Chợ Tết chỉ thật sự tấp nập từ ngày đưa ông Táo về trời (tức ngày 23 tháng Chạp), là nét văn hóa đẹp. Ngày thường đã đông đúc người bán, người mua, đến cận Tết, chợ càng nhộn nhịp. Trong màn đêm, từng đoàn xe chở hàng từ nhiều tỉnh "nối đuôi" nhau đổ về chợ Mỹ Long (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang). Nhân công bốc vác chờ sẵn, thoăn thoắt vận chuyển hàng lên xuống, nhiều nhất là trái cây, rau cải…
Tờ mờ sáng, không khí mua bán ở chợ bắt đầu nhộn nhịp, người dân đổ về đây sắm Tết. Chợ họp tràn ra ngoài lề đường, dòng người chen chúc. Các mặt hàng được bày bán đa dạng, phong phú, từ thực phẩm tươi sống đến thực phẩm khô, các loại đồ thờ cúng. Mặt hàng được mua nhiều, gồm: Thịt bò, thịt heo, gà, bánh tét, trái cây, hoa, trầu cau…
Người mua chọn cho mình những mặt hàng cần thiết để đón năm mới an lành, sung túc. Còn người bán tranh thủ chào mời, quảng cáo để thu hút khách, tiếng rao “Cúc vườn, thọ 20.000 đồng/cành, mại dô, mại dô”, “Mua 1 tặng 1”, “Bán xả, mai hết hàng về quê ăn Tết”, “Dưa hấu đây, dưa hấu không hạt Long An ngon miễn bàn đây”... làm cho không khí ngày giáp Tết thêm phần náo nhiệt.
Chợ cuối năm có rất nhiều hàng hóa “nhìn là thấy Tết”, như: Dưa hấu không hạt Long An, dừa sáp Trà Vinh, bánh tét Trà Cuôn, bánh tét Cần Thơ, khóm son, trái phật thủ Hà Nội… Người mua tay xách nách mang đủ thứ. Chị Mai Thị Ánh Ngọc (ngụ phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Tôi thích đi chợ những ngày giáp Tết để cảm nhận không khí nhộn nhịp. Năm nay, hàng hóa phục vụ Tết rất phong phú và dễ mua, giá thực phẩm (rau, củ, quả…) không tăng nhiều so với ngày thường. Đồ trang trí Tết rất nhiều loại, người mua có nhiều sự lựa chọn hơn”. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, nhìn chung sức mua năm nay không bằng mọi năm. Người dân chỉ mua vừa phải, tiết kiệm.
“Dù bận đến mấy, tôi đều dành thời gian đi chợ Tết. Ngoài chuyện mua hoa và cây cảnh để trang trí nhà cửa, sân vườn đón năm mới, tôi còn thú vui chiêm ngưỡng thời khắc giao hòa giữa năm mới và năm cũ. Nhà tôi gần chợ, trước khi đi làm, tôi thường dạo một vòng chợ xem có món gì lạ, mới, hoặc chỉ ngắm cảnh người người đi chợ, cảm nhận không khí đông vui, náo nhiệt. Có ngày, tôi đi chợ đủ 3 buổi” - chị Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh (ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) hào hứng.
Trần Mai Trang (ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) cho rằng: “Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chỉ cần ngồi tại nhà, cơ quan, “a-lô”, nhắn tin là hàng giao tận nơi, vừa không mất thời gian, vừa đỡ vất vả chen chúc chọn lựa; có thể mua hàng bất cứ lúc nào, giờ nào. Sự tiện lợi này khiến nhiều người thích “đi chợ online”.
“Chợ online” cũng bán đủ mặt hàng, từ thực phẩm, may mặc, đặc sản vùng miền... Quan trọng là chọn đúng cửa hàng uy tín, hàng hóa rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, tôi vẫn thích đi chợ Tết truyền thống. Bởi việc đi chợ Tết qua siêu thị, đặt hàng online không thể tạo cảm xúc bằng trực tiếp ra chợ, nghe tiếng chào hàng, mặc cả rôm rả của người mua, kẻ bán”.
Chợ Tết không chỉ đa dạng về mặt hàng thực phẩm và đồ trang trí, mà sắc màu rực rỡ của các loại hoa cũng mang sắc xuân, không khí Tết đến gần hơn. Việc chọn mua những chậu hoa đẹp về chưng trước nhà, hay trên bàn thờ gia tiên trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân từ thành thị đến nông thôn.
Anh Phan Văn Tấn (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết: “Năm nay, dịch bệnh COVID-19, tình hình kinh tế khó khăn hơn mọi năm, nhưng nhà tôi vẫn mua vài cặp hoa cúc, thọ, bông giấy và cây mai vừa vừa để chưng Tết. Tết phải có bánh mứt, trang trí, bông hoa… để cầu mong năm mới sung túc, may mắn”.
Ai xa quê, nay có dịp trở về, dạo chợ Tết đều có cảm giác nôn nao khó tả. Mọi người hồ hởi, phấn khởi mua sắm để chuẩn bị đón chào năm mới, cầu mong những điều mới mẻ, sức khỏe dồi dào, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.
THU THẢO