Những đứa trẻ trong đêm hát bội

11/06/2022 - 12:34

 - Khi lễ hội Kỳ yên rộn ràng diễn ra ở đình, hát bội là hoạt động được chờ mong hơn cả, vì hội đủ phần nghe đã tai lẫn phần nhìn lạ mắt. Hôm ấy, tôi chú ý đến những đứa trẻ, bởi các em là nhân tố góp thêm chút “đời” cho hát bội trong sân đình.

Bé Nguyễn Minh Anh mới 7 tháng tuổi, nhưng đã rong ruổi cùng cha mẹ theo Đoàn Nghệ thuật tuồng cổ Hồng Châu (tỉnh Bạc Liêu) về TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) biểu diễn tại lễ hội Kỳ yên đình Mỹ Phước. Giữa tiếng nhạc réo rắt, tiếng trống dồn dập, dưới tấm bạt trải ở nền đất, trong không gian chật hẹp “cánh gà” sân khấu, bé vẫn ngủ rất say.

Trong khi bà ngoại chuẩn bị hóa trang vào vai diễn hoàng hậu Ỷ Lan, mẹ đóng vai quần chúng, thì bé Lê Minh Đăng (7 tuổi) ngồi chơi cùng em gái Minh Anh. Hai anh em ruột, nhưng đứa mang họ cha, đứa mang họ mẹ. Chuyện học hành bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, Đăng tạm nghỉ vài tháng, chờ năm học mới trở lại lớp. Hai đứa bé cùng có chuyến “lưu diễn” mấy ngày, sống tạm bợ trong đình, chờ người lớn xong phiên hát.

Bé Phạm Yến Vy (9 tuổi) cũng theo chân mẹ, quẩn quanh trong đoàn hát, nhưng Vy thuận lợi hơn các đứa trẻ khác, bởi gia đình em sinh sống ở TP. Long Xuyên. Khâu hóa trang mất nhiều thời gian, suất diễn kéo dài 2-3 giờ liên tục, cô bé vẫn kiên nhẫn ngồi chờ.

Rất nhiều đứa bé theo cha mẹ đi diễn, lăng xăng đùa giỡn khắp nơi. Với người lớn, hát bội giúp họ thỏa lòng đam mê, mang đến thu nhập cho họ. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, họ không thể gửi con cho ai giữ dùm, đành mang bé đi cùng...

Trong đêm hát bội, tôi bắt gặp rất nhiều ánh mắt tò mò của trẻ nhỏ. Vở tuồng “Câu thơ trên yên ngựa” chuẩn bị mở màn. Cô bé trong ảnh nào biết ai là “nội gián”, ai là “gian thần”, ai là “tướng lĩnh”, chưa thể hiểu chuyện sử sách trên dòng Như Nguyệt liên quan đến Lý Thường Kiệt, nhưng bé vẫn háo hức dõi theo, nhìn thật gần từng nhân vật, khắc sâu ấn tượng cho chính mình.

Một cậu bé khác cũng lém lỉnh không kém, khi quan sát nhân vật ở mọi góc độ, đôi mắt ngập tràn thú vị. Người lớn chẳng nỡ la rầy, cứ để các em thoải mái khám phá chân trời mới, tiếp cận với văn hóa- nghệ thuật của dân tộc mình. Đó cũng là cách để các em thoát ra khỏi ảnh hưởng của Smartphone, của thế giới công nghệ, trực tiếp cảm nhận cuộc sống đầy âm điệu xung quanh.

Người ta hay tiếc nuối cho “ngày xưa”, thời mà hát bội lên ngôi, trở thành món ăn tinh thần quý giá của mọi nhà. Nhưng với những bức ảnh này lại minh chứng cho một điều tích cực hơn: Hát bội vẫn có sức hút, vẫn được duy trì, níu giữ nhiều thế hệ cùng đến đình xem hát.

Cô bé ấy bán xong tờ vé số cuối cùng của mình lúc 9 giờ đêm. Một phút giây thảnh thơi, em xem nghệ sĩ hóa trang. Thế giới đầy màu sắc của người lớn, em không hiểu và cũng không thể chạm vào. Thế giới của em, em vẫn chưa được sống bình an, đầy đủ, như em cần có…

Vở diễn cứ trôi qua từng hồi, tụi nhỏ tụ họp nhau vui chơi xung quanh đình. Tôi mong sao, những nụ cười trẻ thơ này rạng rỡ mãi. Trải nghiệm ở sân hát bội, sẽ là một phần ký ức thật đẹp của mỗi bé, là bước chuyển tiếp giữa các thế hệ, lưu giữ hồn dân tộc dài lâu…

GIA KHÁNH