Thông qua tọa đàm, tổ chức khảo sát, ý kiến góp ý của nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, các tầng lớp xã hội và học sinh, ngày 28/11/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT, phê duyệt phương án tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, thí sinh thi bắt buộc 2 môn (Ngữ văn, Toán)) và 2 môn tự chọn trong các môn còn lại ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Trong đó, môn Ngữ văn thi hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, nhằm bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có sự phân loại theo cấp độ, đáp ứng yêu cầu kỳ thi; khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài, hoặc học thuộc tài liệu có sẵn một cách máy móc; yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng học tập vào trong thực tế.
Kỳ thi tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT. Theo Kế hoạch năm học 2024 - 2025, Bộ GD&ĐT dự kiến thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vào ngày 26 và 27/6/2025. Việc công bố sớm nhằm giúp học sinh, nhà trường, sở GD&ĐT chủ động hơn trong công tác dạy học, chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi.
Hiện, Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, triển khai lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội. Theo đó, dự thảo đưa quy định chung; tổ chức thi và quản lý kỳ thi; đăng ký dự thi và chuẩn bị tổ chức thi; xét công nhận tốt nghiệp THPT; công tác in sao đề thi; coi thi, chấm thi; chế độ báo cáo và lưu trữ; thanh, kiểm tra, khen thưởng, xử lý các sự cố bất thường và xử lý vi phạm.
Theo dự thảo, rút ngắn thời gian tổ chức thi từ 4 buổi xuống còn 3 buổi; lần đầu tiên đưa môn Tin học và Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) vào kỳ thi; bổ sung dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm (trước đây chỉ 1 câu hỏi thi trắc nghiệm); tăng cường tính phân hóa của đề thi với tất cả các môn. Thí sinh không phải di chuyển phòng thi; trong suốt kỳ thi thí sinh chỉ dự thi ở 1 phòng; ưu tiên sắp xếp theo bài thi của 2 môn tự chọn, học sinh các cơ sở giáo dục gần nhau được trộn để dự thi.
Tất cả đối tượng đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến (trước đây, thí sinh tự do nộp), xác thực thông tin cá nhân và các ưu tiên cộng điểm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác tổ chức thi. Đặc biệt, truyền tải đề thi (số hóa) qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm nhanh, bảo mật, tiết kiệm thời gian.
Về xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT quy định tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12), nhằm đánh giá toàn diện năng lực của học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng hiệu quả, mục tiêu của kỳ thi. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn Ngoại ngữ, nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp.
Theo GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị sớm, kỹ càng và có sự thử nghiệm đánh giá để chuẩn bị tốt cho các khâu, như: Ngân hàng câu hỏi thi, hạ tầng thi, tập huấn, xây dựng phương pháp kiểm tra, đánh giá. Sở GD&ĐT cấp tỉnh tập trung tập huấn đào tạo giáo viên, định hướng học sinh học tập tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về phía học sinh lớp 12, trước hết tập trung học tập, rèn luyện các kỹ năng, kiến thức thầy cô đã dạy trên lớp. Ngoài môn Toán và Ngữ văn, các em cần căn cứ vào năng lực, sở trường của mình để chọn môn học, môn thi cho phù hợp nhất, phát huy hết năng lực. Không nên quá lo lắng công việc đổi mới thi, mà hãy tập trung học tập thật tốt.
N.R