Những bước chân vạn dặm trên biên giới Tây Nam - Kỳ 1: Ngàn cặp mắt ở biên cương

24/10/2020 - 10:00

 - Gần 300 ngày, cán bộ chiến sĩ ở mọi miền đất nước tham gia cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù vô hình. Ở khu vực biên giới Tây Nam, An Giang gồng mình chống dịch COVID-19, với gần 100km đường biên giáp Vương quốc Campuchia. Loạt phóng sự này như nhật ký của tác giả về “cuộc chiến” ở vùng biên trọng điểm của Tổ quốc, gom góp những câu chuyện tuyệt đẹp về người lính thời bình. Người viết tin rằng, phẩm chất “vì nhân dân phục vụ”, thông điệp “văn hóa quân sự” của Bộ đội Cụ Hồ đã thể hiện rõ nét trong từng ý chí và hành động, càng vun đắp thêm sự tin yêu của nhân dân với Đảng, với Tổ quốc, với Quân đội.

Ra đời vào thời điểm đầy gian khó của cách mạng Việt Nam, trong cuộc đấu tranh sống còn của dân tộc chống ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân - phong kiến, Quân đội ta đã được Đảng và Bác Hồ thành lập, tổ chức, giáo dục, rèn luyện. Từ 34 cán bộ, chiến sĩ, trang bị vũ khí thô sơ của ngày đầu thành lập, Quân đội ta đã không ngừng phát triển, trưởng thành, lập nên những chiến công chói lọi. Cán bộ, chiến sĩ đã hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, sẵn sàng “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” trong cuộc chiến đấu gian khổ chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai...

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam năm 1979 là 1 trong 23 cuộc chiến lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, chính nghĩa và tất thắng. Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc: Giữ vững biên cương và chủ quyền quốc gia lãnh thổ, bảo vệ vững chắc đất đai và cuộc sống hòa bình cho nhân dân vùng biên giới Tây Nam, lập lại sự ổn định và trật tự vùng biên giới. Đồng thời cũng cứu thoát nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, mở ra quá trình giúp bạn làm lại cuộc cách mạng, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc và phát triển đất nước Campuchia. Hơn 40 năm hòa bình trôi qua, quân và dân các tỉnh biên giới Tây Nam nói chung, An Giang nói riêng đang tập trung phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng – an ninh.

Nhưng rồi, cùng với cả nước, biên giới Tây Nam bắt đầu một “cuộc chiến” mới. Đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, làm đảo lộn toàn bộ nếp sinh hoạt, làm việc của tất cả mọi người. Biên giới An Giang dài gần 100 km, có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính, 1 cửa khẩu phụ, với địa hình đồng bằng, nhiều đường mòn, hệ thống sông, kênh, rạch rất thuận lợi cho việc qua lại hai bên biên giới. Điều kiện địa hình vì thế cũng gây khó khăn cho công tác chốt chặn, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, nhất là công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tuần tra biên giới ban đêm ở TP. Châu Đốc

Nhưng khó đến đâu cũng phải làm, vì đó là nhiệm vụ Tổ quốc giao, nhân dân trông cậy. Tháng 3, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, dân quân tự vệ, công an cấp xã… được phân công nhiệm vụ, ngay lập tức nhận mệnh lệnh, một lòng hướng về biên cương. Suốt nhiều ngày đêm, họ “nếm mật nằm gai”, đi qua mùa nắng nóng đổ lửa, đi qua những cơn mưa giông điên cuồng, gói nỗi nhớ nhà vào một góc trong tim. Hàng trăm chốt gác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được thành lập, tạo thành rào chắn vững chãi ở biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ tự trồng rau cải thiện bữa ăn ở chốt

Thiếu tá Trương Quốc Hưng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, chia sẻ: “Khó đến đâu, chúng tôi khắc phục đến đó. Đường lầy lội thì chịu khó xắn quần đi từng bước. Nước ngập cao thì đi lại bằng phương tiện thủy. Ban ngày, các sinh hoạt đều thực hiện lệch giờ với nhau. Ban đêm, người này thức gác, để cho đồng đội ngủ. Chúng tôi quyết tâm không để mất cảnh giác, để hở “trận địa” giây phút nào”.

