Những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch ở biên giới Tây Nam
“Cuộc chiến” này không có tiếng bom rơi đạn nổ, nhưng người tử vong trên thế giới mỗi ngày tăng cao. “Giặc” vô hình, nhưng lại cực kỳ nguy hiểm, khó đối phó. Điều đáng khích lệ là, khi được Quân khu 9 giao nhiệm vụ, cùng với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh An Giang, tất cả cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đều hoàn thành tốt chức trách của mình, thể hiện rõ tinh thần “đâu có giặc là ta cứ đi”, dù rất vất vả, khó khăn. Đến thời điểm này, An Giang vẫn giữ vững địa bàn, chưa có cas bệnh nào xuất hiện.
Đại tá Phạm Thành Nghĩa (thứ hai từ trái sang) kiểm tra cơ sở vật chất khu cách ly tập trung ở biên giới
Theo đại tá Phạm Thành Nghĩa, nhìn lại công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh nói chung, của lực lượng vũ trang nói riêng, chỉ trong một thời gian ngắn, các tình huống xảy ra liên tục, không thể tránh khỏi lúng túng ban đầu. Công việc hết sức mới mẻ, với hàng loạt tình huống phát sinh, không nằm trong dự kiến trước đó. Qua giai đoạn này, các cấp ngành, địa phương cùng đề xuất giải pháp thực hiện phù hợp, phản ứng nhanh nhạy hơn. Ban Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh tháo gỡ những vấn đề mang tính cấp bách: chuẩn bị điểm cách ly tập trung, phân loại người được cách ly, tận dụng mọi cơ sở vật chất có sẵn, mua sắm thêm để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người được cách ly; giải quyết vướng mắc trên tuyến biên giới... Mỗi vấn đề dù rất nhỏ, cũng được lưu tâm, xử lý ngay. Rất nhiều đêm, các thành viên trong Ban Chỉ đạo phải thức trắng, đi đến tận nơi tìm hiểu, giải quyết kịp thời vướng mắc, khó khăn; chú trọng tham mưu đúng, kịp thời cho tỉnh. Phải làm sao để tránh lãng phí tiền của, công sức một cách vô ích; phải thể hiện sự năng động, sáng tạo, quyết đoán của từng thành viên.
Chăm chút từng bữa ăn cho công dân trong khu cách ly
Trường Quân sự tỉnh (cũ) là đơn vị trong tỉnh đầu tiên tiếp nhận người cách ly mang tính quốc gia, với số lượng lớn công dân của nhiều nước (Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga…). Tấm lòng của người Việt đối với bạn bè quốc tế trong giai đoạn khó khăn, thể hiện trong từng chi tiết nhỏ: nghiên cứu văn hóa, phong tục tập quán (sinh hoạt, ăn uống...) của người nước ngoài để chu toàn. Bất đồng ngôn ngữ, các bên vẫn giao tiếp với nhau thật vui bằng cử chỉ tay, nụ cười, giọt nước mắt... Sau khi hoàn thành đợt cách ly, công dân trở về nước, nhưng những tình cảm trân quý dành cho bộ đội Việt Nam còn đọng lại, khó có thể phai nhòa.
Sau tất cả, đọng lại là tình cảm quân dân nồng ấm
“Cả xã hội trân trọng ghi nhớ, biết ơn các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Các anh chị đã là những tấm gương tuyệt đẹp của sự cống hiến, của tinh thần xả thân quên mình, nỗ lực hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Những hình ảnh, những câu chuyện về các anh chị lan tỏa, lay động triệu triệu con tim Việt Nam, là niềm vinh dự, tự hào của cả xã hội, góp phần tạo một Ấn tượng Việt Nam mạnh mẽ, và một niềm tin sẽ chiến thắng dịch bệnh” - Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ đã phát biểu như thế, trong chương trình lễ tri ân “Tuyến đầu chống dịch COVID-19” khu vực phía Nam ngày 24-10.
Trong 130 cá nhân và 16 tập thể được vinh danh tại chương trình, An Giang có 7 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên tiêu biểu: thượng úy Nguyễn Thế Huỳnh (Trợ lý công tác quần chúng), trung úy Lê Anh Tú (Trợ lý tuyên huấn), đại úy Nguyễn Hữu Hàn (Chính trị viên phó kiêm Bí thư Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Long Bình), trung úy Phạm Quang Tiến (tổ trưởng Tổ kiểm soát số 9, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Long Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh); đại úy Lê Hồng Giang (nguyên Trợ lý thanh niên), thiếu tá Lê Thành Duy (nguyên Chính trị viên phó kiêm Bí thư Đoàn cơ sở Tiểu đoàn BB511, Trung đoàn BB892, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang); bạn Kiều Văn Dãy (Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Phú Hội, huyện An Phú).
