“Sức khỏe của người dân là niềm vui của tôi”
“Hơn 12 năm trong nghề, lời thề Hippocrates trước khi vào nghề vẫn mãi ghi nhớ, như ngọn lửa soi sáng, định hướng cho tôi vững vàng vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với tôi, được chăm sóc sức khỏe, dự phòng bệnh tật cho người dân là niềm vui. Vất vả đến đâu, mỗi khi thấy người bệnh khỏe lại sau thời gian vật lộn với bệnh tật, hay nhìn lại tình hình dịch bệnh tại địa phương được kiểm soát… tôi rất vui vì mình đã cống hiến được một phần cho xã hội ngày một tốt hơn”. Đó là chia sẻ của bác sĩ Lâm Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (Trung tâm Y tế huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).
Dù công việc rất bận rộn (khoa chưa có Trưởng khoa), chị Xuân đảm nhận chức vụ phó khoa vẫn nỗ lực sắp xếp công việc để tham gia tích cực các hoạt động đoàn thể cũng như cộng đồng. Trong đó, đi đầu là thể hiện ý thức và nêu gương mọi mặt công tác ở đơn vị; sâu sát, gần gũi và tận tâm hướng dẫn đồng nghiệp để cùng nâng cao hiệu quả công việc. Chị Xuân còn tham gia và vận động cán bộ, đảng viên, viên chức thực hiện nghiêm túc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần cùng Đảng ủy, ban giám đốc xây dựng tổ chức Đảng, đơn vị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Với nhiệm vụ quản lý hoạt động các chương trình mục tiêu quốc gia, như: Phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng, sốt rét, lao… chị Xuân được đánh giá là người có trách nhiệm trong công việc. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm qua, chị Xuân được Sở Y tế, UBND tỉnh khen thưởng các danh hiệu: Chiến sĩ thi đua cơ sở (năm 2015), thành tích xuất sắc trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 (năm 2021, 2022)…
Phấn đấu nâng cao chất lượng điều trị
Bác sĩ Huỳnh Văn Su (công tác tại Trung tâm Y tế huyện Tịnh Biên) là một trong những cá nhân điển hình ở huyện miền núi, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhìn lại hành trình gần 20 năm gắn bó ngành y, anh Su cho biết, tự hào về những nỗ lực đã cống hiến cho quê hương, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Lửa yêu nghề của anh ngày một mãnh liệt, chỉ tâm niệm phấn đấu làm ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Với vai trò Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, anh Su hòa mình với tập thể nhân viên, đoàn kết gắn bó, nỗ lực phấn đấu để tập thể ngày một phát triển. Thời gian qua, anh phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, đưa những ứng dụng mới vào áp dụng trên lâm sàng, cập nhật những kiến thức mới để xây dựng phác đồ điều trị cho đơn vị. Ghi dấu cụ thể, anh Su cùng tập thể thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, các đề tài tập trung điều trị những bệnh liên quan đến lao phổi, bệnh nhân HIV/AIDS.
Từ năm 2008 đến nay, anh Su đồng thời được ban giám đốc phân công phụ trách hỗ trợ chuyên môn cho phòng khám ngoại trú HIV/AIDS. Kết quả, đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân HIV/AIDS và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Cùng với đó, sự tận tâm của một lương y nơi anh đã giúp các bệnh nhân hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Vị trí nào cũng cần hết lòng vì người bệnh
Công việc thường ngày của bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn (Khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Phú Tân) là theo dõi các điều dưỡng để hỗ trợ, đôn đốc chăm sóc người bệnh. Anh Tuấn và trưởng khoa định kỳ ghé thăm các buồng bệnh để xem tình trạng biến chuyển của bệnh nhân vào ban đêm. Không chỉ về mặt sức khỏe, anh còn lắng nghe phản hồi của bệnh nhân, thân nhân về cách phục vụ của điều dưỡng để có những điều chỉnh kịp thời.
Công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phú Tân, anh Tuấn luân phiên nhiệm vụ qua nhiều khoa. Riêng tại Khoa cấp cứu, anh gắn bó đến nay đã 3 năm. “Ở vị trí nào cũng cần hết lòng vì người bệnh. Thấy người bệnh khó chịu thì an ủi, động viên. Đến việc uống thuốc cũng cần giải thích rõ ràng và cẩn thận để người bệnh hợp tác tốt trong quá trình điều trị. Từ đầu, tôi đã chọn theo ngành điều dưỡng, được đào tạo và hiểu rõ những đòi hỏi phải có trong công việc. Do vậy, trong quá trình điều trị bệnh, phải đặt bệnh nhân lên hàng đầu. Thậm chí, quan tâm tỉ mỉ đến từng miếng ăn, thức uống, giúp bệnh nhân dần trở nên vui vẻ, thoải mái cho đến ngày khỏi bệnh” - anh Tuấn tâm sự.
Đặc thù trong nhiệm vụ của điều dưỡng có rất nhiều việc. Từ khi bệnh nhân bước vào đầu khoa, đến thu thập dữ liệu người bệnh, chuẩn bị máy móc phục vụ sau khám... Đó là những bước trình tự đặc thù, đòi hỏi điều dưỡng thành thạo mọi thao tác hồi sức cấp cứu. Nhiều trường hợp, bệnh nhân đang trong tâm lý khó chịu, điều dưỡng phải là người tinh tế nhận ra tình trạng, chỉ hỏi sơ lược và ưu tiên cải thiện sức khỏe trước khi hỏi khai thác sâu để báo lại với bác sĩ điều trị. Mỗi trường hợp, tùy tình hình mà uyển chuyển xử lý, người bệnh phải là trên hết để cấp cứu qua cơn nguy kịch lúc nào hay lúc ấy.
MỸ HẠNH