Những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở An Giang

28/01/2020 - 01:00

 - Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh không chỉ là tài sản vô cùng quý báu, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của con người và vùng đất An Giang.

Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam

Lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ

 

Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: lễ phục hiện rước tượng bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc sẽ tuần tự diễn ra từ ngày 22 đến 27-4 (âm lịch) hàng năm tại phường Núi Sam (TP. Châu Đốc, An Giang). Trong đó, lễ Túc yết và lễ Xây chầu được tiến hành trong đêm 25 rạng sáng 26-4 (âm lịch) là lễ chính.

Theo thời gian, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã trở thành ngày lễ lớn, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng sông nước Nam Bộ, thu hút hàng triệu lượt du khách trong, ngoài nước đến hành hương, chiêm bái.

Năm 2001, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Từ đó, ngoài phần lễ truyền thống, phần hội cũng được tổ chức sôi nổi với chương trình sân khấu hóa, Tuần lễ văn hóa-thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn văn nghệ dân tộc… phục vụ nhân dân và du khách.

Ngày 19-12-2014, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc) thuộc loại hình lễ hội truyền thống đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2018, Khu du lịch núi Sam với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn và quần thể di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, như: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang gắn với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là khu du lịch quốc gia và trở thành một trong những chiến lược trọng tâm trong phát triển du lịch và kinh tế - xã hội địa phương.

Đông đảo khách hành hương miếu Bà Chúa Xứ núi Sam

 

Kinh lá Buông

Kinh lá buông (Satra) là loại thư tịch cổ được viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Pali trên lá buông, xuất hiện từ khoảng thế kỷ XIX. Theo các sãi cả chùa Khmer, cây lá buông có hình dáng giống cây cọ, cây thốt nốt. Lá buông có độ bền cao, để lâu không mục, không bị mối mọt ăn nên dù trải qua nhiều thế kỷ mà những kinh Phật, hay tài liệu cổ được ghi trên lá buông vẫn còn được lưu giữ và còn nguyên giá trị.

Kinh lá buông là tài liệu quý chứa đựng nhiều triết lý sống, nhân sinh quan theo tinh thần Phật giáo, thơ ca, sử thi, giáo lý của đức Phật răn dạy con người làm điều lành... chỉ được mở ra thuyết pháp vào những dịp quan trọng như: lễ Phật Đản, lễ dâng bông, lễ dâng y cà sa, lễ cúng trăng, lễ cúng ông bà… của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Ở An Giang, kinh viết trên lá buông hiện còn lưu giữ tại các chùa Khmer của vùng Bảy Núi (Tri Tôn và Tịnh Biên) với trên 100 bộ.

Hiện nay, hòa thượng Chau Ty (sãi cả chùa Soài So, xã Núi Tô, Tri Tôn) là người duy nhất vùng Bảy Núi thành thạo với cách viết kinh trên lá buông và đang truyền lại cho các sư sãi Khmer trong vùng.

Theo hòa thượng Chau Ty, lá buông dùng để viết kinh phải được lựa chọn cẩn thận, tỉ mỉ và xử lý qua nhiều công đoạn phức tạp. Bên cạnh còn phải sử dụng loại bút gỗ có gắn thép nhọn ở đầu để viết chữ lên lá.

Người viết chữ phải kiên nhẫn, khéo léo, tỉ mỉ để nét chữ không nông, không sâu, đều đặn và thẳng hàng. Khuôn khổ mỗi lá chỉ viết được 5 dòng, mỗi dòng được khoảng 20 từ.

Sau khi viết xong, dùng vải thấm loại mực đặc biệt để quét lên, rồi đem phơi khô nét chữ sẽ không phai. Kinh lá buông là tài sản vô giá chứa đựng giá trị về văn hóa, kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi (Tri Tôn và Tịnh Biên).

Ngày 23-1-2017, tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer thuộc loại hình tri thức dân gian được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hội đua bò Bảy Núi

Các đôi bò đang chuẩn bị trong Hội đua bò Bảy Núi

Vào ngày Lễ Sen Dolta (lễ cúng ông bà) khoảng cuối tháng 8 (âm lịch) hàng năm, đồng bào dân tộc thiểu số Khmer thường mang thức ăn đến chùa dâng lên các nhà sư và cầu nguyện cho những người đã khuất.

Trong những ngày này, thanh niên tại các phum, sóc mang những đôi bò đến cày ruộng giúp nhà chùa. Cày xong, mọi người chọn những đôi bò bắt cặp với nhau để tranh tài kéo bừa trên chính những thửa ruộng xâm xấp nước vừa được cày xong.

Từ đó, các sãi cả nảy ý định để cho các đôi bò thi thố, tài khéo, nhanh nhẹn và sự ăn ý với chủ bò trong suốt cuộc đua để tạo không khí phấn khởi. Phần thưởng cho đôi bò thắng cuộc ngày xưa chỉ đơn giản là cặp dây cà-tha gắn lục lạc bò do sãi cả chùa trao tặng.

Giá trị tinh thần của giải thưởng rất lớn lao, là niềm tự hào không chỉ của chủ đôi bò mà còn là của cả phum, sóc. Chính vì vậy, cả chủ bò và đôi bò nhiệt tình đem đến cho khán giả những vòng đua tranh tài vô cùng sôi nổi, hào hứng.

Sau những cuộc tranh tài, dẫu thắng hay thua ai nấy đều vui vẻ đem bò về chăm sóc, bồi dưỡng chuẩn bị cho việc cày cấy và hội đua năm tới. Trò chơi dân gian đua bò vào ngày Lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer được hình thành từ đó.

Với bà con Khmer, đua bò không chỉ để cầu phước cho vụ mùa mới bội thu mà còn là dịp để bà con có thời gian vui chơi, giải trí sau những ngày lao động vất vả, gặp gỡ và trao đổi với nhau những kinh nghiệm sản xuất, những câu chuyện trong đời thường, từ đó cộng đồng ngày càng gắn kết hơn, nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc.

Ngày 19-1-2016, Hội đua bò Bảy Núi thuộc loại hình lễ hội truyền thống được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

TRỌNG TÍN