Quá trình chống dịch bệnh COVID-19 từ đầu năm đến nay cho thấy, công tác phòng, chống dịch bệnh ở tuyến biên giới luôn phải được quan tâm hàng đầu, không thể lơi lỏng. Không chỉ đặt nặng vai trò của lực lượng chức năng, mà còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từng người dân. Tất cả phải cùng đồng tâm hiệp lực giữ gìn, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào quê hương. Trong “cuộc chiến” này, mỗi cá nhân, tập thể đều có vai trò đặc biệt riêng. Những đóng góp âm thầm, lặng lẽ của họ có thể không quá lớn lao, nhưng lại trở thành “hậu phương vững chắc” cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ.
Nhiều “hoa hồng xanh” đóng góp công sức vào “cuộc chiến” miền biên giới
Đó là câu chuyện của những nữ dân quân các xã, thị trấn biên giới – mà tôi ví họ như đóa hoa hồng xanh ở biên giới. Ở điều kiện bình thường, nữ dân quân thường được phân công nhiệm vụ văn thư, thống kê, báo cáo, hậu cần... tại Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây, để đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhiệm vụ của các nữ dân quân cũng thay đổi theo. Ở khu vực biên giới, mọi lực lượng tập trung làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, tội phạm buôn lậu… Do đặc thù về giới, họ không thể ngày đêm căng mình nơi chốt chặn như nam dân quân. Nhưng họ có thể đảm đương công việc hậu cần, chăm sóc bữa ăn, làm các nhiệm vụ không tên khác trong khả năng sức khỏe và thời gian của mình.
Tại xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên), một tiểu đội dân quân nữ được thành lập, hỗ trợ rất nhiều trong công tác hậu cần, xây dựng nông thôn mới, vận động quần chúng. Mùa dịch này, các chị em mỗi người một tay, cùng nấu cơm chiều cho 6 tổ chốt phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn xã. Khi chúng tôi đến nơi, tất cả đang tập trung lặt rau, rửa cá, chế biến thức ăn luôn tay luôn chân. Chị Lê Thị Kim Thoa (sinh năm 1985) được xem là nữ dân quân có thâm niên cao ở đơn vị, với 5 năm công tác. “Chúng tôi rủ nhau cùng tham gia nấu ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Hàng ngày, tất cả cùng nhau đi chợ, làm công việc chuyên môn xong thì bắt tay vào nấu nướng cho kịp giờ cơm. Chị em dân quân chúng tôi muốn mình trở thành chỗ dựa tinh thần cho các anh an tâm hoàn thành nhiệm vụ” – chị cười. Sau khi nấu ăn xong, các chị lại tranh thủ vận chuyển thức ăn ra tổ chốt. Thời tiết nắng mưa thất thường, đường ra chốt rất bất tiện, phải di chuyển từ xe máy sang vỏ lãi, rồi đi bộ một quãng dài. Thế nhưng, với các chị, vất vả cỡ nào cũng vẫn không bằng lực lượng “dãi nắng dầm sương”, trực 24/24 ngoài đồng suốt mấy tháng nay.
Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Nhơn Hưng Nguyễn Thanh Viên cho biết: “Nhơn Hưng là 1 trong 4 xã biên giới của huyện Tịnh Biên. Thời gian qua, địa phương xây dựng một tiểu đội dân quân nữ, biên chế trong lực lượng cơ động. Từ các mặt công tác thường xuyên đến đột xuất, các chị em luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, từng cá nhân thể hiện rất rõ vai trò của mình. Ban Chỉ huy Quân sự xã đảm nhận nhiệm vụ chuẩn bị các bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ ở tổ, chốt phòng chống dịch bệnh. Các nữ dân quân đã tham gia hỗ trợ nấu ăn, đem thức ăn ra tận chốt”. “Giặc” đến nhà, các chị em phụ nữ cũng xung phong ra trận, bằng cách riêng của mình…
Xã Vĩnh Gia tất bật chuẩn bị bữa ăn cho người dân khu cách ly tập trung
Đó là câu chuyện “mỗi người một tay” của tất cả đoàn thể, cán bộ địa phương. Vào giai đoạn cao điểm tiếp nhận người từ Campuchia về cách ly tập trung, các huyện, thị biên giới phải gánh rất nhiều áp lực. Ở xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, từng thành viên của xã tất bật đảm nhiệm hậu cần, phục vụ người được cách ly, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho người dân. “Chúng tôi đã củng cố 4 đội phản ứng nhanh của các ấp; vận động từng hộ dân tạm ngừng kinh doanh. Đặc biệt, phối hợp Đoàn thanh niên của xã đi tuyên truyền, phát tờ rơi, vận động người dân cách phòng chống dịch bệnh. Nhờ vậy, khi có người dân ở xa về, họ trình báo đến địa phương, chấp hành cách ly. Ngoài ra, một bộ phận dân quân tự vệ xã tham gia bảo vệ khu vực cách ly tập trung, hỗ trợ hậu cần. Tổ phục vụ nấu ăn khu vực cách ly luôn nhiệt tình, trực chiến 24/24, đúng giờ có thức ăn cho người dân” – Bà Hứa Thị Thanh Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Gia, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 xã, chia sẻ. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng nhiều lần, vì bà bận rộn điều phối công việc, phân công nhiệm vụ với các cá nhân khác trong xã. Mãi đến khi hoàn thành công việc gửi cơm trưa cho người dân trong khu cách ly, bà và mọi người mới yên lòng tạm nghỉ, ăn uống, kết thúc một buổi làm việc thời cao điểm phòng chống dịch bệnh...
