Nhiều hoạt động nhân ngày Môi trường thế giới

05/06/2020 - 07:08

 - Các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5-6) do chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) phát động được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước. Hoạt động góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2020, chủ đề ngày Môi trường thế giới được UNEP lựa chọn là “Hành động vì thiên nhiên” (Time for Nature).

Tuyên truyền hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5-6). Ảnh: HỮU HUYNH

Theo UNEP, năm nay là năm quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học với việc tăng cường đồng loạt các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước và là thời điểm mỗi quốc gia cùng có những hành động thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.

Nhằm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, hiệu quả “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5-6), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương đến địa phương tổ chức tuyên truyền (sáng tạo, đổi mới cách thức thực hiện, hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin) về chủ đề, thông điệp hưởng ứng ngày Môi trường thế giới năm 2020 theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng.  

Căn cứ vào tình hình thực tế sẽ tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm (khuyến khích trực tuyến) về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải rắn, chất thải nhựa, ứng phó với biến đổi khí hậu; các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng như: ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải, từ chối sử dụng túi ny-lon khó phân hủy, đồ nhựa dùng 1 lần. Đầu tư kinh phí, đẩy mạnh công tác xã hội hóa về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: xây dựng nội dung quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch của tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn nguồn gen; kiểm soát nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép; quản lý sinh vật ngoại lai; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Đặc biệt là tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng: không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương…

An Giang hưởng ứng ngày Môi trường thế giới và “Tháng hành động vì môi trường” năm 2020, gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu do Sở TN&MT phụ trách trong xây dựng nông thôn mới và tổ chức các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học. Sở TN&MT chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động cụ thể: tham mưu UBND tỉnh phát động tổ chức các hoạt động nhân “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5-6). Chủ trì, phối hợp UBND huyện, xã triển khai 5 mô hình phân loại rác sinh hoạt hộ gia đình của 316 hộ dân tại 5 xã: Bình Phước Xuân (Chợ Mới), Bình Chánh (Châu Phú), Vĩnh Phú (Thoại Sơn), Đa Phước (An Phú), Bình Hòa (Châu Thành). Ngoài ra, còn hỗ trợ kinh phí và phối hợp UBMTTQVN để triển khai mô hình “Thu gom rác thải sinh hoạt” trong bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trên địa bàn huyện Châu Thành.

Cấp kinh phí và phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 5 lớp tập huấn cho 250 hội viên nòng cốt thực hiện việc triển khai mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn 5 xã nói trên. Đồng thời, cấp kinh phí và phối hợp Hội Nông dân tổ chức 5 lớp tập huấn cho 400 hội viên nòng cốt về việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở 5 xã này. Cấp kinh phí và phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức hội thi “Vì màu xanh quê hương - Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa" lần 2-2020 cho đoàn viên, thanh niên tìm hiểu các kiến thức liên quan đến bảo vệ môi trường, tái sử dụng rác thải nhựa. Tổ chức 4 đợt cao điểm (ngày “Chủ nhật xanh”) tuyên truyền bảo vệ môi trường, phát miễn phí các sản phẩm thân thiện môi trường thay cho vật liệu bằng nhựa…

Hỗ trợ kinh phí cho Hội Cựu chiến binh thành lập 40 câu lạc bộ “Cựu chiến binh bảo vệ môi trường”. Hỗ trợ và phối hợp Hội Người cao tuổi tỉnh tổ chức 1 lớp tập huấn cho 50 hội viên nòng cốt tại huyện Chợ Mới và in 4.000 tờ bướm tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Sở TN&MT còn biên soạn, thiết kế và in 600 cuốn sổ tay “Nhận dạng một số loài sinh vật ngoại lai xâm hại” để phát cho cán bộ làm công tác quản lý đa dạng sinh học, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Đồng thời, đang triển khai kế hoạch “Điều tra, đánh giá và cập nhật thông tin về loài động thực vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ trên địa bàn tỉnh An Giang”. Thông qua kế hoạch này có thể đánh giá hiện trạng, số lượng, khoanh vùng vị trí các loài động thực vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ trên địa bàn tỉnh, từ đó có biện pháp bảo tồn và phát triển. Dự kiến kế hoạch này sẽ hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh trong tháng 9 năm nay.

Hiện, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh toàn tỉnh khoảng 1.128 tấn/ngày, thu gom khoảng 743 tấn/ngày (đạt 65,9%) trên địa bàn 153/156 xã, phường, thị trấn; lượng rác còn chủ yếu ở vùng sâu, cù lao… được người dân tự xử lý.

Toàn tỉnh có 20 xã và 15 vùng chuyên canh rau màu thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị An Giang bố trí hơn 471 thùng chuyên dụng rải rác trên đồng ruộng và một số vị trí thu gom tập trung tại xã. Việc thu gom, vận chuyển được thực hiện định kỳ theo quy định, đã thu gom và xử lý khoảng 9.192kg.  

HỮU HUYNH