Mỗi trường tổ chức khác nhau
Đáng chú ý là kỳ thi do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, được sử dụng để xét tuyển cho hơn 20 đơn vị khác nhau.
Bài thi đánh giá năng lực của Đại học này gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài là 150 phút đánh giá các năng lực cơ bản để học Đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi. Với tổng điểm 1.200, phần sử dụng ngôn ngữ chiếm 400 điểm; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu 300 điểm, phần giải quyết vấn đề 500 điểm.
Thí sinh dự kỳ kiểm tra năng lực tại Trường Đại học Luật TP.HCM ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Trường Đại học Quốc tế TP.HCM cũng tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển thí sinh vào trường mình. Trường có tới 5 bài thi độc lập gồm: toán, lý, hóa, sinh và tiếng Anh. Thí sinh có thể chọn thi tối thiểu 2 môn gồm toán và một trong các môn còn lại để xét tuyển trực tiếp vào các ngành của trường.
Trong khi đó, bài kiểm tra năng lực của Trường Đại học Luật TP.HCM chỉ là một trong 3 bước xét thí sinh trúng tuyển, chiếm khoảng 30% điểm trúng tuyển (sau khi xét điểm học bạ chiếm 10%, điểm kỳ thi THPT quốc gia 60%).
Còn Trường Đại học Việt - Đức cũng dành tới 80% chỉ tiêu năm nay cho kỳ thi tuyển do trường tổ chức vào tháng 5 dựa trên bài thi TestAS - bài kiểm tra để đánh giá khả năng học Đại học của sinh viên và được làm hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Đề thi ra theo hướng nào ?
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, bài thi của Đại học Quốc gia TP.HCM gồm 3 phần. Trong đó, phần sử dụng ngôn ngữ gồm 40 câu đánh giá kiến thức văn học, khả năng dùng từ, đọc hiểu, phân tích bài viết tiếng Việt và tiếng Anh. 30 câu hỏi của phần 2 về toán học, tư duy logic và phân tích số liệu sẽ tập trung về toán phổ thông, suy luận và xác định các quy luật logic, phân tích và chọn phương án trả lời tương ứng với từng bảng số liệu cho trước. Phần giải quyết vấn đề gồm 50 câu hỏi thuộc các kiến thức khoa học xã hội và tự nhiên gồm: hóa học, vật lý, sinh học, địa lý, lịch sử, chính trị, xã hội.
Còn theo tiến sĩ Hà Việt Uyên Synh, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Quốc tế TP.HCM, đề thi sẽ kiểm tra kiến thức về khoa học tự nhiên, tư duy logic, kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng viết thông qua các kiến thức của chương trình THPT: toán, vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh. Trong đó, câu hỏi kiểm tra năng lực ghi nhớ và vận dụng kiến thức gồm 50% mức độ dễ, 20% suy luận tổng hợp, 15% tính toán và suy luận phức tạp, 10% mức độ khó và 5% sáng tạo. Kiến thức môn toán và lý chỉ tập trung vào chương trình lớp 12, hóa và sinh kiểm tra thêm kiến thức lớp 10 và 11.
Bài kiểm tra của Trường Đại học Luật TP.HCM gồm 100 câu thi trong 75 phút làm bài trắc nghiệm trên giấy (thang điểm 30). Nội dung bài thi 4 nhóm kiến thức gồm: Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân). Hai nhóm kiến thức còn lại là về pháp luật; tư duy logic và khả năng lập luận.
Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết tỷ lệ điểm trong từng nhóm kiến thức có sự phân bố khác nhau. Cụ thể: kỹ năng sử dụng tiếng Việt 30%, kiến thức xã hội tổng hợp 30%, kiến thức pháp luật 20%, tư duy logic và khả năng lập luận 20%.
