Nho Quan vào mùa sim chín

29/07/2023 - 09:28

Gần đây, nhiều hộ dân ở huyện miền núi Nho Quan đã chọn trồng cây sim để phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại đang là mùa sim chín rộ, bà con tất bật thu hái. Năm nay sim không được mùa nhưng được giá, không ít hộ bỏ túi cả triệu đồng mỗi ngày.

Vào mùa, mỗi buổi bà Đinh Thị Mùi ở bản Xanh, xã Kỳ Phú hái được cả chục kg sim.

Vào mùa, mỗi buổi bà Đinh Thị Mùi ở bản Xanh, xã Kỳ Phú hái được cả chục kg sim.

Chiều nhạt nắng, tôi theo chân các thành viên gia đình bà Đinh Thị Mùi ở bản Xanh, xã Kỳ Phú lên mảnh đồi cạnh nhà để hái sim. Những cây sim già cao quá đầu người, tán rộng cả mét, trĩu trịt quả, trong đó không ít đã chín, chuyển màu tím sẫm.

Vừa thoăn thoắt tìm hái quả, bà Mùi vừa chia sẻ: Trước đây, sim mọc hoang dại bạt ngàn ở các đồi nhưng giờ thì hầu như không có. Trong khi đó người tiêu dùng thì ngày càng ưa chuộng những thứ quả rừng có nhiều dược tính tốt cho sức khỏe giống như sim. Bởi vậy năm 2018, 2 vợ chồng bà đã đưa loại cây này về trồng thử nghiệm trên diện tích 6 sào vườn đồi của gia đình. Ngay trong năm đầu tiên đã có cây ra hoa, rất sai quả. Sang đến năm thứ hai thì cơ bản vườn sim cho thu hoạch rộ. Đến năm vừa rồi, gia đình bà Mùi thu tới 6 - 7 tạ quả, bỏ túi hơn 30 triệu đồng.

Sim hái về được thương lái thu mua ngay tại nhà.

Cũng theo bà Mùi, sim là loài cây có sức sống mạnh mẽ, kiên cường trên núi, không cần chăm sóc, tưới tắm gì nhưng vẫn nở hoa đều và cho quả ngọt. Thường thì sim sẽ ra hoa vào tháng 4 và có quả chín thu hoạch kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng 8.

"Cứ thu hoạch được bao nhiêu là thương lái đặt mua hết bấy nhiêu. Năm nay, trời ít mưa, quả sim không được phổng như mọi năm, năng suất có giảm đi đôi chút nhưng bù lại giá bán vẫn duy trì ở mức cao, trung bình trên dưới 50 nghìn đồng/kg nên nông dân chúng tôi vẫn có thu nhập tốt" - bà Mùi phấn khởi nói.

Niềm vui thu hoạch.

Cách đó không xa, hai mẹ con bà Bùi Thị Pháp cũng đang thu hoạch sim. Mỗi người khoác một cái túi bên hông, những trái sim chín được hái cho vào đó. Khi túi trĩu nặng họ lại đổ dồn vào chiếc thúng lớn để giữa vườn. Dù giữa cái nắng oi ả của mùa hè nhưng bà Pháp vẫn vui vì sim bán chạy và được giá. "Vườn sim này chỉ có 50 gốc nhưng mỗi ngày cũng thu được 10-15 kg quả, bán rẻ cũng được 500 nghìn đồng" - bà Pháp chia sẻ.

Những quả sim chín mọng, đánh thức khung trời thơ ấu của không ít người.

Theo những người trồng sim ở đây, thời điểm này, thời tiết nắng nóng cao điểm, sim sẽ chín rất nhanh, do vậy, để đảm bảo không bị thất thoát, hư hỏng, bà con phải tranh thủ mọi thời gian, thu hái liên tục nên khá bận rộn. Đổi lại nắng nhiều thì sim khô ráo, rất ngon và ngọt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, không chỉ có nông dân Kỳ Phú mà nhiều nông dân ở các xã đồi rừng khác như: Phú Long, Cúc Phương, Thạch Bình, Xích Thổ,... của huyện Nho Quan đã chọn cây sim làm cây trồng xen canh để cải thiện và gia tăng thu nhập. Đây là loại cây trồng một lần, cho thu hoạch nhiều năm. Đặc biệt, cây sim chịu hạn tốt, ít sâu bệnh nên người trồng hầu như không tốn chi phí để chăm bón và rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác ở vùng đồi núi.

Được biết đến là vị thuốc có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nên quả sim thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó. Hiện chưa có tài liệu kỹ thuật trồng, chăm sóc nên bà con vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Có thể nhận thấy mô hình trồng sim lấy quả đang là hướng đi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở huyện Nho Quan. Tuy nhiên, về lâu dài cần có chủ trương, định hướng phát triển mô hình một cách bền vững, gắn với chế biến sâu, tránh tình trạng phát triển ồ ạt.

Theo NGUYỄN LỰU (Báo NInh Bình)