Nhọc nhằn “đội quân” thông cống

14/03/2022 - 09:03

 - Cái nắng tháng 3 gắt như thiêu đốt, bên hè phố giữa dòng người tấp nập, “đội quân” thông cống (Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang) đang thầm lặng chui sâu dưới lòng đất để múc từng gàu bùn đen ngòm. Bằng sự nhiệt quyết của mình, họ luôn ý thức, trách nhiệm với công việc để người dân an tâm sinh hoạt mỗi khi đường phố bị nghẹt cống hoặc mùa mưa sụt sùi sắp về…

“Thủ lĩnh” trị nghẹt cống

Gần 30 năm gắn bó với nghề lặn ngụp trong những mương nước hay hệ thống cống đen ngòm, ông Cao Trọng Nghĩa (Hai Nghĩa) được xem là tay “cự phách” trong cái nghề khai thông cống rãnh. Hiện, Hai Nghĩa cũng được anh em “tín nhiệm” bầu làm “thủ lĩnh” thực thụ, dẫn dắt “đàn em” đi khai thông cống rãnh ở khắp nơi.

 Hai Nghĩa kể, quê gốc ở xã Hội An (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Gia đình Hai Nghĩa có tới 7 anh, em, nhưng của hồi môn của cha mẹ để lại chỉ vỏn vẹn 4 công ruộng, nên cuộc sống cứ rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Năm 19 tuổi, Hai Nghĩa quyết định rời bỏ làng quê ra thành thị tìm việc làm ổn định để lo cho gia đình và em út ăn học nên người.

Hai Nghĩa (bìa trái) hướng dẫn công nhân cạy nắp hố ga cho an toàn

Việc đầu tiên mà Hai Nghĩa nghĩ tới là nhờ người thân giới thiệu cho vào làm việc tại Ban Công trình công cộng TX. Long Xuyên (nay là TP. Long Xuyên). Tại đây, Hai Nghĩa được giao nhiệm vụ cùng đồng đội đi kiểm tra hệ thống cống và xử lý các điểm nghẽn gây ứ đọng nước trong nội ô thị xã. Cũng có khi Hai Nghĩa vượt hàng trăm km đến các địa phương thuộc vùng núi, biên giới để hỗ trợ khơi thông những mương nước, cống rãnh đã bị cát, đá bồi lấp lâu ngày. 

“Năm 1993, tôi xin vào làm việc tại Ban Công trình công cộng, lương èo uột lắm, mỗi tháng lãnh 220.000 đồng. Với đồng lương mỗi tháng như vậy thì không đủ cho bản thân tôi trang trải sinh hoạt chứ nói chi đến chuyện gửi tiền về quê cho cha mẹ lo cho em út. Dù vậy, tôi vẫn không nản chí vì nghĩ rằng mình đã có nơi làm việc lâu bền và được hưởng các loại bảo hiểm để khi về già không còn phải lo chuyện ốm đau đột xuất”- Hai Nghĩa tâm sự.

Hai Nghĩa luôn quan sát rất kỹ các công đoạn xử lý hố ga

Những năm đầu khi mới vào nghề, Hai Nghĩa đã không ít lần chứng kiến cảnh đồng đội của mình gặp phải tai nạn ngoài ý muốn như bị dập hoặc đứt hẳn ngón tay do tấm đal làm nắp đậy hố ga ngã đè. Sau những lần đó, Hai Nghĩa rút ra được nhiều bài học “xương máu”, cũng như cải tiến quy trình làm việc an toàn vệ sinh lao động. Điều đáng mừng là trong suốt hàng chục năm qua, Đội Thoát nước do Hai Nghĩa làm “thủ lĩnh” chưa bao giờ có ai bị sự cố ngạt khí gas trong quá trình chui vào đường cống thoát nước lấy gạch, đá hoặc xử lý các rễ cây gây tắc nghẽn.

“Hầu hết anh em vào làm việc cho các đội vệ sinh của Ban Công trình công cộng trước đây, cũng như Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang hiện nay đều có khó khăn riêng của mỗi người. Nói thật lòng thì những anh em mới vào nghề này đều có chút mặc cảm, nhất là khi có ai đó tỏ vẻ coi thường như lấy tay che mũi, xa lánh... Tuy nhiên, chúng tôi không còn ngại gì những chuyện đó rồi nản chí mà siết tay nhau “trị” các điểm nghẽn để đường phố luôn sạch đẹp”- Hai Nghĩa bộc bạch.

Đua tốc độ cho kịp mùa mưa

 Những ngày đầu tháng 3-2022 đầy nắng gió, Hai Nghĩa liên tục nhận được thông tin về việc nhiều tuyến đường ở nội ô TP. Long Xuyên bị ứ đọng nước hoặc thoát nước chậm. Trong số này, tuyến cống ở 2 bên đường Hà Huy Tập, thuộc phường Mỹ Phước và trước Trường Tiểu học Chu Văn An của phường Mỹ Xuyên rất cần được xử lý nhanh vì nước không thể thoát xuống miếng hố ga.

