Bên cạnh những đề xuất, kiến nghị chưa nhận được ý kiến phản hồi từ Trung ương (xem xét điều chỉnh chỉnh quy định thông qua HĐND cấp tỉnh đối với đô thị đặc biệt và đô thị loại I; sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bổ sung chính sách ưu đãi thuế đối với nhóm đối tượng là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường xen kẽ trong khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp), dịp này An Giang tiếp tục đề xuất nhiều vấn đề khác.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ tại hội nghị
Nổi bật nhất là về lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 11/2022/NQ-HĐND quy định mức học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh, thực hiện theo mức khung của Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Theo đó, học phí năm học mới tăng từ 3-7 lần so năm học cũ. Sau kỳ họp Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các ngành phối hợp tham mưu Chính phủ có quyết định mới, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Đây là vấn đề có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội, đặc biệt trong điều kiện nhiều địa phương mới phục hồi sau đại dịch COVID-19, gặp nhiều khó khăn về kinh tế.
Liên quan đến công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Nghị định 09/2013/NĐ-CP, ngày 11/1/2013 của Chính phủ quy định, trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân là hộ nghèo. Hầu hết nạn nhân muốn tìm việc làm ngay để có thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, lớp đào tạo nghề không được mở thường xuyên; nạn nhân tự học nghề cũng không khả thi do mức hỗ trợ không đủ, họ không có tiền bù vào. Mức chi hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân còn khá thấp và chưa phù hợp để đảm bảo quá trình tái hòa nhập cộng đồng bền vững cho nạn nhân.
Một vấn đề hệ trọng khác liên quan việc đầu tư xây dựng cầu Tôn Đức Thắng. Năm 2016, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng cầu nối TP. Long Xuyên với cù lao Mỹ Hòa Hưng, quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tỉnh lập dự án theo quy định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh khảo sát, đề xuất quy mô dự án, tổng mức đầu tư 3.080 tỷ đồng. Do yêu cầu cấp thiết, tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ đầu tư cầu.
Tỉnh dự kiến đăng ký làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), kiến nghị sớm công nhận Quốc lộ 80B đi qua địa phận tỉnh (bao gồm Tỉnh lộ 942, 954 và 952), chiều dài khoảng 90km. “UBND tỉnh đã có Văn bản 990/UBND-KTN, ngày 13/9/2021 gửi Bộ GTVT, được thống nhất chủ trương.
Điều này phù hợp quy hoạch vùng ĐBSCL do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng tuyến giao thông liên vùng giúp các tỉnh phát triển. Dự kiến, Quốc lộ 80B đi từ TP. Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), qua huyện Chợ Mới, huyện Phú Tân, kết thúc ở cửa khẩu quốc tế Khánh Bình (huyện An Phú). An Giang còn là một trong 8 địa phương được chọn xây dựng cửa khẩu trọng điểm quốc gia.
Để phát triển kinh tế biên mậu, xứng tầm quy hoạch, việc nâng 3 tỉnh lộ thành Quốc lộ 80B là hoàn toàn có cơ sở, đi song song và làm giảm tải cho Quốc lộ 91. Đây cũng là cơ sở để xây dựng cầu Thuận Giang, khắc phục tình trạng bị sông Vàm Nao chia cắt” – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết.
Chia sẻ khó khăn với địa phương, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hứa sẽ cùng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, có kiến nghị phù hợp trong diễn đàn Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cùng góp sức để phát triển địa phương mạnh mẽ trong thời gian tới. “Hiện nay, Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm rất lớn cho địa phương. Tỉnh được nhiều dự án lớn, thì phải đối ứng về nguồn lực; trách nhiệm đặt lên vai rất lớn. Nhất là khi Trung ương tập trung các hạ tầng mang tính chất chiến lược của vùng; tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Chuyển tải các nội dung này vào thực tế của địa phương là không đơn giản.
Đáng khích lệ là An Giang đã chuẩn bị tư thế, kế hoạch, nội dung thực hiện. Thời gian tới, cần chú ý về việc quy hoạch tỉnh, huyện thật sự chất lượng, là định hướng phát triển lâu dài. Nếu tầm nhìn không đủ, không cập nhật quy hoạch tổng thể của quốc gia và vùng, chúng ta bị tụt hậu về kinh tế - xã hội” - bà Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ.
Đồng thời, Phó Chủ tịch nước đề nghị tỉnh xem lại kết quả giải ngân vốn đầu tư công, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc; kiến nghị Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền của tỉnh; phải giải ngân tốt thì mới tranh thủ được dự án mới.
Trong thu hút đầu tư xã hội, cố gắng giữ chân nhà đầu tư đã có, triển khai dự án, kế hoạch đã thu hút trước đây một cách bài bản, hiệu quả, là nền tảng thu hút đầu tư mới. Về kinh tế nông nghiệp, tỉnh cần có kế hoạch hẳn hoi, quan tâm đúng mức về lĩnh vực này, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn, phát triển giá trị nông nghiệp trên mảnh đất quê nhà, không chỉ cho An Giang, mà còn là tiết kiệm nguồn lực quốc gia. Mấy trăm ngàn ha đất nông nghiệp là nguồn lực rất lớn, nếu sử dụng không đạt giá trị, phải chịu trách nhiệm với quê hương, đất nước.
“Văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế… là các vấn đề sát sườn đời sống nhân dân, được quan tâm rất lớn hiện nay. Chờ đợi thay đổi chủ trương từ Trung ương là quá trình không dễ dàng. Vai trò của tỉnh là kết nối giữa Trung ương và người dân cơ sở. Cần triển khai chủ trương một cách đơn giản nhất, giúp người dân dễ tiếp cận nhất; suy nghĩ chính sách tại chỗ để đội ngũ công tác trong ngành yên tâm, sau đó mới tăng cường kiến nghị cấp trên giải quyết, hỗ trợ” - bà Võ Thị Ánh Xuân gợi mở.
GIA KHÁNH