Nhớ Liên hoan văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên

13/10/2023 - 18:59

 - Vậy là đã gần 10 năm trôi qua, người dân đầu nguồn An Phú (tỉnh An Giang) không còn được đón mừng Liên hoan văn hóa mùa nước nổi búng Bình Thiên mỗi khi mùa lũ tràn đồng. Những con đường uốn lượn vào làng Chăm vẫn còn đó, mặt nước trong xanh đẹp mơ màng vẫn còn đây, nhưng tiếng nhạc dập dìu, níu chân du khách đến với những điệu múa đẹp mơ màng của Liên hoan văn hóa mùa nước nổi búng Bình Thiên đã vắng lặng tự bao giờ…

Búng Bình Thiên sở hữu khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp đậm chất miền Tây. Đặc biệt, vào mùa nước nổi, bức tranh sông nước cực kỳ thơ mộng, mặt nước hồ xanh mát, hai bên bờ là những hàng cây xanh bất tận.

Sông nước miền Tây vốn sở hữu nhiều nét đặc sắc, có nhiều sự kiện độc đáo diễn ra vào mùa nước nổi, nhưng có lẽ Liên hoan văn hóa mùa nước nổi búng Bình Thiên ở huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) là “độc nhất, vô nhị”.

Đó là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa trên mặt nước được dàn dựng rất công phu từ chính bàn tay của những người con An Phú, tái hiện cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân vùng sông nước ĐBSCL nói chung và người dân An Phú nói riêng.

Chiếc xuồng trôi nhẹ trên mặt nước, diễn viên vừa chèo, vừa ngâm nga đối đáp những câu hò, điệu lý quê hương, những bài ca tài tử, những câu hát giao duyên đằm thắm, trữ tình; xen lẫn vào đó là tiếng rao bán hàng của các mẹ, các chị thánh thót trên một khúc sông...

Những điệu múa đẹp tuyệt vời của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer lung linh trên mặt nước như bước ra từ trong cổ tích. Tất cả đều mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc ở An Phú, thể hiện nét đặc trưng của cuộc sống cư dân Nam Bộ.

Nhớ có lần, người bạn công tác ở tỉnh Hậu Giang hỏi tôi: “Sân khấu trên mặt nước như vậy thú vị quá chừng. Nhưng mà làm sao diễn viên, nghệ sĩ diễn trên mặt nước được như vậy thì thật tài tình”.  

Nét đặc biệt của liên hoan được xem là “có một không hai” còn ở chỗ diễn viên đều là những người “không chuyên” (cán bộ, nhân viên các cơ quan, ban ngành, Nhân dân huyện An Phú) và chỉ biểu diễn trên xuồng ghe, sân khấu nước. Thế nhưng, khi diễn xuất, không ai nghĩ là những người “nghiệp dư”, bởi ai cũng trải qua quá trình tập luyện công phu từ nhiều tuần trước.

Cùng với đó, huyện còn mời những nghệ sĩ tên tuổi, trong đó có Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết và các nghệ sĩ, diễn viên của tỉnh tham gia các tiết mục “đinh” trong đêm khai hội.

“Mỗi lần tập dợt là tụi em hăng hái dữ lắm, tuy cực nhưng mà rất vui, vì góp phần làm làm nên sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo cho huyện. Nhưng gần 10 năm nay không tổ chức liên hoan, tụi em buồn lắm. Nếu có tổ chức lại và được huy động, chắc chắn tụi em tham gia ngay” - Thùy Linh (cán bộ một cơ quan của huyện An Phú) chia sẻ.

Trong những ngày diễn ra sự kiện này, du khách đến từ nhiều tỉnh trong cả nước, kể cả người dân Campuchia cũng tìm về Búng Bình Thiên. Nhớ có lần ngay giờ khai mạc, trời đổ mưa to, nhưng rất đông đại biểu, khán giả sẵn sàng đội áo mưa để xem ca diễn.

Buổi tối, có dịp di chuyển trên Quốc lộ 91C từ cầu Cồn Tiên đến thị trấn Long Bình sẽ cảm nhận được không khí phấn khởi trong Nhân dân, khi nhà nhà đều đều trang trí đèn hoa, đèn chớp nhấp nháy, treo cờ Tổ quốc; mỗi xã đều thi đua trang trí cổng chào đón mừng sự kiện.

Bên lề liên hoan, huyện An Phú còn khéo léo tổ chức chuỗi hoạt động hấp dẫn, như: Thi đấu thể thao, trò chơi dân gian (chài cá, kéo lưới, bắt lươn trong chum, bắt chuột…) thu hút hàng vạn người tham gia và cổ vũ… "Du khách đến đây còn được thưởng thức những món ăn đặc sắc mùa nước nổi, như: Cá linh kho lạt, cá lóc nướng trui… và được thưởng thức ẩm thực của đồng bào dân tộc Chăm. Có liên hoan này, bà con ở đây buôn bán được lắm, xóm làng có thêm niềm vui, không khí nhộn nhịp"- chị Mary Mơ (đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, xã Nhơn Hội) cho biết.

Trong chuỗi sự kiện này, người dân ở tất cả 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện rất nô nức, hăng hái tham gia nhiều hoạt động, như: Hội thi đờn ca tài tử trên sông, hội thi lồng đèn, biểu diễn thuyền hoa đăng trên mặt nước búng Bình Thiên; triển lãm hình ảnh về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản…

Tất cả hoạt động đều được Nhân dân tán thưởng và phần lớn kinh phí được vận động từ nguồn xã hội hóa. Liên hoan còn là dịp để giới nghệ sĩ nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh có cơ hội “săn” nhiều ảnh đẹp.

“Nhớ ngày đó, năm nào mình cũng đợi tới ngày tổ chức Liên hoan văn hóa mùa nước nổi búng Bình Thiên để được sáng tác ảnh đẹp. Từ sự kiện này mà năm nào mình có ảnh đạt giải ở các cuộc thi ảnh trong khu vực ĐBSCL” - một nghệ sĩ nhiếp ảnh chia sẻ…

Một sự kiện văn hóa đặc sắc, một sản phẩm du lịch rất đẹp, “độc nhất, vô nhị” cần được tính toán tổ chức để phát huy sản phẩm văn hóa, góp phần phát triển du lịch, kích cầu kinh tế”- một cán bộ hưu trí của huyện An Phú mong mỏi.

LÊ NGUYỄN