Nhớ mùa Sene Dolta

17/09/2024 - 03:30

 - Theo phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, hàng năm, từ ngày 29/8 - 1/9 (âm lịch), bà con lại nô nức tổ chức lễ Sene Dolta. Lễ còn được gọi là lễ cúng ông bà nhằm tưởng nhớ công ơn, cầu phước cho linh hồn của các bậc sinh thành, những người trong thân tộc quá cố và tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng.

Theo lễ nghi truyền thống, lễ Sene Dolta được tổ chức trong nửa tháng, với 4 nghi thức chính, gồm: Lễ đặt cơm vắt, lễ cúng ông bà, lễ rước ông bà và lễ đưa tiễn ông bà. Tuy nhiên, ngày nay, lễ hội được diễn ra trong 3 ngày (từ 29/8 - 1/9 âm lịch, năm nay nhằm ngày 1 - 3/10 dương lịch) với nhiều thay đổi để phù hợp cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có.

Theo đó, ngày thứ nhất, mỗi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa khang trang, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẽ. Sau đó, dọn mâm cơm, bánh trái, rượu trà… và mời các thành viên trong gia đình cùng đốt nhang, đèn, khấn vái mời linh hồn ông bà và người quá cố về dự ăn uống cùng con cháu.

Đến chiều, mọi người ăn mặc tươm tất, tiếp tục dọn mâm cơm mới cúng và mời linh hồn ông bà cùng đến chùa nghe sư sãi tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp đến tối. Ngoài ra, các vị Ta Achar lấy những nắm cơm vắt đựng trên mâm cúng tam bảo, mời sư sãi tụng kinh cầu siêu cho linh hồn những người quá cố và đem ra ngoài để chung quanh chính điện cúng cho những vong hồn cô đơn, không có con cháu.

Đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vui lễ Sene Dolta

Ngày thứ hai, vào buổi trưa, đồng bào DTTS Khmer chuẩn bị mâm cơm cùng bánh, trái cây… mang vào chùa để tổ chức cúng chính (cúng tập thể). Sau khi được các vị sư tụng kinh cầu siêu cho linh hồn ông bà của tất cả mọi nhà trong phum, sóc, bà con phật tử cùng ăn, trao đổi kinh nghiệm trong việc đồng áng và vui chơi tại chùa. Buổi chiều, rước linh hồn ông bà về nhà, làm mâm cơm mới cúng ông bà và mời ông bà ở lại chứng kiến cuộc sống sung túc của con cháu.

Ngày thứ ba, mỗi nhà, bà con chuẩn bị một mâm cơm, họ mời vài vị sư sãi cùng họ hàng thân tộc trong phum sóc đến nhà tụng kinh cầu siêu để tiễn đưa linh hồn người quá cố. Riêng phần chuẩn bị cho ông bà, người thân quá cố, bà con làm chiếc thuyền bằng bẹ chuối, có gắn thêm cờ phướn, 2 hình nộm (tương trưng cho tổ tiên) và cách thức cúng mọi thứ một ít, có cả các gói gạo, muối, quần áo, tiền, vàng mã… Sau đó, người nhà thắp nhang, đèn mang thuyền thả dưới dòng sông, kênh rạch gần nhà để đưa ông bà và những người thân quá cố về lại thế giới bên kia.

Đồng bào DTTS Khmer thấm nhuần giáo lý nhà Phật, luôn tâm niệm tưởng nhớ công đức sinh thành dưỡng dục, thể hiện ở tấm lòng thành kính. Do vậy, lễ vật dâng cúng ông bà tổ tiên trong lễ Sene Dolta không phô trương hình thức, mâm cao cỗ đầy, mà tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.

Lễ vật thường là những món ăn bình dị, gần gũi hàng ngày, như trái cây vườn nhà, sản vật chợ quê. Trong dịp lễ này, con cháu đồng bào DTTS Khmer còn chuẩn bị các thức ăn ngon, lễ vật có ý nghĩa, dâng lên ông bà, cha mẹ còn sống để tỏ lòng hiếu kính.

Lễ hội đua bò

Trong những ngày lễ Sene Dolta, tại các chùa Khmer diễn ra nhiều lễ hội, biểu diễn nghệ thuật với các loại hình đặc sắc mang đậm đà bản sắc văn hóa Khmer và các họat động khác thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống văn hóa, tinh thần trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Tại An Giang, lễ hội này còn gắn với hoạt động thể thao đặc trưng mà nơi khác không có chính là lễ hội đua bò.

Lễ Sene Dolta là một lễ hội truyền thống đầy ý nghĩa giáo dục và đậm sắc màu văn hóa của đồng bào DTTS Khmer. Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhưng lễ Sene Dolta của đồng bào DTTS Khmer vẫn được gìn giữ và phát huy, để nhắc nhở mọi người về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tri ân những bậc tổ tiên đã đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hòa cùng dòng chảy của văn hóa dân tộc, lễ Sene Dolta như một nét độc đáo của đồng bào DTTS Khmer Nam Bộ nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, góp chung vào sự đa dạng, đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam.

CHAU BOL