
Lặn vét bùn đáy ao, hầm
Đi lặn từ mờ sáng
Mờ sáng, khi gà cất tiếng gáy, cũng là lúc những người lặn vét bùn đáy ao, hầm dậy sớm để chuẩn bị ngày mới đầy ước vọng. Có về nông thôn buổi sáng sớm mới thấy hết sự thanh bình, yên ả. Ở quê, người dân tranh thủ thức sớm để ra đồng trồng lúa, nuôi cá. Hôm ghé qua các ao, hầm tại xã Phú Bình và Hòa Lạc (huyện Phú Tân), thấy ngư dân đang cho cá ăn, chúng tôi vô tình bắt gặp người dân hì hục ngậm ống hơi rồi lặn mất tăm dưới đáy nước. Hỏi chủ nuôi cá mới biết, họ là những người chuyên lặn vét bùn đáy ao, hầm thuê. Muốn trò chuyện với họ rất khó. Bởi, mỗi lần lặn phải kéo dài đến 4 tiếng đồng hồ mới ngoi lên mặt nước.
Từ khi phong trào nuôi cá tra ao, hầm xuất khẩu phát triển, rồi đến mô hình nuôi cá thát lát cườm khá phổ biến ở vùng nông thôn, kéo theo nhu cầu nạo vét lớp bùn dưới đáy ao của ngư dân tăng lên. Bà con cho hay, trong quá trình cho cá ăn, phân cá thải ra lắng đọng dưới ao, lâu ngày tích tụ thành bùn non. Nếu không nạo vét sạch, cá dễ bị nhiễm bệnh dẫn đến hao hụt. Một đợt nuôi cá phải vét đáy ao 2 - 3 lần. Vì vậy, nghề lặn vét đáy ao, hầm được thịnh hành cho tới bây giờ. Ban đầu, nhiều hộ gia đình đầu tư sắm máy hút bùn, rồi thuê trai tráng trong xóm phụ việc. Hoặc có những gia đình đông con, không đất sản xuất cũng mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị để lặn thuê. Hiện nay, những người lặn vét bùn đáy ao không chỉ hoạt động trong tỉnh, mà còn rong ruổi khắp vùng ĐBSCL. Nơi nào có nuôi thủy sản là họ lui tới đảm nhận việc hút bùn ao, hầm.
Sau này, việc vận chuyển máy móc đi xa rất nhọc nhằn, nên họ đàm phán với chủ hầm, chỉ lặn vét bùn rồi nhận tiền công. Máy móc do chủ hầm tự trang bị, nên người lặn bớt vất vả hơn khi đi xa hành nghề. Ngồi trò chuyện với chủ hầm cá rất lâu, mà chưa thấy người lặn vét đáy ao nổi lên mặt nước. Chúng tôi nán lại nằm ngả lưng trên chiếc võng tiếp tục chờ đợi. Mặt trời đứng bóng, cái nắng chói chang chiếu xuống cũng là lúc anh Lê Văn Tùng (43 tuổi) ngoi lên mặt nước. Chiếc máy dầu nổ phành phạch phụt khói ra xa, thổi bình hơi vù vù trên mặt nước, anh Tùng nhanh chân bơi tới tắt máy. Không gian bỗng im phăng phắc, chúng tôi mới bắt đầu hỏi han chuyện nghề lặn.