Bài thi của Trường Đại học Việt Đức gồm bài thi ngoại ngữ trực tuyến, kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên ngành. Trong đó bài thi cơ bản kiểm tra các kỹ năng tổng quát về toán học cơ bản, suy luận logic, quy luật chuỗi số... Bài thi chuyên ngành được thiết kế theo các nhóm ngành khác nhau, thí sinh có thể lựa chọn một trong các bài gồm: nhân văn, văn hóa và khoa học xã hội; khoa học kỹ thuật; toán học, khoa học máy tính và khoa học tự nhiên; kinh tế học.
Thí sinh không cần luyện thi ?
Đại diện các trường tổ chức thi năng lực đều khẳng định, thí sinh không cần luyện thi vẫn có thể làm tốt bài thi.
Tiến sĩ Hà Việt Uyên Synh khẳng định: “Đề sẽ kiểm tra kiến thức trong chương trình học nhưng đòi hỏi khả năng vận dụng, suy luận và vận dụng cao hơn. Vì vậy để làm tốt bài thi, ngoài việc hệ thống hóa kiến thức đã học, thí sinh còn phải nắm vững kiến thức nền trong chương trình để có thể hiểu, áp dụng, phân tích, đánh giá và tổng hợp nhằm giải quyết vấn đề”.
Thạc sĩ Lê Văn Hiển cũng nói: “Bài kiểm tra không tạo áp lực cho thí sinh, không cần phải học thêm bất cứ môn học nào. Để làm tốt bài thi, thí sinh cần chuẩn bị tốt kiến thức nền trong chương trình THPT. Đồng thời kết hợp chú trọng thu thập thêm kiến thức xã hội từ việc đọc thêm sách báo, xem tin tức thời sự trên các phương tiện truyền thông chính thống”.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Đức, cũng chia sẻ: “Bài thi không kiểm tra một nội dung kiến thức cụ thể, vì vậy cách tốt nhất để chuẩn bị là cần làm quen với các dạng câu hỏi của bài thi. Tuy nhiên, bài thi đánh giá năng lực cần sự tích lũy và trau dồi kiến thức toàn diện, kỹ năng cần thiết trong cả 3 năm học ở bậc THPT”.
Trường Đại học tư thêm phương thức xét tuyển bằng đánh giá năng lực
Từ đầu tháng 1.2019, PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, đã công bố 5 phương thức tuyển sinh của trường. Đáng chú ý là trường sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng do nhà trường tổ chức vào tháng 5 với 30% chỉ tiêu cho phương thức này.
Theo đó, thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc sắp tốt nghiệp đều được dự thi 2 môn trong các môn toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh. Môn văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Đề thi sẽ do trường tự biên soạn, với lượng thức trải đều trong 3 năm THPT. Bài thi này sẽ tương tự như Trường Đại học Quốc tế TP.HCM thực hiện 2 năm qua. Nhà trường cũng sẽ công bố đề thi mẫu sớm để học sinh có thể tham khảo.
Ngoài 3 phương thức là xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia, học bạ 3 năm THPT, học bạ theo tổ hợp môn 3 năm THPT, năm nay Trường Đại học Hoa Sen có thêm phương thức thi đánh giá năng lực do trường tổ chức để xét kèm học bạ THPT. Cụ thể, trường lấy 10% chỉ tiêu xét tuyển thí sinh có điểm trung bình cộng các môn học trong năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 từ bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do trường quy định trở lên, kèm theo tiêu chí khác để trúng tuyển vào trường. Một trong các tiêu chí là đạt điểm kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Hoa Sen tổ chức (ngày 24.3) từ 6 điểm trở lên (thang điểm 10). Các tiêu chí khác như có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, chứng chỉ công nghệ thông tin quốc tế, đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia...
Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu cũng sẽ tổ chức thi tuyển riêng cho một số ngành mũi nhọn của trường như tiếng Anh, công nghệ thông tin... Trường dành 10% chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh này.
Theo HÀ ÁNH (Thanh Niên)