Một chốt gác ở huyện Tịnh Biên

Lúc đầu, các chốt chỉ được dựng lên bằng lều bạt đơn sơ, phủ thêm lá cây cho gió đừng thổi tốc. Thời tiết khắc nghiệt giữa “đồng không mông quạnh” khiến lớp bạt rách liên tục. Cán bộ, chiến sĩ vừa canh gác xung quanh, vừa canh chừng thời tiết để có giải pháp xử lý kịp thời. Mỗi tổ chốt đều rất đặc biệt, chất chứa những câu chuyện đặc biệt về người lính trong thời bình. “Chốt chim” là chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 số 6 (Đồn Biên phòng Vĩnh Gia, Tri Tôn), với hàng ngàn chú chim sẻ, chim sáo khắp nơi đổ về. Gần đó là “chốt chuột” (chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 số 7), khi cán bộ, chiến sĩ vừa canh gác biên giới, vừa giúp dân bẫy chuột ven đồng lúa. Nhiều chốt ở Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc), cán bộ, chiến sĩ đem theo chú chó nhỏ làm bầu bạn. Có chốt nằm giữa rẫy ớt, rẫy bắp, vườn xoài… của người dân. Dân thương, dân quý bộ đội, đợt hái nào cũng đều gửi lại một ít cho chốt gác “ăn lấy thảo”.

Treo cờ trên nóc “chốt gác du thuyền” ở huyện An Phú

Một số nơi, người dân sẵn lòng hỗ trợ, giao lều trại, đất đai của mình cho bộ đội đóng chốt. Khi biên giới đóng cửa, chủ bến khách ngang sông chuyển sang sinh sống bằng nghề khác. Họ gửi chiếc trẹt nhỏ cho cán bộ, chiến sĩ trưng dụng. Chỉ riêng huyện đầu nguồn An Phú mới có kiểu chốt phòng, chống dịch đặc biệt này – mà anh em chiến sĩ gọi vui là “chốt gác du thuyền”. “Gần cả năm trời, cán bộ, chiến sĩ cứ bập bềnh trên sông, canh giữ biên giới đường thủy cách đó 100-200m. Muốn lên bờ, phải di chuyển bằng vỏ lãi. Màn đêm buông xuống, mắt “quáng gà” thì phải lắng tai nghe tiếng phương tiện di chuyển xung quanh” – thiếu tá Đào Văn Phong, Chốt trưởng Chốt phòng, chống dịch số 3 (Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình) kể lại.

Tuần tra khép kín trên sông Hậu

Người dân chung tay cùng bộ đội xây dựng chốt vượt lũ

Bước vào tháng 7 âm lịch, nước bắt đầu dâng cao, báo hiệu mùa nước nổi quen thuộc lại về ở ĐBSCL. Vì vậy, tất cả tổ chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn tuyến biên giới An Giang được đồng loạt xây dựng kiên cố theo mô hình nhà sàn vượt lũ. Các chốt gác dã chiến ở biên giới ngày nào giờ cũng thay đổi dần: kiên cố hơn, chắc chắn hơn, phục vụ cho “cuộc chiến” lâu dài. Theo chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, các chốt được xây dựng đồng loạt theo mô hình chung, diện tích khoảng 20m2, kết cấu khung gỗ tràm, vách và mái tole, tổng kinh phí khoảng 30 triệu đồng. Trong đó, có sự đóng góp ngày công của rất nhiều người dân địa phương.