Hai Nghĩa cho biết, hôm nay ông dẫn theo 6 công nhân, trong đó 2 anh Lê Minh Vương và Nguyễn Sơn Dương được giao làm “trinh sát” vào sâu bên trong các đường cống thoát nước làm nắm tình hình. Điều dễ nhận ra đối với 2 công nhân này là các anh được phép mặc quần đùi, áo thun để làm việc thuận tiện trong không gian chật hẹp vì miệng cống chỉ rộng khoảng 1,2m.

Anh Nguyễn Sơn Dương xuống hố ga để nạo vét cát, đá bên dưới

Đúng 7 giờ sáng, cả nhóm có mặt tại đường Hà Huy Tập để bắt đầu công việc cho ngày mới. Tại đây, Hai Nghĩa hướng dẫn lại cho anh em về cách giở nắp hố ga ở 2 bên đường sao cho an toàn nhất để anh Dương và Vương chui xuống bên dưới làm nhiệm vụ. 

Sau công đoạn đầu tiên khá suôn sẻ, Hai Nghĩa lắc đầu nói: “Hệ thống cống chạy dọc theo 2 bên tuyến đường này đã được anh em chúng tôi nạo vét khá kỹ lưỡng từ lâu. Thế nhưng, khi đơn vị thi công nâng cấp mặt đường lên thì họ đẩy toàn bộ phần cát, đá và các loại xà bần khác xuống hố ga nên nước không thể thoát đi được. Nói là nói vậy thôi chứ công việc thì chúng tôi phải xử lý nhanh để tránh nhà dân bị ngập nước vì mùa mưa cũng đã cận kề rồi”.

Sau gần 20 phút ngâm mình trong nguồn nước lạnh và đầy chất bẩn để nhặt từng mảng xà bần, cát, đá dưới hố ga, anh Dương và Vương lần lượt thoát ra ngoài ngồi giải lao. Tranh thủ thời gian này, anh Vương cho biết đã chính thức gia nhập vào “đội quân” do Hai Nghĩa làm “thủ lĩnh” từ năm 2014. Tất cả những công nhân mới vào nghề đều được Hai Nghĩa chỉ dạy tận tình nên mau chóng thuần thục công việc.

“Mặc dù có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nhưng anh em trong đội luôn tuân thủ quy định của công ty cũng như người chỉ huy trực tiếp để đảm bảo sức khỏe. Cái khó nhất là khi chui xuống cống gặp phải rễ cây to vì phải mất cả ngày trời mới xử lý xong”- anh Vương chia sẻ.

Anh Lê Minh Vương tìm cách xuống hố ga xử lý rác gây tắc nghẽn lối thoát nước

Cùng trải lòng với đồng nghiệp, anh Nguyễn Sơn Dương cho biết, bản thân anh là bộ đội phục viên và được Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang ưu tiên nhận vào làm việc từ năm 2011. Tuy nhiên, do chưa thạo nghề nên Dương chỉ được làm việc theo kiểu công nhật rồi sau đó mới được trở thành thành viên chính thức của Đội Thoát nước.

Tất cả rác thải, cát, đá đều được đưa về khu vực xử lý để tránh ô nhiễm môi trường

“Có nhiều lúc anh em chúng tôi trầm mình dưới các hố sâu đến 2-3 tiếng đồng hồ để xử lý rác nên phải lên trên chạy tới chạy lui hoặc phơi nắng cho bớt lạnh. Riêng phần quần áo có khi phải quăng bỏ vì không thể giặt sạch được. Niềm vui của chúng tôi chính là nhìn thấy đường phố sạch đẹp và không bị ứ đọng nước để bà con đi lại dễ dàng. Càng làm thì tôi càng thấy yêu nghề hơn vì anh em trong đội thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau như người nhà”- anh Dương chia sẻ và khẳng định sẽ làm việc và cống hiến hết mình cho công việc vì đã được công ty chăm lo chu đáo. Đồng thời, nêu quyết tâm làm nhiệt tình và sạch sẽ để mọi người thương mến hơn.

Chiều buông! Hai Nghĩa nhanh chóng chỉ huy anh em trong đội tức tốc xử lý hố ga bị nghẹt tại khu vực phía Trường Tiểu học Chu Văn An, rồi sau đó ai nấy trở về nhà sau ngày làm việc vất vả. Công việc của họ là vậy, cứ quay vòng theo năm tháng để điểm tô phố xá sạch đẹp, an bình…    

Xem công ty như ngôi nhà thứ 2

Hai Nghĩa cho biết, tiền thân của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang là Ban Công trình công cộng TX. Long Xuyên, i sau đó chuyển đổi thành mô hình Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Long Xuyên. Hiện tại, người thân trong gia đình của Hai Nghĩa có 4 người là nhân viên lò đốt rác, quét rác hoặc theo xe bồn hút hầm cầu.

“Tất cả anh em chúng tôi đều xem Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang như ngôi nhà thứ 2 của mình nên cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hạnh phúc nhất của đời tôi là sau hàng chục năm làm việc, tích góp thì vợ chồng tôi cũng mua được mảnh đất để xây nhà ở thuộc khu vực vùng ven của TP. Long Xuyên”- Hai Nghĩa vui mừng khấp khởi.


Bài và ảnh: THANH VÂN