Nhớ “Nhàn Tĩnh phu nhân”

10/11/2024 - 07:37

 - Nhiều người biết bà Châu Thị Tế (1766 - 1826) là chánh thất của danh thần Thoại Ngọc Hầu. Nhưng ít ai biết danh xưng “Nhàn Tĩnh phu nhân” của bà. Danh xưng này được vua Minh Mạng dụ phong sau khi bà qua đời, kết thúc viên mãn cuộc đời “kinh bang tế thế” của vợ chồng bà.

Ngay tại khu vực sầm uất nhất của thành phố du lịch Châu Đốc (tỉnh An Giang), có một con đường mang tên Châu Thị Tế. Con đường chừng 1 - 2km, vòng ngang miếu Bà Chúa Xứ núi Sam nổi tiếng, là điểm đến níu chân du khách xa gần.

Gần đó là di tích cấp quốc gia Lăng Thoại Ngọc Hầu, nơi bà được chôn cất trang nghiêm cạnh chồng. Bà là trưởng nữ của nhà nho Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán. Họ từ miền Trung đến lập nghiệp, định cư tại làng Thới Bình - cù lao Dài (sông Cổ Chiên, nay thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Năm Bính Tuất (1826), bà Châu Thị Tế trút hơi thở sau cùng tại Châu Đốc. Bà được chôn cất tại đây, đón nhận tấm lòng trọng ngưỡng của người đời.

Theo sử sách, sau khi nhà Nguyễn được thành lập (năm 1802), với vai trò “khai quốc công thần”, Nguyễn Văn Thoại được triều đình giao cho nhiều chức vụ quan trọng. Châu Thị Tế đã cùng chồng “đồng cam cộng khổ”, “chia ngọt sẻ bùi” suốt hành trình ấy, rồi bén duyên với xứ sở miền Tây sông Hậu và biên viễn Tây Nam.

Việc hoàn thành kênh Thoại Hà trong vòng 1 tháng thật sự là kỳ công lưu danh thiên cổ của Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại. Bà Châu Thị Tế không quản ngại khó khăn, gian khổ, đảm nhận công việc hậu cần, lo cơm nước, thuốc thang, thăm hỏi, đôn đốc dân phu, lính tráng đào kênh một cách tận tâm. Những kinh nghiệm quý báu trong việc đào kênh Thoại Hà là tiền đề quan trọng để bà tiếp tục giúp chồng trong công trình còn to lớn và dài hơi hơn: Đào con kênh nối Châu Đốc với Hà Tiên, từ năm 1819 - 1824.

Ngày nay, trên những vùng đất mà vợ chồng ông bà đã lưu dấu, Nhân dân luôn tạc dạ ghi ơn, dựng tượng, lập đình thờ để tưởng nhớ. Có thể kể đến Đình thần Vĩnh Tế, nằm ngay góc đường Châu Thị Tế - Phạm Văn Bạch (TP. Châu Đốc).

Tên bà được đặt cho Trường THPT Châu Thị Tế (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc). Ngôi trường được thành lập năm 2018, cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi. Sau 6 năm giảng dạy, trường được UBND tỉnh An Giang công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, là một trong những thành tích nổi bật đáng khích lệ của ngôi trường non trẻ.

Năm học 2024 - 2025, trường tổ chức giảng dạy 24 lớp, hơn 1.000 học sinh, cùng san sẻ trọng trách “trồng người” với 2 trường THPT khác trên địa bàn thành phố (Trường THPT Chuyên Thủ Khoa Nghĩa và THPT Võ Thị Sáu).

Thầy Lê Đỗ Huy cho biết, ngay sau khi được điều động, phân công làm Hiệu trưởng, tháng 6/2023, thầy bàn bạc với Ban Giám hiệu, lập bàn thờ cụ bà Châu Thị Tế trong Phòng truyền thống của trường.

“Tư liệu về cụ bà rất ít, còn hình ảnh hầu như không có. Tôi đang chờ tư liệu chính thống, đầy đủ nhất từ cơ quan chuyên môn để xây dựng bảng tiểu sử bà trong trường, giúp học sinh và giáo viên hiểu rõ hơn nhân vật lịch sử mà trường mang tên. Trước mắt, tôi nhờ làm bài vị cụ bà giống như nội dung trên bia mộ bà ở Lăng Thoại Ngọc Hầu, như một cách tưởng nhớ bậc tiền nhân” - thầy Huy chia sẻ.

