Những bước chân vạn dặm trên biên giới Tây Nam - Kỳ 3: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”

26/10/2020 - 10:00

 - Trong đội ngũ làm nhiệm vụ, biết bao người lính đã gác lại tình riêng, chấp nhận vất vả, nhường lại mọi điều tốt đẹp nhất cho nhân dân. Họ tạm xa gia đình, tạm hoãn đám cưới, người thân đau ốm cũng chỉ thăm hỏi qua điện thoại. Họ muốn được ôm đứa con bé bỏng mới sinh vào lòng, muốn có giấc ngủ thật ngon sau chuỗi ngày tuần tra biên giới 24/24 giờ... Nhưng, họ hiểu rất rõ, lúc này Tổ quốc đang cần họ, phải giữ vững một trong những lời thề của quân nhân: “…dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Trung úy Huỳnh Phương Em đang khám bệnh cho một công dân trong khu cách ly

Trường Quân sự tỉnh An Giang (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn) từ trước khi giải thể bắt đầu nhận nhiệm vụ trở thành khu cách ly tập trung đầu tiên của tỉnh, cũng là nơi có đông người được cách ly trong mỗi đợt. Tổng cộng có 6 đợt cách ly được tổ chức trong suốt 8 tháng qua, thì trung úy Huỳnh Phương Em (bác sĩ Quân y) đã đảm nhận công tác trong 5 đợt. Mỗi đợt như thế, anh lại tạm biệt gia đình, rời nhà suốt nửa tháng. Kể từ khi tiếp nhận công dân từ nước ngoài về đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, hầu như anh không được ngơi tay phút giây nào. Anh vừa hoàn thành các thủ tục tiếp nhận, lập danh sách, rà soát mọi vấn đề liên quan đến y tế; vừa tổ chức tiếp nhận, đo thân nhiệt, hướng dẫn họ tự chăm sóc sức khỏe trong 14 ngày cách ly tập trung; thăm khám những trường hợp có bệnh nền, có biểu hiện bất ổn, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… Vừa là quân nhân, vừa là bác sĩ, dù mệt đến mấy, anh vẫn truyền năng lượng tích cực cho mọi người, cũng là cách giúp mình quên đi nỗi nhớ nhà.

Đặc biệt hơn cả vẫn là câu chuyện của đại úy Lê Bình Sơn (Trợ lý Ban Phòng không, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang). Anh tham gia công tác đủ 6 đợt cách ly tại Trường Quân sự tỉnh, tức là xa nhà liên tục kể từ lúc COVID-19 hoành hành. Đợt tiếp nhận cách ly đầu tiên vào tháng 3, mọi khâu chuẩn bị, sắp xếp đều rất lúng túng, vì mọi người chưa hình dung hết công việc phải làm. Ngay thời điểm đó, anh đang giữ chức vụ Trưởng ban Hậu cần – Kỹ thuật của trường. Vợ sắp sinh đứa con thứ hai, nên anh được cho nghỉ phép 1 tuần. Tuy nhiên, khi vợ anh – chị Lê Thị Cẩm Linh – mới sinh 3 ngày, vẫn đang còn nằm bệnh viện, thì anh được thông tin: trường chuẩn bị tiếp nhận 233 người từ Hàn Quốc về cách ly tập trung. Cân nhắc thật nhiều, cuối cùng anh quyết định trở lại trường.

Nhà anh cách xa trường mấy chục km, cách trở đò giang. Ngoài người mẹ già yếu, mọi gánh vác trong ngoài dồn lên vai chị Cẩm Linh. Hai đứa trẻ vắng cha, người vợ ở cữ vắng chồng. “Thời điểm này, cả đơn vị tôi đang khẩn trương tiếp nhận đợt cách ly tập trung đầu tiên của tỉnh, áp lực rất nặng nề. Đây là việc lớn của đơn vị, của cả đất nước chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19, nên tôi phải có trách nhiệm sát cánh cùng đồng đội. Suốt thời gian tổ chức cách ly, tôi ở lại trường vừa để đảm bảo an toàn cho người nhà, vừa tập trung công tác ở mức cao nhất. Ba mẹ con, đành nhờ bên nội, bên ngoại chăm sóc tiếp, khi tôi không thể bên cạnh họ” – anh Sơn bày tỏ.

