Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 10/2022

28/09/2022 - 18:40

Trong tháng 10/2022, những chính sách về kinh tế có hiệu lực như điều chỉnh giá dịch vụ đăng kiểm ôtô; giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực hàng hải...


Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong tháng 10/2022, những chính sách về kinh tế có hiệu lực như điều chỉnh giá dịch vụ đăng kiểm ôtô; giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực hàng hải; Bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng.

Bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 50/2022/TT-BTC ngày 11/8/2022 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và Nghị định số 20/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 119/2015/NĐ-CP.

Thông tư 50/2022/TT-BTC quy định rõ về bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng. Theo đó, đối tượng bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng là công trình, hạng mục công trình quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 119/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và khoản 2 Điều 1 Nghị định số 20/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP.

Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng theo quy định trên là giá trị đầy đủ của công trình khi hoàn thành, bao gồm toàn bộ vật liệu, chi phí nhân công, thiết bị lắp đặt vào công trình, cước phí vận chuyển, các loại thuế, phí khác và các hạng mục khác do chủ đầu tư hoặc nhà thầu cung cấp.

Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với công trình trong thời gian xây dựng không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng, kể cả giá trị điều chỉnh, bổ sung (nếu có).

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 01/10/2022.

Từ 8/10, điều chỉnh giá dịch vụ đăng kiểm ôtô

Thông tư số 55/2022/TT-BTC ban hành ngày 24/8/2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 238/2016/TT-BTC quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới.

Thông tư 55 quy định biểu giá dịch vụ đăng kiểm xe ô tô các loại được điều chỉnh tăng 10.000 đồng/xe so với hiện nay. Cụ thể, xe ôtô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ôtô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại xe ôtô chuyên dùng: Mức giá tăng từ 560.000 đồng/xe lên 570.000 đồng/xe.

Máy kéo, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và các loại phương tiện vận chuyển tương tự; rơmoóc, sơmi rơmoóc: tăng từ 180.000 đồng/xe lên 190.000 đồng/xe.

Xe ôtô chở người trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt: tăng từ 350.000 đồng/xe lên 360.000 đồng/xe...

Xe ôtô chở người từ 10 ghế đến 24 ghế (kể cả lái xe), mức giá sẽ là 290.000 đồng/xe thay cho mức 280.000 đồng/xe hiện nay.

Xe ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi, xe ôtô cứu thương, mức giá sẽ là 250.000 đồng/xe thay cho mức 240.000 đồng/xe hiện nay.

Bộ Tài chính cũng quyết định thay đổi giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu đối với thiết bị, xe máy chuyên dùng đang lưu hành đối với:

Máy ủi công suất đến 100 mã lực (tăng từ 340.000 đồng/chiếc lên 350.000 đồng/chiếc).

Máy san công suất trên 130 mã lực (tăng từ 530.000 đồng/chiếc lên 540.000 đồng/chiếc).

Xe kéo, máy kéo nông nghiệp, lâm nghiệp tham gia giao thông (tăng từ 390.000 đồng/chiếc lên 400.000 đồng/chiếc)...

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 8/10/2022.

Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực hàng hải

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Nghị định số 69/2022/NĐ-CP ngày 23/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.

Nghị định 69/2022/NĐ-CP gồm 6 Điều, sửa đổi bổ sung 5 Nghị định quy định có liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải gồm: Nghị định số 70/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017, Nghị định số 37/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017, Nghị định số 05/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017.

Nghị định 69/2022/NĐ-CP sửa đổi một số thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải quy định tại 5 Nghị định trên, gồm:

Thủ tục giao tuyến dẫn tàu (Điều 19 Nghị định số 70/2017/NĐ-CP).

Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển (Điều 10 Nghị định số 37/2017/NĐ-CP).

Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển (Điều 11 Nghị định số 37/2017/NĐ-CP).

Thủ tục cấp Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng, cung ứng thuyền viên (Điều 13 Nghị định số 29/2017/NĐ-CP).

Thủ tục cấp lại Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng, cung ứng thuyền viên (Điều 14 Nghị định số 29/2017/NĐ-CP).

Thỏa thuận vị trí, thông số kỹ thuật chi tiết cảng biển, bến cảng, cầu cảng, luồng hàng hải (Điều 6 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP).

Cho ý kiến đối với dự án xây dựng công trình trong vùng nước cảng biển và các công trình khác xây dựng trong vùng nước cảng biển (khoản 4 Điều 7 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP).

Thủ tục công bố đưa luồng hàng hải vào sử dụng đối với trường hợp luồng hàng hải công bố sau thời điểm công bố mở cảng biển hoặc luồng hàng hải được đầu tư mới, công bố lại do điều chỉnh, mở rộng, nâng cấp (khoản 5 Điều 13 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP).

Thủ tục công bố mở bến cảng, cầu cảng, bến phao và các khu nước, vùng nước (Điều 14 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP).

Công bố đóng bến cảng, cầu cảng, bến phao và khu nước, vùng nước (khoản 2 Điều 17 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP).

Thủ tục chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải (Điều 40 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP).

Thủ tục đưa báo hiệu hàng hải vào sử dụng (Điều 41 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP).

Thủ tục đến cảng biển đối với tàu thuyền nước ngoài thực hiện các hoạt động về nghiên cứu khoa học, nghề cá, cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm, lai dắt hỗ trợ trong vùng nước cảng biển, huấn luyện, văn hóa, thể thao, lắp đặt, xây dựng công trình biển, công trình ngầm, phục vụ khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên, dịch vụ sửa chữa, đóng mới và các hoạt động về môi trường trong vùng biển Việt Nam (khoản 3 Điều 75 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP).

Thủ tục phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm (Điều 13 Nghị định số 05/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017).

Những nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 69/2022/NĐ-CP là yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, quy định của thủ tục hành chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và giảm bớt chi phí tuân thủ khi thực hiện thủ tục hành chính.

Nghị định có hiệu lực từ 30/10/2022./.

Theo THÙY LINH (TTXVN/Vietnam+)

 

Liên kết hữu ích