Trở thành thông lệ, trước mỗi đợt thi cử hoặc sự kiện giáo dục quan trọng, thầy trò nhà trường lại tề tựu về Phòng truyền thống, thành kính thắp nhang cho cụ bà Châu Thị Tế, mong ước bà hiển linh phù hộ cháu con học hành thành tài, may mắn.

Lần đầu tiên đến Phòng truyền thống sau ít tháng nhập học, Nguyễn Phan Kim Thùy (lớp 10XH3) được dịp tìm hiểu rõ hơn về bà Châu Thị Tế. “Em hiểu được phần nào vai trò, đóng góp to lớn của bà trong quá trình xây dựng quê hương. Vì vậy, em quyết tâm học tập thật tốt, tạo nên thành tích chung cho trường, xứng danh ngôi trường mang tên bà” - Thùy bày tỏ.

Thông tin, hình ảnh của bà Châu Thị Tế hiếm hoi là điều dễ hiểu, bởi dưới triều Nguyễn, Nho giáo được xem là mực thước trị quốc, nền tảng của lễ nghi. Vai trò của người phụ nữ chưa được coi trọng. Họ chỉ lẳng lặng đứng phía sau người chồng, người cha, người con của mình, ít khi xuất đầu lộ diện trước xã hội.

Tuy nhiên, trường hợp của bà Châu Thị Tế là một ngoại lệ. Xuất phát từ sự đóng góp vô cùng to lớn của bà đối với sự nghiệp khai hoang, đào kênh, phát triển vùng đất “tân cương” cùng chồng Nguyễn Văn Thoại đã tạo được “đức dày trong đường lễ giáo”, tạo nên ấn tượng tốt đẹp và sự cảm khái từ triều đình Huế. Tên tuổi của bà được nhắc đến nhiều cùng chồng. Trong Nhà trưng bày cổ vật Thoại Ngọc Hầu (phía sau lăng), hàng trăm hiện vật thời ông bà sinh sống được tìm thấy, chia sẻ.

          Đây là hiện vật vòng tay của ông bà Thoại Ngọc Hầu, được làm từ vàng, niên đại cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, giúp hậu bối hình dung được phần nào dấu tích của bậc vĩ nhân hàng trăm năm trước.

Ngoài việc giúp chồng lập ra 5 thôn trên đất cù lao Dài, bà Châu Thị Tế còn góp phần không nhỏ vào sự ra đời của Vĩnh Tế sơn và Vĩnh Tế thôn. Đây là những địa phương rất quan trọng trong việc phát triển vùng đất Thoại Sơn và Châu Đốc trong buổi đầu khai hoang mở đất ở vùng Tứ giác Long Xuyên. “Vợ của thần - Châu Thị Tế là người tài đức, lễ giáo, giúp chồng chăm lo việc nhà, ruộng nương để cho thần được yên tâm, nên vua ban tên cho núi Sam là Vĩnh Tế Sơn” - trên bia Vĩnh Tế Sơn ghi, do một số nhà nghiên cứu dịch lại.

Tên bà còn được đặt cho kênh nối Châu Đốc với Hà Tiên - kênh Vĩnh Tế, đặt cho ngôi làng mới lập với công lớn của ông bà ở dưới chân núi Sam là Vĩnh Tế Sơn thôn. Ngày nay, Vĩnh Tế trở thành xã nông thôn mới nâng cao, đời sống người dân ngày càng sung túc, ổn định, như mong ước của thế hệ khai hoang mở cõi xưa kia.

Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024), tỉnh An Giang đặc biệt chú trọng nghi thức truyền thống tưởng niệm 198 năm ngày mất bà Châu Thị Tế (1826 - 2024), tại Lăng Thoại Ngọc Hầu (ngày 14 và 15/11/2024).

An Giang mong muốn làm bật lên tấm gương mẫu mực của “Nhàn Tĩnh phu nhân”, người phụ nữ Nam Bộ giàu đức hạnh, tận hiến vì sự phát triển của quê hương, xứng đáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử được vua cho lấy tên đặt cho tên sông, tên núi, tên làng. Tên tuổi của bà đã gắn chặt với đời sống tinh thần của người dân An Giang nói riêng, Nam Bộ nói chung. Bà đã hóa thành sông, thành núi, thành làng…

GIA KHÁNH