Lễ “đầy tháng” ấm cúng của bé Gia Minh

Mãi đến đầu tháng 5, bé Lê Gia Minh mới được cha mẹ tổ chức lễ cúng đầy tháng, khi đã tròn 2 tháng tuổi. Chị Cẩm Linh chia sẻ: “Cả hai lần tôi sinh, anh Sơn đều bận đi học, công tác. Nhiều lúc, tôi thấy tủi thân, vì thiếu người chia sẻ việc nhà, con cái. Nhưng đó chỉ là cảm xúc thoáng qua, bởi tôi xác định: làm vợ bộ đội thì phải biết hy sinh, trở thành hậu phương vững chắc của chồng, để anh yên tâm cống hiến cho đất nước, cho quân đội”. Khi tôi viết những dòng này, bé Gia Minh đã có thể ngồi, có thể bò khắp nhà, đã quen dần với người cha thường xuyên vắng nhà. Bé gặp cha nhiều nhất qua màn hình điện thoại. Nhưng tôi tin, sau này khi lớn lên, bé sẽ tự hào rằng chính mình cũng “biết sống xa nhau” từ khi mới ra đời, hy sinh vòng tay của cha khi “Tổ quốc cần”.

Cán bộ, chiến sĩ bám trụ nơi chốt phòng chống dịch

Không than vãn, không nói quá nhiều về chính mình, từng người lính tôi gặp vẫn luôn giữ nụ cười trên môi, sự lạc quan từ suy nghĩ đến lời nói. Họ tìm thấy niềm vui nhỏ bé trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để vững lòng vào một ngày gần nhất “hết dịch để được trở về nhà”. Chiến sĩ Huỳnh Văn Xuyên (21 tuổi) được phân công tham gia chốt phòng, chống dịch COVID-19 số 9 (Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên). Ăn vội gói mì trong thời tiết mưa bão, Xuyên vẫn nở nụ cười thật tươi: “Điều kiện ăn uống, sinh hoạt khó khăn một chút, nhưng các anh em trong tổ vẫn đảm bảo canh gác, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn biên giới, mong kết thúc dịch bệnh để sớm trở về cuộc sống bình thường”.

Một chốt biên giới giữa đồng nước nổi

Đại úy Nguyễn Văn Huy, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Hữu xa quê miền Trung, thường sáng tác thơ cảm động về gia đình, quê hương xứ sở, nhất là khi miền Trung đang oằn mình trong hàng loạt cơn bão dữ. Nhưng sau những vần thơ là một ý chí kiên định của một quân nhân miền biên giới: “Biên giới mùa này bát ngát hoa/ Tuần tra anh bước nơi xứ xa/ Mắt ai nhoè lệ miền Trung hỡi.../ Bão lũ cuốn trôi hết cửa nhà/ Mưa nữa làm chi, bão làm chi/ Mần răng khắc phục mần răng đi/ Ai về mô rứa? Cho tôi gửi/ Một miếng cơm ăn lúc hiểm nguy…/ Hà Tĩnh mình thương, mình vẫn thương/ An Giang gửi tặng một chút lương/ Rách lành đùm bọc trong gian khổ/ Con Lạc, cháu Hồng tỏa ánh dương”. Giờ đây, biên giới Tây Nam đã là quê hương trong lòng anh, chỉ mong ánh dương sớm tỏa sau chuỗi ngày mây mù!

