Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, thực hiện khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng, tiến độ. Dự kiến, Quốc hội xem xét thông qua 9 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật; cho ý kiến 8 dự án luật; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), ngân sách Nhà nước năm 2023, đánh giá giữa nhiệm kỳ: Kết quả triển khai các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển KTXH, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; xem xét quyết định phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; xem xét báo cáo của các cơ quan; giám sát chuyên đề; chất vấn và trả lời chất vấn; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác.
Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày; khai mạc ngày 23/10/2023 và dự kiến bế mạc ngày 28/11/2023 (kỳ họp tiến hành theo 2 đợt). Tại kỳ họp lần này, nội dung chất vấn không theo nhóm lĩnh vực phụ trách của từng bộ trưởng, trưởng ngành, mà chất vấn chung về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Trong đó, lưu ý một số vấn đề nổi lên qua dư luận xã hội, qua hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, như: Các vấn đề về giáo dục, tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, thi tốt nghiệp THPT, việc thu phí đầu năm ở các trường; quản lý nhà nước về điện ảnh, thể thao, vi phạm quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng xã hội; một số vấn đề về đất đai; việc chậm chuyển tiếp thực hiện chính sách trong thực hiện nông thôn mới; vướng mắc, bất cập trong hoàn thuế giá trị gia tăng, trái phiếu doanh nghiệp; phòng, chống cháy nổ, thiên tai, bão lũ…
Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan chủ động cung cấp thông tin, giải trình thuyết phục khi có yêu cầu; cần có đề xuất, giải pháp phù hợp, cụ thể để giải quyết, thông tin đầy đủ, kịp thời, làm rõ kết quả nổi bật trong phát triển KTXH. Từ đó, đem lại khí thế mới, hiệu ứng tích cực tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Trương Hoàng Trọng cho biết: “Ý kiến đóng góp của cử tri tỉnh nhà trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tập trung vào y tế, đặc biệt là tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế. Do đó, đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất, kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu ban hành quy định thủ tục đơn giản nhất, phù hợp pháp luật, tạo mọi thuận tiện cho người dân khám, chữa bệnh. Về giáo dục, bà con cử tri yêu cầu sách tham khảo, sách nâng cao có thể phong phú, nhưng sách giáo khoa, chương trình dạy chính của các cấp học nên ổn định lâu dài, hạn chế thấp nhất chi phí phụ huynh bỏ ra trong từng năm học”.
Ngoài các nội dung trên, trong quá trình tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận thấy, An Giang đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng các công trình trọng điểm. Giao thông và hạ tầng điện tiếp tục là 2 điểm nghẽn lớn của tỉnh, cần sự tháo gỡ từ Trung ương. An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa để bứt phá trong lĩnh vực nông nghiệp; chăm sóc tốt hơn đời sống tinh thần, sức khỏe của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới…
“Một mặt, Đoàn ĐBQH tỉnh đã gửi ý kiến bằng văn bản đến Ban Dân nguyện, bộ, ngành trước khi diễn ra kỳ họp. Mặt khác, đơn vị và từng vị ĐBQH dự kiến phát biểu, chất vấn nhiều nội dung tại nghị trường, phiên thảo luận tổ trong suốt kỳ họp thứ 6. Qua đó, kỳ vọng đưa tiếng nói, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân tỉnh nhà đến Quốc hội, tháo gỡ khó khăn của địa phương, bà con đang gặp phải” - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cho biết thêm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây kỳ họp giữa nhiệm kỳ, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ của nhiệm kỳ khóa XV. Quốc hội sẽ thực hiện khối lượng công việc rất lớn cả về lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng quốc gia. Nhiều nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển KTXH và đời sống của Nhân dân.
|
GIA KHÁNH