Mong con cái đổi đời
Vừa bước lên lán trại, quần áo của anh Tùng còn ướt nhem, đôi mắt đỏ lừ. Lấy tay dụi mắt vài cái cho thấy rõ mặt người, anh Tùng cho hay, từ mờ sáng bắt đầu ngậm ống hơi lặn tới xế trưa. Nhiều lúc mải mê lặn, tới khi ngoi lên mặt nước thì trời đã ngả chiều. Mặc dù hiện nay lặn bằng máy, nhưng việc vét bùn đáy ao rất mệt. Với độ sâu từ 6 - 7m, người thợ lặn phải vận động thường xuyên. Dưới đáy nước tăm tối, họ nhắm hướng mà đi, tay mò đụng bùn thì kéo máy bơm đến hút. Mỗi lần lặn dưới đáy, “một hơi” khoảng 4 giờ đồng hồ mới ngoi lên nghỉ mệt và sau đó lặn tiếp. “Mệt lắm! Mỗi lần lặn hút khoảng 4 khối bùn. Ở dưới nước lâu, cảm giác lạnh đến tận xương tủy, không gian tối mịt, không nhìn thấy gì. Lúc mới vào nghề, tôi thường vét sót bùn nên chủ hầm không hài lòng. Nhưng giờ lặn quen rồi, mình làm bằng cái tâm nên được chủ hầm tin tưởng” - anh Tùng cho hay.
Ngoài lặn ở quê nhà, anh Tùng còn sang tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long và xuống huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) lãnh vét ao hầm cá tra cho ngư dân. Trong chuyến đi xa, anh Tùng còn mang theo đồ đạc xuống tận nơi ở tại chỗ làm hơn 1 tháng mới trở về nhà. Tháng trước, anh nhận được cuộc điện thoại từ chủ hầm ở tỉnh Vĩnh Long, với tổng số tiền công 20 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận xong, anh khăn gói xuống tận nơi để nạo vét đáy ao cho ngư dân. Làm khoảng 1 tháng là anh trở về quê để tiếp tục lặn vét đáy ao, hầm cho bà con. Mỗi hầm lớn, anh Tùng nhận tiền công từ 15 - 20 triệu đồng. Nếu hầm nhỏ hơn thì nhận tiền công mỗi giờ 80.000 đồng. Bình quân 1 ngày lặn 10 tiếng, nhận tiền công 800.000 đồng.
Anh Tùng chia sẻ, nghề lặn đáy hầm tuy cực, nhưng bù lại thu nhập khá. Đi làm càng xa, thì tiền công được lãnh càng nhiều, vì ở đó không có người làm. Mỗi khi mình xuống nhận hút bùn, chủ hầm mừng lắm! Thấy anh Tùng làm kỹ, nhiều chủ hầm gọi điện thoại đến nhờ lặn vét đáy ao, hầm liên tục. “Tôi làm nghề này được 10 năm. Nhờ nghề vét đáy ao, hầm mà cuộc sống ổn định, nuôi con đi học. Nhưng về lâu dài, lặn sâu dưới đáy nước ảnh hưởng sức khỏe. Sau những ngày lặn, cơ thể bị nước ăn ngứa khắp mình, đau rát khó chịu. Mắt yếu dần, mũi bị viêm thường xuyên” - anh Tùng bày tỏ.
Trời ngả chiều tắt nắng, người thợ lặn ngoi lên mặt nước, toàn thân ướt sũng, tay chân móp méo, lạnh ngắt, họ nhanh chân trở về nhà sau nhiều giờ trầm mình dưới đáy nước. Vì cuộc sống mưu sinh, họ ráng “cày” có tiền lo cho con ăn học để mai sau chúng nó đổi đời...
Trước đây, hoàn cảnh gia đình anh Tùng khó khăn. Lúc đó, trong xóm chỉ có vài người làm nghề vét hầm nên đắt lắm. Thấy vậy, anh Tùng mới học hỏi và đầu tư mua chiếc máy dầu, ống hơi, ống nước… tốn gần 20 triệu đồng. “Mới khởi nghiệp, chưa biết lặn, tôi tập tành ngậm ống hơi lặn sâu xuống đáy hầm. Ngay lúc đó, một tiếng nổ trong lỗ tai “bụp…” nhức thấu trời! Nhưng vì cuộc sống gia đình, tôi tự động viên bản thân, rồi tích cực “khổ luyện” mất hơn 2 tuần mới vào nghề được. Hầu hết, ai vào nghề này cũng bị thủng màng nhĩ, điếc tai thì mới lặn được ở độ sâu” - anh Tùng trần tình. |
LƯU MỸ