhờ triển khai thương mại điện tử hiệu quả. “Thương mại điện tử là cơ hội mà DN, địa phương cần phải nắm bắt và khai thác hiệu quả vì sự phát triển” - TS Vũ nhấn mạnh.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định, chuyển đổi số quốc gia là nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Ngày 15/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 645/QĐ-TTg, phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng đề ra giải pháp cụ thể, với mục tiêu đến năm 2025, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.

Doanh số thương mại điện tử của mô hình thương mại điện tử B2C (Business to Customer - hình thức thương mại điện tử giao dịch giữa DN và khách hàng) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%.

Cơ hội cho An Giang

Là tỉnh được đánh giá có tiềm năng trong phát triển thương mại điện tử của khu vực ĐBSCL, An Giang nỗ lực thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, đạt nhiều kết quả tích cực thời gian qua. Toàn tỉnh hiện có 144 điểm phục vụ dịch vụ viễn thông công cộng, 4.377 điểm thu, phát sóng di động; 100% xã, phường, thị trấn phủ sóng thông tin di động 3G, 4G, internet cáp quang tốc độ cao, internet di động băng thông rộng; 65% người sử dụng thuê bao internet, 66,4% người dân sử dụng điện thoại thông minh... Những thành tựu đó đưa An Giang xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 10 bậc so năm 2015) về chỉ số phát triển thương mại điện tử năm 2020.

TS Trịnh Diệp Phương Vũ cho rằng, để phấn đấu đến năm 2025, An Giang đứng thứ 25 của cả nước và đứng thứ 4 khu vực ĐBSCL về chỉ số phát triển thương mại điện tử, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh cần nghiên cứu, triển khai những định hướng, giải pháp cụ thể. Trước tiên, An Giang cần củng cố và thiết lập môi trường pháp lý phục vụ phát triển thương mại điện tử.

Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc hỗ trợ DN ứng dụng thương mại điện tử, gắn việc hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19 với phát triển thương mại điện tử. Về lâu dài, tỉnh cần có kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử và cán bộ chuyên trách thực thi pháp luật về thương mại điện tử, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Đồng thời, khuyến khích cơ sở đào tạo trên địa bàn, nhất là Trường Đại học An Giang triển khai chương trình đào tạo về thương mại điện tử ở địa phương.

Một giải pháp quan trọng khác là An Giang cần đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử, đáp ứng nhu cầu truy cập internet tốc độ cao, ổn định; ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động logistics, chuyển phát, giao nhận hàng hóa. Để tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt đối với hầu hết sản phẩm, dịch vụ, tỉnh cần xây dựng, phát triển tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR…

Theo TS Trịnh Diệp Phương Vũ, An Giang cần có chính sách hỗ trợ DN thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực hoạt động trong thương mại điện tử; hỗ trợ DN kết nối với các sàn thương mại điện tử, như: Lazada, Sendo, Tiki, Amazon, Alibaba, Voso, Rakuten, Shopee, Postmart… để mở rộng tương tác, đưa sản phẩm đến thị trường một cách mạnh mẽ hơn. Đồng thời, xây dựng gian hàng của tỉnh An Giang trên các sàn thương mại điện tử lớn; tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn thương mại điện tử địa phương (sanphamangiang.com; angiangexport.com…); thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử ở khu vực đô thị có sức mua lớn, như: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu

“Thương mại điện tử đã trở thành một xu hướng tất yếu, đồng thời cũng là cơ hội mà An Giang và DN của tỉnh nhất định phải nắm bắt, khai thác hiệu quả, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững, hội nhập đầy đủ hơn với nền kinh tế thế giới, tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu” - TS Trịnh Diệp Phương Vũ nhấn mạnh

 

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích