Biến thứ bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật
Túi ny-lon ngày nay đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, đây là sản phẩm được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ, các khu chợ truyền thống đến các siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Hầu hết các túi ny-lon sau khi sử dụng đều bị bỏ đi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.
Tuy nhiên, đối với Lê Văn Sơn, thay vì bỏ đi thì Sơn lại tận dụng chúng để làm nên những chậu hoa, kiểng đặc sắc. Sơn cho biết, ý tưởng về những bông hoa được hình thành từ cuối năm 2019. “Thấy người nhà sử dụng túi ny-lon xong là bỏ đi, mình suy nghĩ tại sao không thử tận dụng chúng làm thành những chậu hoa hay những vật dụng gần gũi với mọi người” - Sơn chia sẻ.
Những tác phẩm nghệ thuật từ túi ni-lon được chăm chút cẩn thận từng chi tiết
Bắt tay vào công việc “thổi hồn” cho túi ny-lon, Sơn lên ý tưởng, sau đó tiến hành cắt, ghép, tạo hình sản phẩm... Từ tác phẩm đầu tay được đặt tên là “Hoa bất tử”, Sơn làm đến những chậu hoa mai, hoa đào, hay những chậu bon-sai với kiểu dáng phức tạp hơn. Sơn cho biết, các ý tưởng của sản phẩm được dựa trên thực tế thông qua mạng xã hội, trải nghiệm thực tế tại các cơ sở làm đồ dùng trang trí trên địa bàn.
Nhìn những sản phẩm mà Sơn làm ra nếu không sờ hoặc nhìn "cận cảnh" thì khó biết được nó làm từ ny-lon. Sơn cho biết, để tạo ra được 1 sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi tay. Theo đó, túi ny-lon được lựa chọn sẽ rửa sạch rồi phơi khô. Sau đó, tiến hành cắt, ủi, hơ trên lửa… để tạo các chi tiết của sản phẩm. Công đoạn cuối cùng là tạo dáng, định hình.
“Tùy theo hình dáng, độ phức tạp, chi tiết của sản phẩm mà thời gian làm có thể khác nhau. Đối với những tác phẩm đơn giản chỉ cần 1 ngày là hoàn thành. Đối với những tác phẩm phức tạp, nhiều chi tiết thời gian có thể kéo dài khoản 1 tuần”- Sơn chia sẻ
Hiện nay, các sản phẩm làm từ túi ny-lon của Sơn được bán hàng trực tiếp tại hộ gia đình. Mặt khác, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội như: Zalo, Facebook… Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ Đoàn thanh niên các cấp, sản phẩm của Sơn được trưng bày, giới thiệu tại các buổi giới thiệu sản phẩm của đoàn viên, thanh niên…
Thông điệp bảo vệ môi trường
Bên cạnh làm hoa, cây cảnh, chậu bon-sai… Sơn còn nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm gần gũi với đời sống hàng ngày như: túi, tạp dề, tranh … bằng ny-lon. Với nhiều ưu điểm như: tiết kiệm chi phí, thời gian sử dụng lâu dài, dễ bảo quản… đây là sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Thời gian tới, Sơn sẽ giới thiệu, phát triển sản phẩm tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần giáo dục học sinh về tác hại của túi ny-lon, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Sản phẩm của Sơn được đánh giá cao tại Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh An Giang lần IV - 2020
Có thể thấy, thông qua sản phẩm của mô hình nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong mọi người dân, đoàn viên, thanh niên về tác hại của chất thải nhựa, túi ny-lon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người. Đây còn là giải pháp nhằm tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.
Đặc biệt, với vai trò là Bí thư Chi đoàn ấp Phú Quới, Lê Văn Sơn còn thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng nghiệp, nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ny-lon, thay đổi thói quen sử dụng rác thải nhựa và không xả rác bừa bãi ra môi trường. Nhờ vậy, những năm gần đây, môi trường sống ở địa phương được cải thiện đáng kể.
ĐỨC TOÀN
,