“Biết sống xa nhau” còn là câu chuyện của những người xa xứ về đến Việt Nam, phải trải qua thời gian cách ly tập trung tại một địa điểm nào đó theo sắp xếp của lực lượng chức năng. Được trở về quê hương là một hạnh phúc vô cùng lớn lao với họ, chỉ cần đặt chân đến Việt Nam đã đủ an lòng. Họ về với gia đình trễ thêm nửa tháng, nhưng là nửa tháng an toàn, nửa tháng trách nhiệm với cộng đồng, như cách nói của ông Huỳnh Văn Phú (ngụ huyện Tân Hiệp, Kiên Giang): “Bước xuống sân bay, tôi mừng muốn khóc. Dù gì cũng đã về đến Việt Nam, chịu khó về nhà trễ một chút để xác định mình không đem bệnh lây cho mọi người. Gặp chuyện rồi mới thấy, hổng ở đâu yên ổn bằng đất nước mình!”.
Nhiệt tình phòng chống dịch bệnh theo cách của ông Salayman (đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, ngụ xã Vĩnh Hanh, Châu Thành) thật hiếm có. Tay nghề thợ nấu của ông xưa nay được bà con trong làng khen ngợi. Ngoài ra, thu nhập chính của gia đình ông đến từ việc ông làm thuê làm mướn mỗi ngày. Vợ ông bệnh, gần đến thời điểm đi điều trị thì phải ngừng do cao điểm dịch bệnh. Ngay lúc này, nhiều người dân trong làng đi làm ăn xa ở Campuchia về, phải đi cách ly tập trung tại Trường Quân sự, cách làng của họ khoảng 70km. Ngày đầu tiếp nhận, cán bộ chiến sĩ không biết cách nấu ăn theo phong tục đặc thù của đồng bào Chăm, nên bà con ăn rất ít.

Ông Salayman (đội nón) sẵn sàng xa gia đình để giúp đỡ cộng đồng

Nghe Ban giáo cả vận động, ông Salayman đồng ý giúp đỡ ngay. “Vợ tôi nghe nói “khu cách ly”, sợ nguy hiểm nên không muốn tôi đi. Tôi lén lấy trang phục cầu nguyện bỏ vào bọc ny-lon, rồi chạy xe thẳng đến Trường Quân sự, ở cho đến hết đợt cách ly. Mỗi ngày, tôi xuống bếp nấu cơm cho bà con, nêm nếm theo khẩu vị của họ, thay đổi thực đơn theo ý kiến đa số. Nhờ vậy, họ ăn uống rất thoải mái, mà cán bộ ở khu cách ly cũng yên lòng. Nghỉ làm nhiều ngày, mất thu nhập, phải động viên người nhà thông cảm…, là những khó khăn tôi gặp phải. Nhưng tôi rất vui vì mình có thể giúp đỡ cho cộng đồng, cho bộ đội trong giai đoạn này” – mặc trên mình bộ quân phục do các chiến sĩ cho mượn, ông vừa nấu ăn, vừa tâm sự. Vì nghĩa cử này, bà con làng xóm quý mến ông nhiều hơn nữa, bởi mấy ai có thể làm được điều đó, khi đặt mình vào hoàn cảnh của ông?

Một phụ nữ hạnh phúc khoe với gia đình bó hoa được tặng ngày 8-3 khi đang cách ly 

Tôi nhớ, đợt cách ly đầu tiên ở An Giang rơi vào dịp 8-3. Sáng hôm ấy, đại tá Phạm Thành Nghĩa (Phó Chỉ huy trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) vào trường thật sớm, chỉ đạo Tổ cách ly đi mua hoa, chuẩn bị quà (bánh, sữa) cho chị em phụ nữ, còn bản thân mình thì ngồi viết tay lá thư chúc mừng. Lá thư được đánh máy lại, trang trí đẹp mắt, gửi kèm theo hoa: “…Đừng lo lắng, có chúng tôi luôn luôn bên cạnh vào những lúc khó khăn nhất. Với bản lĩnh và truyền thống của phụ nữ Việt Nam, vì cộng đồng, vì dân tộc, vì chính bản thân và gia đình mình, chúng tôi rất mong và tin tưởng rằng các mẹ, các chị... sẽ vượt qua tất cả! Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng và cố gắng để đem đến cho các mẹ, các chị, các cháu sự an tâm và những điều tốt đẹp nhất. Đó còn là đạo đức, là bản chất của Đảng ta, của hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ””. Giữa những ngày tháng xa gia đình, xa người thân quen, quân và dân đã dựa vào nhau như thế đó, đã trở thành đại gia đình của nhau một cách tình cảm, nhân văn như thế đó!

GIA KHÁNH (còn tiếp)