Tương tự, ở TX. Tân Châu, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 xã, thông tin: “Chúng tôi quán triệt cho tất cả cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, hay hoang mang, dao động. Đồng thời, phát động trong cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các ấp, tổ tự quản dân cư và nhân dân tăng cường giám sát cộng đồng, thường xuyên báo cáo, rà soát nắm tình hình người lạ đến địa bàn, người địa phương về từ những nơi có dịch để kịp thời kiểm soát, quản lý. Vận động, tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng về phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc cài đặt ứng dụng Bluezone để phát hiện, truy vết nhanh người có khả năng bị lây nhiễm”.
Đó là câu chuyện của những người dân góp công, góp của, đồng hành với từng vất vả của cán bộ, chiến sĩ, như ông Đoàn Văn Hổ (Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Xương). Suốt từ đầu mùa dịch đến nay, ông cùng Ban Trị sự liên tục vận động quà, hỗ trợ cho các tổ chốt, là một “hậu phương vững chắc” cho lực lượng làm nhiệm vụ tuyến biên giới. Tính sơ sơ, Ban Trị sự vận động nguồn lực cất mới 2 chốt phòng, chống dịch (kinh phí trên 10 triệu đồng), tặng 100 thùng mì gói, 500kg gạo cho cán bộ, chiến sĩ.
Cái bắt tay thật chặt của ông Đoàn Văn Hổ…
… và ông Lư Văn Phước gửi đến cán bộ, chiến sĩ ở chốt
Nắm thật chặt tay của từng chiến sĩ, ông chia sẻ: “Nhìn thấy bộ đội không quản ngại nắng mưa, bám trụ trực chiến bảo vệ, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập qua biên giới, Ban Trị sự và bà con tín đồ PGHH trong xã sẵn sàng ủng hộ về vật chất, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên mọi người. Chúng tôi tâm niệm “nhà nhà là một pháo đài”, luôn đồng hành, chung tay góp sức cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh, bằng tất cả khả năng của mình”. Hay như lời nói chân chất, mộc mạc mà đầy quyết tâm của ông Lư Văn Phước (59 tuổi, ngụ cùng xã): “Gia đình tôi ở đây 4 đời, bám trụ mảnh đất quê hương làm vườn, làm rẫy. Sinh sống ở biên giới, ai cũng phải có trách nhiệm để ý quan sát, không để kẻ lạ mặt xâm nhập vào. Quê hương xứ sở của mình, mình không gìn giữ thì ai gìn giữ bây giờ?”.
Cảnh khuyển là một “lực lượng chiến đấu” đặc biệt trên biên giới Tây Nam
Đó còn là câu chuyện của 5 chú cảnh khuyển đang làm nhiệm vụ ở biên giới An Giang. Polat (7 tuổi), Putơn (8 tuổi) và Gassê (6 tuổi) là 3 chú chó thuộc biên chế của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) từ năm 2018. Hơn 1 tháng trước, Zota (2,5 tuổi) và Micpô (9 tuổi) được Cụm Cơ động chó nghiệp vụ 2 tại Tây Ninh (trực thuộc Trường Trung cấp 24 Biên phòng) tăng cường về cho tuyến biên giới An Giang, bổ sung cho các chốt dã chiến thuộc Đồn Biên phòng Phú Hữu (An Phú). Cả 5 chú chó trở thành lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, cùng cán bộ, chiến sĩ giữ chắc biên giới.
Tuần tra biên giới cùng cán bộ, chiến sĩ
Tình hình biên giới An Giang ổn định, chưa phát sinh tình huống đặc biệt cần sử dụng chó nghiệp vụ để trấn áp. Nhưng sự xuất hiện của các chú chó này cũng khiến đối tượng e ngại, hạn chế manh động, liều lĩnh. Đại úy Hà Thái Ngọc Châu, chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thông tin: “Các chú chó nghiệp vụ đồn quản lý đã phát huy trách nhiệm được giao, cùng cán bộ chiến sĩ tham gia mật phục, bắt giữ buôn lậu trên địa bàn. Ngoại hình “hung dữ”, được huấn luyện bài bản về nghiệp vụ chiến đấu, không thể dùng “tình cảm” thông thường để giao tiếp được, nên các chú chó được xem là cánh tay đắc lực trong phòng chống tội phạm, tuần tra kiểm soát, ngăn chặn người nhập biên trái phép, người trốn cách ly trong mùa dịch”. Cũng “vượt nắng, thắng mưa” như cán bộ, chiến sĩ, vừa phải “xa nhà”, vừa chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, vừa đề cao cảnh giác với bất kỳ động tĩnh khác lạ ở khu vực canh gác, 5 chú chó góp thêm một mảnh ghép đặc biệt trong toàn cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở biên giới Tây Nam.
Dung lượng bài viết không cho phép tôi kể thêm những câu chuyện ấm áp nghĩa tình, những đóng góp tích cực của mọi tầng lớp nhân dân đổ về cho biên giới. Như một lời căn dặn của Bác Hồ: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”, chống COVID-19 cũng là một “cuộc chiến đấu khổng lồ”, rất cần “dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Chúng ta đã, đang và sẽ làm được điều ấy, sớm thôi, khi đã gom góp đủ tin yêu của lực lượng vĩ đại ấy!
GIA KHÁNH (còn tiếp)