Nhiều kênh kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa các địa phương phía Nam

03/12/2021 - 19:13

Hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành là sáng kiến quan trọng trong việc tìm kiếm đầu ra một cách phù hợp cho sản phẩm, nông sản địa phương được triển khai từ năm 2012.


Siêu thị Saigon Co.op, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cung ứng hàng hóa dồi dào cho người dân. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Hội nghị Kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2021 diễn ra trong ba ngày (từ ngày 2-5/12) tại Thành phố Hồ Chí Minh đang thu hút sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước; trong đó, bộ, ngành và các tỉnh, thành cũng không ngừng nỗ lực phát huy vai trò cầu nối và mở rộng nhiều kênh kết nối chuỗi cung sản xuất kinh doanh, nhất là tại khu vực phía Nam, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Khai thác tiềm năng kênh online

Ghi nhận tại hội nghị các nhà cung ứng, diễn ra trong khuôn khổ hội nghị Kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2021, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, với bối cảnh "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" việc số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh trở nên vấn đề cấp bách.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của bộ, ngành và chính quyền các địa phương, nhất là về những cơ chế chính sách đẩy mạnh số hóa cho từng ngành nghề, lĩnh vực.

Theo cộng đồng doanh nghiệp, nhiều sản phẩm, nông sản địa phương được sản xuất kinh doanh bởi doanh nghiệp nhỏ và vừa nên hoạt động chuyển đổi số gặp không ít thách thức trong thời gian qua.

Nếu quá trình này có sự hỗ trợ của sở, ngành địa phương, cùng với sự dẫn dắt của những doanh nghiệp đầu ngành thì sản phẩm, nông sản địa phương sẽ có điều kiện thuận lợi hơn và cơ hội lên sàn thương mại điện tử cũng như tiếp cận nhiều thị trường xuất khẩu.

Ông Minh Anh, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm dừa tỉnh Bến Tre phân tích, nhiều sản phẩm từ dừa Bến Tre được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, nhưng cũng gặp khó khăn trong việc tiếp thị, quảng bá và mở rộng thị trường.

Vài năm gần đây, một số doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức và tìm giải pháp xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử nhưng việc này không dễ dàng.

"Doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương, ngoài việc nội tại vẫn tồn tại những điểm yếu về đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định trên thị trường thương mại tự do, còn vướng rào cản về chuyển đổi số hóa, ứng dụng công nghệ... nên bị hạn chế tham gia đa kênh bán hàng hiện đại.

Trước thực trạng này, sản phẩm, nông sản địa phương rất cần những giải pháp kết nối cung cầu hiệu quả mới tạo được những bước đột phá trên thị trường và liên kết phát triển," ông Minh Anh chia sẻ thêm.

Một số doanh nghiệp cũng đánh giá, chuỗi sự kiện chính trong Hội nghị Kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2021 đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động kết nối cung cầu; tổ chức phương án triển lãm thực tế ảo, kết nối trực tuyến; nâng cấp website www.ketnoicungcau.vn để hướng đến khai thác lâu dài, thường xuyên và liên tục... đã đáp ứng nhu cầu thực tế của đơn vị sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, hội nghị “Hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa thông qua sàn thương mại” trong khuôn khổ hội nghị Kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2021 cũng góp phần nâng cao phương thức kết nối trực tuyến bên cạnh hoạt động kết nối truyền thống.

Ở góc độ chính quyền địa phương, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, giải pháp kết nối cung cầu trực tuyến (online), mở gian hàng ảo tại hội nghị Kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2021 đã mang lại nhiều cơ hội hơn cho đơn vị sản xuất kinh doanh địa phương tìm kiếm đối tác, người mua hàng, nhất là ở lĩnh vực nông sản.

Riêng tỉnh Vĩnh Long, là một trong những địa phương có lợi thế về nông sản, thủy sản... nên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng có nhu cầu kết nối cung cầu thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và từng bước tiến đến thị trường xuất khẩu.

Cùng quan điểm, bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện tỉnh này đã xây dựng trang website giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp địa phương nhưng vẫn mong muốn websitewww.ketnoicungcau.vn duy trì khai thác lâu dài, thường xuyên và liên tục... nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của đơn vị sản xuất kinh doanh giữa các tỉnh, thành.

Ngành công thương tỉnh Đồng Tháp sẽ chủ động cập nhật sản phẩm, nông sản địa phương, thúc đẩy hợp tác cung ứng và tiêu thụ hàng Việt.

Tạo chuỗi cung ứng hàng Việt

Hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành là một sáng kiến quan trọng trong việc giúp tìm kiếm đầu ra một cách phù hợp cho sản phẩm, nông sản địa phương được triển khai từ năm 2012 đến nay.

Có thể thấy hội nghị Kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đã cơ bản đáp ứng kỳ vọng ban đầu như hệ thống phân phối Thành phố Hồ Chí Minh đã tìm được nhiều nhà cung cấp uy tín, sản phẩm chất lượng, đặc sản vùng miền địa phương để cung ứng cho người tiêu dùng và giải quyết đầu ra cho các sản phẩm hàng Việt.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đầu mối kết nối quan trong của chuỗi cung ứng hàng Việt, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, muốn tiếp tục tạo niềm tin cho doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất, mở rộng thị trường trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành; trong đó, sở, ngành các địa phương nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử... hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kết nối cung cầu.

Đồng thời, kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại - thương mại điện tử và phân phối truyền thống, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, chủ động thích ứng với mọi tình huống biến động thị trường.

Chính quyền các địa phương cần phối hợp trong cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị phân phối... kết nối, hướng dẫn cho hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân... thông qua hoạt động đào tạo quy trình, kỹ thuật nuôi trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc…

Trên cơ sở này, các bên hình thành chuỗi cung ứng đa kênh, ưu tiên tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm được sản xuất nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường...

Trong thời gian qua, nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu góp phần bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và phối hợp tích cực với đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp... đẩy mạnh chương trình bình ổn thị trường.

Cùng với các địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò phối hợp chặt chẽ với cơ quan Trung ương trong kiểm soát dịch bệnh và từng bước phục hồi kinh tế cũng như liên kết với tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hiệp hội... trên cả nước tiêu thụ hàng hoá, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng bán lẻ, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa và phối hợp xây dựng các chuỗi cung ứng, kết nối cung cầu... nên cần nhân rộng mô hình và trao đổi kinh nghiệm giữa địa phương.

Trong số đó, có thể kể đến các tỉnh, thành phố có nguồn cung hàng hoá đa dạng, dồi dào, hình thành chuỗi liên kết hàng hóa chặt chẽ, đảm bảo sự minh bạch trong nguồn gốc hàng hóa và an toàn thực phẩm, từng bước phát triển thương hiệu hàng Việt với người tiêu dùng trong nước và thế giới là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị, các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung của Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12-11-2021 của Bộ Công Thương, về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Đáng lưu ý, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Sở Công Thương các địa phương nói chung theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu.

Qua đó, ngành công thương các địa phương chủ động có phương án hoặc đề xuất với cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường; chủ động tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh, thành phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh hoặc lễ Tết.

Theo MỸ PHƯƠNG (TTXVN/Vietnam+)

 

Liên kết hữu ích