Tối 8/9, PGS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (ĐH) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho hay tính đến 17 giờ ngày 8/9, có gần 495.000 thí sinh xác nhận nhập học, bằng 74,9% tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển và đạt 80,8% tổng số thí sinh trúng tuyển. Hơn 100.000 thí sinh bị hủy kết quả trúng tuyển đợt này do không xác nhận nhập học.
Nhiều trường đạt chỉ tiêu cao
Tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), tính đến 15 giờ ngày 8-9, số thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD-ĐT đạt 99,73%. ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, cho biết đến thời điểm này, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại trường đạt 98,5%. Trường sẽ kết thúc nhận thí sinh làm thủ tục nhập học vào trưa 9-9.
Nhiều trường ĐH khác ở TP HCM cũng ghi nhận tỉ lệ thí sinh làm thủ tục nhập học cao. GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, thông tin trường đã kết thúc làm thủ tục nhập học vào chiều 8-9 với tỉ lệ thí sinh nhập học là 95%, đạt yêu cầu đặt ra.
Tỉ lệ thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM tính đến 17 giờ ngày 8-9 là 92%, tương đương năm 2022. TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, cho hay nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh doanh, công nghệ thông tin đạt tỉ lệ tuyển sinh tốt trong khi nhóm ngành xây dựng công trình giao thông, kỹ thuật môi trường không tuyển đủ chỉ tiêu. "Dù còn thiếu chỉ tiêu nhưng trường ngưng tuyển bổ sung vì nguồn tuyển không có" - TS Nguyễn Trung Nhân thông tin.
Tại Trường ĐH Công Thương TP HCM, tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT đạt 102%. Tính đến 17 giờ ngày 8-9, thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại trường đạt 89%. Trường tiếp tục nhận hồ sơ nhập học đến ngày 10-9 và nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đến ngày 15/9.
PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing (TP HCM), cũng tin tưởng đến hết ngày 9-9, hạn chót xác nhận nhập học, trường sẽ nhận đủ chỉ tiêu.
Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học Trường ĐH Công nghiệp TP HCMẢnh: HUY LÂN
Khoảng 30.000 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung
Từ ngày 9/9 đến tháng 12/2023, các cơ sở giáo dục ĐH có thể tuyển sinh bổ sung (nếu còn chỉ tiêu) theo quy định. Đến nay, nhiều trường ĐH, bao gồm cả trường công lập, đã công bố xét tuyển bổ sung hàng ngàn chỉ tiêu.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết năm 2023 có 660.000 thí sinh đã đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Sau đợt 1 xét tuyển (kết thúc ngày 22-8), theo thống kê của Bộ GD-ĐT, gần 93% số này đã được xét trúng tuyển, cao hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH của cả nước. Tuy nhiên, trước khi kết thúc xác nhận nhập học vào ngày 8-9, đã có gần 80 trường ĐH, tương đương gần 1/3 tổng số trường ĐH trên cả nước, thông báo xét tuyển bổ sung với tổng chỉ tiêu xét tuyển bổ sung lên đến gần 30.000.
Trường ĐH Y Dược Hải Phòng thông báo xét tuyển bổ sung 35 chỉ tiêu vào ngành y học dự phòng theo phương thức xét điểm học bạ. Điều kiện xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp THPT các năm 2021, 2022, 2023 có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên và chưa xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.
Trường Quốc tế - ĐHQG Hà Nội xét tuyển 110 chỉ tiêu cho 3 ngành học. Cụ thể, ngành tin học và kỹ thuật máy tính tuyển bổ sung 40 chỉ tiêu, ngành kỹ sư tự động hóa và tin học tuyển 50 chỉ tiêu, ngành quản lý (cùng cấp bằng giữa Trường Quốc tế với Trường ĐH Keuka - Mỹ) tuyển 20 chỉ tiêu. Nhà trường xét tuyển theo 2 phương thức. Phương thức thứ nhất: Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 21 điểm trở lên theo tổ hợp xét tuyển, điểm thi tiếng Anh/Pháp/Nhật từ 6 trở lên. Phương thức thứ hai: Tổng điểm quy đổi chứng chỉ IELTS từ 5.5, kết hợp điểm thi 2 môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 23 điểm.
Trường ĐH Lâm nghiệp (cơ sở 1) cũng xét tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ cho 24 ngành. Với phương thức này, trường lấy điểm sàn là 15 cho các ngành, riêng ngành thú y lấy điểm sàn là 16. Với phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ, điểm sàn là 18.
Cũng xét tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu cho các trường thành viên, Trường ĐH Huế sử dụng 2 phương thức là xét điểm học bạ và dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Với phương thức xét học bạ, điều kiện xét tuyển là thí sinh phải đạt tổng điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển, cộng điểm ưu tiên (nếu có), làm tròn đến 2 chữ số thập phân tối thiểu bằng mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (điểm sàn). Còn với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tổng điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển, cộng điểm ưu tiên (nếu có) làm tròn đến 2 chữ số thập phân tối thiểu bằng điểm sàn.
Lưu ý gì để tăng cơ hội trúng tuyển?
TS Lê Xuân Thành, Trưởng Phòng Công tác chính trị - sinh viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội), lưu ý để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh cần chú ý khoảng cách an toàn. Thông thường, điểm tuyển sinh đợt bổ sung không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1 nên thí sinh cần tìm hiểu, đối sánh điểm chuẩn đợt 1 làm căn cứ cho lựa chọn xét tuyển đợt bổ sung.
Theo các chuyên gia, khoảng cách an toàn là cao hơn 3 điểm. Nếu điểm của thí sinh thấp hơn mức điểm nguyện vọng 1 thì không nộp hồ sơ xét tuyển. Bên cạnh đó, thí sinh tham gia các đợt xét tuyển bổ sung không phải đăng ký trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD-ĐT nên cần thường xuyên tìm hiểu, cập nhật thông tin trên website của trường.
|
Theo HUY LÂN - YẾN ANH (Báo Người Lao Động)