Đến Tri Tôn, những ai muốn tìm hiểu truyền thống cách mạng khó có thể bỏ qua Khu du lịch đồi Tức Dụp (xã An Tức) nổi tiếng với trận đánh oai hùng 128 ngày đêm của quân và dân An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Hay là, Khu di tích lịch sử Ô Tà Sóc (xã Lương Phi), theo tiếng Khmer có nghĩa là suối ông Sóc, con suối bắt nguồn từ đỉnh núi Dài (Ngọa Long sơn). Đây là nơi Tỉnh ủy An Giang chọn làm căn cứ chỉ huy các phong trào cách mạng, đánh địch trên các mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Hoặc có thể đến thị trấn Ba Chúc thăm nhà mồ Ba Chúc, nơi lưu giữ, những bộ hài cốt của đồng bào bị bọn diệt chủng Pôn Pốt tàn sát trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Chùa Tam Bửu và Phi Lai là 2 ngôi chùa nằm cạnh nhau còn giữ được kiến trúc truyền thống, cổ xưa gắn liền với lịch sử khai hoang, lập làng của Đức Bổn sư Ngô Lợi thời kháng chiến chống Pháp.
Ngoài những địa điểm này, du khách đừng quên đến chùa Xvayton hơn 300 năm tuổi nằm ngay trung tâm thị trấn Tri Tôn. Ngôi chùa có nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp và là nơi lưu giữ sách kinh lá của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer An Giang.
Đối với các bạn trẻ thích khám phá, chụp ảnh không thể bỏ qua thắng cảnh nổi tiếng chùa Tà Pạ (xã Núi Tô) mang vẻ đẹp kỳ bí. Chùa Tà Pạ nằm trên đỉnh đồi Tà Pạ nhưng lại không được xây trên nền đất bằng phẳng, mà được xây trên những cột chống đỡ vững chắc cao hàng chục mét, nên khi nhìn từ xa ngôi chùa như đang lơ lửng giữa không trung, nổi bật giữa rừng núi hoang sơ. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên đẹp ngỡ ngàng của núi đồi, nhà cửa và đồng lúa mênh mông bạt ngàn.
Theo con đường mòn từ chùa đến lưng chừng đồi, du khách sẽ phát hiện một hồ nước được hình thành từ việc khai thác đá. Hồ Tà Pạ nước xanh màu ngọc bích, soi bóng những hàng cây vách đá bên hồ và bầu trời trong xanh gợn chút mây trắng bồng bềnh như một mảnh gương thần kỳ, tạo nên cảnh quan thật đẹp, như bức tranh thủy mặc, làm cho biết bao du khách phải trầm trồ.
Từ hồ Tà Pạ, phóng tầm mắt du khách sẽ thấy núi Cô Tô (Phụng Hoàng sơn). Ngay ở chân núi có hồ Soài So (xã Núi Tô) do suối Vàng bắt nguồn từ đỉnh núi chảy qua các vồ đá, khe núi rồi đổ về hồ. Đến đây, du khách sẽ không khỏi chớp mắt trước vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn núi Cô Tô soi bóng xuống mặt nước hồ phẳng lặng trong vắt, tô đậm thêm nét quyến rũ nên thơ.
Cách đó không xa, hồ Soài Chek và hồ Ô Thum là những hồ trữ nước phục vụ sản xuất và phòng, chống cháy rừng nhưng do nằm dưới chân núi Cô Tô nên tạo thành một cảnh đẹp tĩnh lặng giữa núi rừng, thu hút những người yêu thích thiên nhiên và những bản trẻ thích khám phá, chụp ảnh. Đến với Tri Tôn, du khách không thể bỏ qua cụm cây thốt nốt hình trái tim (xã An Tức).
Thời gian gần đây đã được lan truyền trên mạng xã hội, khiến nhiều du khách hiếu kỳ, thích thú tìm đến “check in” và lưu lại những bức ảnh đẹp bởi sự độc, lạ, với biểu tượng trái tim. Thốt nốt là loại cây đặc trưng của vùng Bảy Núi, du khách đã từng một lần đến đây đều thưởng thức loại cây trái ngon và nhớ mãi thứ đặc sản này. Với hình dáng độc, lạ, cây thốt nốt càng gây ấn tượng mạnh với các bạn trẻ.
“Năm nào cũng vậy, tôi cùng những người bạn từ TP. Hồ Chí Minh về Tri Tôn vài lần để được thưởng thức không khí mát mẻ, trong lành của thiên nhiên làng quê, núi rừng. Chụp ảnh những cánh đồng lúa mênh mông, những con đường uốn lượn quanh co theo cánh đồng, đồi núi hùng vĩ soi bóng xuống hồ nước trong xanh. Ăn các món ngon và nghe các câu chuyện huyền bí về vùng Bảy Núi” - anh Nguyễn Quốc Thanh (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Chùa Tà Pạ nhìn từ xa
Hồ Tà Pạ nước trong xanh
Hồ Soài So dưới chân núi Cô Tô
Bài, ảnh: TRỌNG TÍN