Nhìn lại những sự kiện thể thao nổi bật nhất trong năm 2021

01/01/2022 - 08:01

Năm 2021 đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng sau gần một năm “đóng băng” của các hoạt động thể thao quy mô lớn trên thế giới, trở thành "liều thuốc tinh thần" xoa dịu những lo âu trong thời đại dịch COVID-19, bất chấp việc những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn đang "phủ bóng đen" lên mọi đấu trường.

Bằng những cách làm sáng tạo trong bối cảnh "bình thường mới", cùng những nỗ lực, khát vọng mang đậm tinh thần Olympic “Nhanh hơn, Cao hơn, Xa hơn - Cùng nhau”, dòng chảy thể thao vẫn dậy sóng để làm nên những kỳ tích mới.

Hãy cùng nhìn lại những sự kiện thể thao nổi bật nhất trong một năm vừa qua:

1. EURO 2020 trở lại và chức vô địch dành cho đội tuyển Italy

Chú thích ảnh

Phút đăng quang vô địch EURO 2020 của các tuyển thủ Italy sau khi đánh bại đội chủ nhà Anh trên sân Wembley ở London, ngày 11-7-2021. Ảnh: AFP-TTXVN

EURO 2020 (thực tế diễn ra vào mùa hè 2021) lần đầu tiên diễn ra tại 11 thành phố trên khắp châu Âu, như một cách kỷ niệm 60 năm ra đời của giải đấu này. Đây cũng là lần đầu tiên công nghệ VAR được áp dụng tại EURO và để đối phó với dịch COVID-19, số lượng khán giả vào sân khá hạn chế.

Về chuyên môn, đây là giải đấu giàu hứng khởi, kịch tính khi nhà đương kim vô địch thế giới - đội tuyển Pháp, đương kim vô địch châu Âu - đội tuyển Bồ Đào Nha, và ứng cử viên vô địch - đội tuyển Hà Lan bị loại sớm, trong khi Anh và Italy xứng đáng đi tới trận đấu cuối cùng.

Đội tuyển Italy vô địch sau loạt đá luân lưu đầy bản lĩnh, nhưng đội tuyển Anh trẻ trung của huấn luyện viên Gareth Southgate cũng rất xứng đáng được ngợi khen, sau khi chấm dứt 55 năm không vào được chung kết một giải lớn nào.

Để lại xúc cảm không kém còn là đội tuyển Đan Mạch. Hình ảnh đầy xúc động khi tiền vệ Eriksen gục xuống vì trụy tim đã được “Những chú lính chì” biến thành quyết tâm, giúp họ chinh phục giới chuyên môn và người hâm mộ khi lọt vào đến tận Bán kết và chỉ thua Anh trong hiệp phụ.

2. Olympic và Paralympic 2020 tại Nhật Bản

Chú thích ảnh

Đội tuyển bóng rổ nam Nhật Bản tập luyện trước thềm Paralympic Tokyo 2020, ngày 22-8-2021. Ảnh: Kyodo-TTXVN

Trong phiên họp lần thứ 138 ngày 20-7, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã nhất trí thông qua đề xuất sửa đổi khẩu hiệu của Thế vận hội để phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay bằng việc bổ sung cụm từ “ Cùng nhau". Theo đó, khẩu hiệu mới của thế vận hội là "Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn - Cùng nhau".

Tại Olympic 2020, thể thao Mỹ tiếp tục giành ngôi vô địch toàn đoàn, song đó là một chiến thắng nghẹt thở bởi phải đến ngày cuối cùng, họ mới vươn lên vị trí số 1 với 39 Huy chương Vàng (HCV), chỉ hơn đoàn Trung Quốc đúng 1 tấm HCV.

Tại Thế vận hội lần này, đã có 20 kỷ lục thế giới và 89 kỷ lục Olympic được thiết lập. Caeleb Dressel là vận động viên (VĐV) xuất sắc nhất với 5 tấm HCV, trong đó có 2 kỷ lục thế giới ở các nội dung 100m bơi bướm và 4x100m tiếp sức hỗn hợp. Nhưng giành nhiều huy chương nhất là nữ kình ngư Emma Keon của đội tuyển bơi Australia khi cô đoạt 4 HCV, 3 Huy chương Đồng (HCĐ). Ở môn bóng đá, đội tuyển Brazil bảo vệ thành công ngôi vô địch sau khi đánh bại Tây Ban Nha 2-1 ở chung kết. Trong khi đó ở nội dung dành cho nữ, đội tuyển Canada đã lần đầu giành HCV sau khi vượt qua Thụy Điển 3-2 trên chấm 11m.

Còn tại Paralympic 2020, Trung Quốc đoạt ngôi vô địch một cách thuyết phục với 96 HCV, 60 Huy chương Bạc (HCB), 51 HCĐ, bỏ xa đoàn đứng tiếp sau là Anh (41 HCV, 38 HCB, 45 HCĐ).

3. Messi rời CLB Barcelona

Chú thích ảnh

Cầu thủ Lionel Messi trong cuộc họp báo sau khi ký hợp đồng hai năm với CLB Paris Saint-Germain tại Paris, Pháp, ngày 11-8-2021. Ảnh: THX-TTXVN

Sau 21 năm gắn bó với Barcelona, Lionel Messi đã tạm biệt đội bóng xứ Catalan, do câu lạc bộ này khủng hoảng tài chính và không thể trả lương cho anh được nữa. Tiền đạo người Argentina đã gia nhập PSG (Pháp) để tái hợp với người đồng đội cũ Neymar.

