Lúc còn thanh niên, ông Huỳnh Văn Bảy (sinh năm 1938) theo chân mấy cụ cao tuổi tham gia cất nhà từ thiện cho người nghèo. Lúc ấy, căn nhà chỉ dựng từ tre, lá khá đơn giản. Về sau, họ lần lượt qua đời, ông Bảy bị cuộc sống mưu sinh cuốn đi, nên ít có dịp tham gia hoạt động tương tự. Mãi đến năm 2001, khi an nhàn hơn, nhìn lại người dân xung quanh còn gặp cảnh nhà hư dột, ông quyết định khởi xướng “tổ từ thiện”, chuyên cất, sửa nhà cho bà con nghèo.
gần 20 năm trôi qua, cũng là ngần ấy năm, ông Bảy cùng các thành viên hôm nay chạy lên núi Dài (Tri Tôn) mua tầm vông về làm đòn tay, hôm mai xuống tận Cà Mau mua đước làm kèo, bữa nọ lại cụ bị đồ đạc đi dựng nhà. Hễ có ai cho cây, tổ đến tận nơi cưa, chở về, tích cóp “tài sản” từng chút một.
Vướng mắc xảy ra như cơm bữa: lúc thì không đủ tiền mua cây, khi lại không có nhân lực hỗ trợ cưa cây giúp. Mấy cụ già chỉ có thể đục đẽo, làm các công việc vừa sức, còn việc nặng phải nhờ thanh niên trai tráng ra tay. Mà họ còn công ăn việc làm, phải lao động kiếm tiền. Có nhiệt tình với công tác xã hội cách mấy, cũng phải lo việc nhà xong, thời gian rỗi mới giúp được.
Nhưng chút khó khăn ấy chưa từng làm đội cất nhà “bô lão” sờn lòng. Rất nhiều người gắn bó thường xuyên với tổ, như các ông: Huỳnh Văn Mướt, Lê Văn Út, Lê Văn Phương, Lê Văn Minh, Lương Văn No, Nguyễn Văn My… Thiếu thốn kinh phí, thành viên trong tổ tự hùn lại, ai có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít. Phần còn lại, các nhà hảo tâm tự nguyện hỗ trợ, chứ tổ không chủ động đánh tiếng.
“Lúc mới thành lập, chúng tôi cất 70-80 căn nhà mỗi năm. Nhưng sau đó nhìn lại, tổ rút kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng hơn số lượng. Thành ra, những năm sau, bình quân chúng tôi cất khoảng 35-40 căn nhà. Mỗi căn có kinh phí khoảng 20 triệu đồng, sử dụng được từ 20 năm trở lên. Người nghèo thường lo mưu sinh, ít có thời gian chăm sóc, bảo quản nhà. Vì vậy, chúng tôi chú trọng độ bền của căn nhà, bằng cách sử dụng gỗ thành phẩm ngâm dưới kênh 7-8 tháng mới vớt lên dựng nhà, dùng dầu điều tốt để sơn phết…” - ông Bảy cho biết.
Tiếng lành đồn xa, việc làm thiện nguyện của tổ được nhiều cấp, ngành trân quý, khen thưởng, vinh danh, nhiều đến mức đếm không xuể. Số lượng nhà được cất ngày càng nhiều hơn, trải dài khắp tỉnh, kéo sang cả Kiên Giang, Cà Mau… Nơi nào địa phương hỗ trợ được phần chuyên chở thì tốt, nếu không thì tổ tự bỏ tiền túi thuê xe, thuê ghe đến tận nơi.
“Chúng tôi không hề nhận tiền bạc của bà con. Nhà cất xong không treo bảng hiệu, ghi tên tổ. Có chăng là những bữa cơm đơn sơ, ấm tình người, vui lây từ niềm vui có nhà mới của bà con, từ những lời ngợi khen “nhà cất đẹp quá”. Coi như chúng tôi hỗ trợ bà con nghèo một bước khởi đầu. Từ đây, họ mượn trớn đi lên, có điều kiện sống tốt hơn, dần dần vượt qua cảnh khổ” - ông Nguyễn Thanh Vân (sinh năm 1947) chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Đỗ Hữu Học nhận xét: “Các thành viên trong Tổ cất nhà Đại đoàn kết rất tích cực làm từ thiện, cất sửa nhà cho hộ nghèo trong và ngoài địa phương. Chúng tôi khen thưởng và đề nghị thành phố biểu dương, khen thưởng trong các đợt tổng kết năm, tổng kết phong trào an sinh xã hội”.
Có lẽ nhờ lao động, nên các thành viên trong tổ trông khỏe mạnh và trẻ hơn tuổi thật rất nhiều. “Có người thấy chúng tôi tuổi cao, sức yếu, thi thoảng bệnh, nên khuyên tổ bớt làm việc xã hội lại, dưỡng già... Chúng tôi tâm nguyện, ngày nào còn giúp được gì cho bà con thì ngày đó còn cố gắng làm. Đến khi nào hết sức lực, chúng tôi sẽ nghỉ. Hy vọng rằng, khi ấy sẽ có lớp trẻ tuổi hơn kế thừa hoạt động này, cùng chung tay hỗ trợ người dân bớt đi khó khăn về nhà ở” - ông Bảy cười thật hiền.
Năm 2019, tổ cất được 39 căn nhà cho người nghèo, tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 6 căn nhà được dựng xong, 24 bộ khung được hoàn thành. Ngoài ra, tổ còn hỗ trợ 10kg gạo, 100.000 đồng tiền mặt hàng tháng cho 85 hộ neo đơn, người già, tàn tật trong xã; thành lập “Tổ cứu trợ khẩn cấp”, có 180 người đóng góp, thu được khoản tiền khoảng 17 triệu đồng/tháng… Nguồn kinh phí này dùng để giúp người bệnh có hoàn cảnh khó khăn một khoản lộ phí (từ 1-3 triệu đồng) để đi điều trị kịp thời. |
Bài, ảnh: GIA KHÁNH