Huỳnh Quốc Huy là người truyền lửa nhiệt huyết cho cán bộ, chiến sĩ xung quanh
Bên cạnh đó, có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, xung kích trên mặt trận chống giặc COVID-19 ở biên giới Tây Nam, mà tôi được tiếp xúc trong nhiều tháng qua. Họ có thể đã được khen thưởng, có thể chưa, nhưng bản thân họ trở thành tấm gương sáng, là người truyền lửa nhiệt huyết cho cơ quan, đơn vị, cho mọi người xung quanh. Thượng úy Huỳnh Quốc Huy (Phó Trạm trưởng Trạm kiểm soát cửa khẩu, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình) tâm đắc nhất câu nói: “Hãy làm tốt nhất từ những điều nhỏ nhất”, trở thành phương châm công tác của anh. Từ đầu năm đến nay, anh cùng Chỉ huy trạm đã chỉ huy các bộ phận thuộc quyền làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với 65.611 lượt người, 16.244 lượt phương tiện và 796.744 tấn hàng hóa qua lại cửa khẩu. Anh trực tiếp mật phục, phát hiện, đánh bắt và tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị xử lý có hiệu quả 12 vụ án, liên quan 16 đương sự, như: vụ án vận chuyển trái phép 20.000 USD từ Campuchia về Việt Nam; vụ án vận chuyển gần 40kg ma túy Methamphetamine; triệt phá đường dây tổ chức, đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép… Anh được nhiều Bằng khen các cấp, ngành, nhưng vẫn rất khiêm tốn. “Công việc của tôi khá nhạy cảm, nguy hiểm. Tôi đã xác định tinh thần kể từ khi bước vào đời lính, là phải chấp nhận tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cứ bình tĩnh mà sống, suy nghĩ cách thực hiện công việc, làm từng bước, làm tốt những điều nhỏ nhất. Mỗi người làm một việc nhỏ, dần dần sẽ tạo thành sức mạnh lớn của toàn dân tộc” – Huy bày tỏ.
Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương kiểm tra lều chốt của cán bộ, chiến sĩ
Một lần, đoàn công tác Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng do thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh thường trực phía Nam dẫn đầu, đã đến thăm hỏi, tặng quà và khen thưởng cho 40 chốt thuộc các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh An Giang. Tận mắt nhìn thấy lều chốt, cách thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương chia sẻ các khó khăn, vất vả của lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới An Giang, ghi nhận những đóng góp tích cực của lực lượng Biên phòng, Công an, Quân sự trong nhiều ngày qua, tạo “lá chắn” vững chắc trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chống buôn lậu. An Giang được đánh giá là địa phương sáng tạo trong gia cố lều bạt; được các cấp, ngành, người dân quan tâm hỗ trợ đèn chiếu sáng, cột thu lôi, khung cột, nhu yếu phẩm… Những điều ấy “tích tiểu thành đại”, xây đắp biên cương ngày càng vững chắc.
Dịch bệnh COVID-19 gây ra rất nhiều đau thương, vất vả, tốn kém cho cả thế giới. Nhưng ở Việt Nam, sau “cuộc chiến” này, hình tượng của người lính cụ Hồ trong thời bình, thông điệp về “văn hóa quân sự”... được lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, từ trái tim chạm đến trái tim! “Về đây ở, thương mấy chú bộ đội quá hà, cực khổ với chúng tôi suốt. Tôi mà có con gái chưa chồng, tôi đem gả cho bộ đội liền!” – bà Nguyễn Thị Kiều (Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) diễn tả tình cảm của mình đối với các cán bộ, chiến sĩ tại khu cách ly bằng cách nói dí dỏm như thế.
Quân nhân tuyến biên giới không ngừng thực hiện “nhiệm vụ kép”, chống dịch, chống buôn lậu xâm nhập
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội nhiệm kỳ 2020-2025: “Trước các diễn biến phức tạp của tình hình, Quân đội luôn vững vàng, kiên định, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo đảm môi trường “trong ấm, ngoài êm” cho đất nước. Đây là bài học rất quý, cần gìn giữ, phát huy tốt hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, trong những nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua cũng như hiện nay, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng là Quân đội của nhân dân, Quân đội trong lòng dân”.
Hành trình vạn dặm trên tuyến biên giới Tây Nam sẽ chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong toàn cảnh chống COVID-19 của Việt Nam. Nhưng tôi tin rằng, mọi điều tốt đẹp nhất trên đời này, đều bắt nguồn từ những mảnh ghép nhỏ như thế!
Bài, ảnh: GIA KHÁNH