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Messi đã trải qua một năm vô cùng đặc biệt. Anh góp công vào 9-12 bàn thắng, giúp đội tuyển Argentina vô địch Copa America 2021, chấm dứt cơn khát danh hiệu kéo dài gần 3 thập kỷ. Tại giải đấu này, Messi còn giành cú đúp danh hiệu là "Cầu thủ xuất sắc nhất" và "Vua phá lưới". Cũng nhờ chiến tích này mà dù không mấy thành công ở cấp câu lạc bộ, nhưng Messi vẫn giành 613 điểm, theo đó vượt qua hai "kỳ phùng địch thủ" là Lewandowski (580) và Jorginho (460) để lần thứ 7 giành Quả bóng Vàng thế giới.

4. Verstappen lần đầu lên ngôi vô địch F1

Một mùa giải F1 đầy kịch tính đã kết thúc theo cách cũng kịch tính không kém khi Max Verstapen vô địch ở chặng đua cuối cùng tại Grand Prix Abu Dhabi để lần đầu tiên vô địch thế giới. Tay đua trẻ người Hà Lan đã cán đích đầu tiên, và với 395,5 điểm, anh đã hơn "kình địch" đàn anh Lewis Hamilton vỏn vẹn 8 điểm.

Chức vô địch của Verstappen, VĐV sinh năm 1997, đã mang đến một màu sắc tươi mới cho làng đua F1 sau nhiều năm bị thống trị bởi Lewis Hamilton và Mercedes. Điều này cũng chấm dứt tham vọng lập kỷ lục vô địch 8 lần đăng quang của tay đua người Anh, song cũng chính vì thế mà mùa giải 2022 sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều.

Hamilton chắc chắn chưa muốn dừng lại ở tuổi 37 mà chưa phá được kỷ lục của huyền thoại Michael Schumacher. Việc Mercedes vẫn vô địch đội đua chứng tỏ Hamilton vẫn có nền tảng tốt về xe và động cơ cho màn phục thù trong mùa giải 2022. Ngày 26-9 vừa qua, Lewis Hamilton cũng đã trở thành tay đua Công thức 1 đầu tiên đạt 100 chức vô địch Grand Prix sau khi giành Grand Prix Nga.

5. Novak Djokovic lập kỷ lục mới

Nhật báo thể thao nổi tiếng nước Pháp L'Equipe vừa bình chọn Novak Djokovic là nam VĐV xuất sắc nhất thế giới năm 2021. Tay vợt người Serbia vượt qua một số cái tên đáng chú ý như "kình ngư" Caeleb Dressel, võ sĩ Tyson Fury, nhà tân vô địch thế giới F1 Max Ferstappen và tiền đạo Robert Lewandowski.

Novak Djokovic đã trải qua năm 2021 thành công rực rỡ khi giành 3 Grand Slam gồm Australian Open, Roland Garros và Wimbledon (người đầu tiên giành 3 Grand Slam đầu năm kể từ 1969). Anh còn vô địch Paris Masters và giành ngôi Á quân US Open.

Có chút tiếc nuối cho Djokovic khi anh không thể hoàn thành mục tiêu Golden Slam (4 Grand Slam và HCV Olympic trong cùng một năm) hay Career Slam (4 Grand Slam trong cùng 1 năm). Tuy nhiên, những thành tích của Djokovic vừa qua là đủ để anh lần thứ 7 kết thúc năm ở ngôi số 1 thế giới, vượt qua kỷ lục cũ của huyền thoại Pete Sampras.

6. Lệnh cấm đối với thể thao Nga 

Chú thích ảnh

Vận động viên Nga tham gia giải chạy phân hạng 1.500m dành cho nam tại giải vô địch điền kinh quốc gia trên sân Olimpiysky ở Cheboksary. Ảnh tư liệu: TASS-TTXVN

Ngày 2-2, Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) khẳng định sẽ không rút lại lệnh cấm các vận động viên Nga tham dự các giải thể thao quốc tế trong 2 năm tới, do các bê bối liên quan doping. Hồi cuối năm 2020, Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) đã giảm thời hạn áp đặt lệnh cấm trên từ 4 năm xuống còn 2 năm. Theo lệnh cấm, các vận động viên Nga buộc phải thi đấu dưới tên gọi “Đoàn thể thao trung lập” tại Olympic và Paralympic Tokyo 2020, Olympic và Paralympic Bắc Kinh 2022 và Giải vô địch bóng đá thế giới Qatar 2022 cùng với các sự kiện thể thao thế giới khác.

7. Điệp vụ "Super League" bất thành 

Ngày 19-4, 12 câu lạc bộ bóng đá hàng đầu châu Âu tại La Liga (Tây Ban Nha), Premier League (Anh) và Serie A (Italy) đã gây chấn động khi thông báo sẽ thành lập giải European Super League mới, bất chấp sự phản đối từ Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) và các cơ quan quản lý bóng đá khác. Lý do được các câu lạc bộ này đưa ra là "nhằm cứu các câu lạc bộ vượt qua khó khăn vì dịch bệnh COVID-19”. Tuy nhiên, trước sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều phía, kế hoạch sụp đổ chỉ 2 ngày sau khi 9 câu lạc bộ rút lui khỏi dự án này, để lại Real Madrid, Barcelona, Juventus với kế hoạch dang dở.

Theo LÊ ĐẠT (Báo Tin Tức)