Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008). ẢNH: TƯ LIỆU.
Sống trong dân và sống mãi trong lòng dân
Sống trong dân, với dân, tin tưởng ở dân, luôn nghĩ đến dân, từ đó tìm thấy những gì cách mạng phải làm trong các giai đoạn lịch sử khác nhau: đó là nhận xét chung, đã được đề cập nhiều về đồng chí Võ Văn Kiệt. Rất đồng tình, tôi còn nghĩ đó là những nhân tố làm cho ông sống mãi trong lòng dân.
Trong gần 25 năm, đã tham dự nhiều cuộc họp do ông chủ trì, ít khi tôi thấy ông phát biểu trước để chỉ đạo hội nghị. Đáp lại nhận xét này của tôi, ông cười, vẫn nụ cười đôn hậu, ông nói nhẹ nhàng: “Anh em về dự hội nghị mỗi người với một bầu tâm sự, những khó khăn vướng mắc từ cơ sở. Nghe anh em nói hết, trao đổi chân tình và để thấy những gì cần tháo gỡ, những cơ chế, chính sách cần xây dựng cho sát hợp”.
Nói cách khác, không chỉ lắng nghe mà ông còn cần nghe và muốn nghe. Đó là biểu hiện của sự gần dân của ông, trong thời kỳ chiến tranh trước đây cũng như trong giai đoạn xây dựng đất nước sau này.
Con người của đoàn kết, hòa hợp dân tộc để xây dựng đất nước
Với tư tưởng xuyên suốt này, khi giao cho tôi nhiệm vụ Trưởng Ban Việt kiều Trung ương tháng 10/1992, ông căn dặn: Ban Việt kiều Trung ương phải sớm đến với kiều bào, trình bày thật rộng rãi tình hình thực tế đất nước và đường lối Đổi mới để kiều bào thấy cái thế của đất nước.
Đến với kiều bào, lắng nghe ý kiến, kể cả những ý kiến khó nghe nhất, và nguyện vọng mà kiều bào đề đạt để xây dựng chính sách
Điểm xuất phát là phải xem kiều bào ra đi vì bất cứ lý do gì, vào thời điểm nào, đều là con dân của Tổ quốc Việt Nam; phải tin rằng mọi người Việt Nam đều có lòng yêu nước, những thành tựu của đường lối Đổi mới một lúc nào đó sẽ thổi bùng lên lòng yêu nước đó, gắn kết bà con với quê hương. Nhất là đối với các thế hệ tiếp nối.
Thái độ chân tình và nội dung này trong bài phát biểu của ông tại Hội nghị Xuân Kỷ Dậu 1993, đã có sức thuyết phục và lan tỏa rất mạnh trong cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại, và đã hỗ trợ rất nhiều công tác của Ban Việt kiều Trung ương chúng tôi lúc bấy giờ.
Dưới sự chỉ đạo của ông, năm 1993, Ban Việt kiểu Trung ương đã cùng các bộ, ban ngành có liên quan chấp bút dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị Về chính sách và công tác đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tiền thân của Nghị quyết 36 sau này, trong đó khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; “Tinh thần Người Việt Nam yêu nước Việt Nam phải vượt lên trên những khác biệt về tôn giáo, dân tộc, hoàn cảnh kinh tế, và cả sự khác nhau về chính kiến”.
Tạo điều kiện để chuyên gia từ các nguồn đào tạo hợp tác, đồng chí ủng hộ đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Việt kiều trung ương cùng tổ chức Hội nghị chuyên đề Giáo dục đại học Việt Nam trước thách thức của thế kỷ XXI nhân dịp Tết Giáp Tuất 1994, với sự tham gia của hơn 100 giáo sư, chuyên gia ở trong nước và giáo sư người Việt Nam đang nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài.
Chăm lo vun đắp nguồn nhân lực cho đất nước
Cuối năm 1983, sau khi nghe Ban Chủ nhiệm trình bày về Chương trình khoa học cấp nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long (Chương trình 60-B), ông căn dặn: “Nguồn gốc đào tạo khác nhau, quá trình công tác của các nhà khoa học tham gia Chương trình chính là vốn quý của Chương trình mà Chủ nhiệm cần phải biết vun đắp và phát huy”.
Sau khi Chương trình được nghiệm thu, tháng 3 năm 1991, tôi nhận được một thư tay của ông trong đó ông đề nghị tôi “… chủ trì cùng với một số anh chị em khoa học (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) dành thời gian nghiên cứu, xây dựng một chiến lược vùng Nam Bộ. Như vậy để anh chị em khoa học đóng góp được rộng rãi hơn và lãnh đạo có thêm tài liệu để cân nhắc lựa chọn. Mong anh lưu ý xúc tiến.”
Quyết định thành lập hai Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh minh chứng cho sự chăm lo này. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu trong 4 khâu Đào tạo - Sử dụng - Phát huy - Gìn giữ và thu hút nhân tài mà theo ông cần làm tốt vì lợi ích của xã hội, của đất nước, trước mắt và lâu dài.
Đó là lý do ông thành lập Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, cơ quan tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ năm 1992. Ông căn dặn chúng tôi:
- Không ngừng mở rộng hiểu biết để giải quyết các vấn đề mà đất nước đối mặt. Chân tình, ông nói với chúng tôi: “Mặc dù đã lặn lội với Đồng bằng sông Cửu Long từ lúc còn trẻ, nhưng nay càng đi vào thực tế càng thấy mình hiểu biết về đồng bằng còn quá ít, nhất là khi đồng bằng chịu nhiều tác động chưa từng thấy!”.
- Tiếp cận các bài toán của phát triển phải từ nhiều góc độ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kinh tế, và cả văn học nghệ thuật, và từ đó nhìn tổng hợp để hiểu vấn đề. Phải xóa dần sự ngăn cách giữa các khoa học.
- Ngược lại, nghiên cứu sâu các bài toán này từ góc độ các khoa học nhưng khi đi vào thực tế (phục vụ quy hoạch chẳng hạn) phải chỉ ra trên mỗi vùng, tiểu vùng, nên quy hoạch thế nào, khai thác với điều kiện gì, mức độ khả thi ra sao, tác động lên môi trường như thế nào, để lãnh đạo các tỉnh, trong các tiểu vùng/vùng và Chính phủ cân nhắc, quyết định.
- Khoa học phải gắn kết với sản xuất và đời sống, cụ thể phải gắn với địa phương. Ông yêu cầu các Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười (1988), Tứ giác Long Xuyên (1989), Tây Nam sông Hậu (1989), Ban Chỉ đạo nghiên cứu khai thác Bán đảo Cà Mau (1989) mà ông đã thành lập, phải gắn với Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long, và ngược lại. Chương trình cũng phải gắn với các tỉnh. “Nghiệm thu ở cơ sở, được kiểm nghiệm trên hiện trường, kết quả sẽ trực tiếp đi vào cuộc sống” - ông nói.
Quý thời gian cho đất nước, dám quyết, dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình
Con người Võ Văn Kiệt hành động, dám quyết, dám chịu trách nhiệm, điều này đã được minh chứng bằng thực tế và đã được nói nhiều. Tôi chỉ muốn bổ sung: Trong nhiều lý do, có lý do ông rất quý vốn thời gian cho đất nước. Biết chờ đợi khi cần, dành thời gian để lắng nghe ý kiến, nhưng không thể lãng phí thời gian của đất nước. Phải dám quyết, dám nhận trách nhiệm về quyết định của mình.
GS.TS Nguyễn Ngọc Trân