Phát tờ rơi, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch

Khi hình thành, các chốt gác có nhiệm vụ trọng yếu là ngăn chặn người nhập cảnh trái phép ở biên giới, trốn cách ly tập trung. Rất nhiều vụ vi phạm đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng “vỡ trận”. Điển hình như: lúc 6 giờ 30 phút ngày 31-7, Tổ công tác của Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế (thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) phát hiện 7 hộ gia đình (41 người, trong đó có 21 trẻ em), đi trên 8 thuyền máy từ hướng Campuchia về Việt Nam. Qua lấy lời khai, được biết các hộ gia đình sống tại tỉnh Siem Reap và tỉnh Pur Sát (Campuchia). Do hoàn cảnh sống khó khăn nên họ có ý định trốn về Việt Nam sinh sống tại tỉnh Đồng Tháp và Tây Ninh. Tất cả đều không có giấy tờ hợp pháp. Các chủ hộ bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xuất, nhập cảnh trái phép (bằng hình thức cảnh cáo), cho làm cam kết không tái phạm, được vận động quay trở lại Campuchia tiếp tục làm ăn, sinh sống, được tặng mì gói, nước suối, nhiên liệu trước khi trở về.

Gần đây nhất, vào 6 giờ 30 phút ngày 24-10, Tổ công tác Trạm Cửa khẩu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chống người xuất nhập cảnh trái phép tại đường sông Tiền (ấp 5, xã Vĩnh Xương) tiếp tục phát hiện 2 vỏ lãi chạy từ hướng Campuchia qua biên giới về Việt Nam. Tổ công tác ra tín hiệu dừng lại để kiểm tra giấy tờ người, phương tiện. Qua đó, đưa 16 người cùng phương tiện về Trạm cửa khẩu để điều tra, làm rõ. Đơn vị đã tiến hành kiểm tra người, đối chiếu giấy tờ tùy thân; lập biên bản làm việc với các chủ hộ; lập danh sách hộ dân; thông báo cho chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền, vận động chủ hộ trở về Campuchia sinh sống; thông báo cho lực lượng chức năng nước bạn. Đồng thời, hỗ trợ một số nhu yếu phẩm (10 thùng mì, nước suối, 20 lít xăng) cho các hộ.          Đây là những hộ Việt kiều có quê quán, nơi ở Campuchia lâu năm, chủ yếu sống nhờ nghề chài lưới cá dọc Biển Hồ. Khi được yêu cầu lên bờ sinh sống, họ không có đất đai, nhà cửa, nên tìm cách vượt biên để về Việt Nam.

Chiếc vỏ lãi đặt ngang cống, khóa chặt đường vào nội địa

 Ở biên giới, các lực lượng chức năng phải nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”. Ngoài việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, họ còn đấu tranh với tội phạm buôn lậu. “Cuộc chiến 2 trong 1” này tạo áp lực rất nặng nề lên đôi vai của từng cá nhân và tập thể. Thượng tá Bùi Văn Cường, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên cho biết, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ chính trị được đặt lên hàng đầu, với các biện pháp quyết liệt, đồng bộ, chủ động. Cán bộ, chiến sĩ thường xuyên đi tuần tra, quan sát mọi động tĩnh trên biên giới cả ngày lẫn đêm. Chốt phòng, chống dịch Covid-19 số 5 được đặt ngay cống Cây Dương (khóm Xuân Hòa, TT. Tịnh Biên). Để tránh đối tượng buôn lậu tuồn hàng qua biên giới, một chiếc vỏ lãi được đặt ngang cống, khóa chặt đường đi vào nội địa.

Hàng loạt vụ buôn lậu được phát hiện, bắt giữ

Sự nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, chiến sĩ chốt gác biên giới đã góp phần đáng kể vào thành tích chống buôn lậu chung của toàn tỉnh. Theo UBND tỉnh An Giang, đến tháng 9-2020, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 1.763 vụ, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu (tăng 30% so cùng kỳ), với tổng trị giá hàng hóa bắt giữ 44,6 tỷ đồng; tổng số tiền thu được từ công tác xử lý và nộp ngân sách 15,82 tỷ đồng, tăng 47,5% so cùng kỳ. Ngàn cặp mắt ở biên cương chỉ dõi theo một điều duy nhất: bình yên cho quê hương, đất nước…

GIA KHÁNH (còn tiếp)