“Lũy thép” vững chắc
Biên giới An Giang dài gần 100km, với địa hình đồng bằng cùng hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt và nhiều đường mòn, rất thuận lợi cho việc qua lại 2 bên biên giới. Thực hiện "nhiệm vụ kép”, vừa quản lý, bảo vệ biên giới, vừa phòng, chống dịch, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh liên tục tăng cường lực lượng, phương tiện, vật chất, thành lập 210 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, CBCS đảm bảo ứng trực 24/24 giờ, siết chặt biên giới, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm hoạt động.
Các đồn biên phòng còn tổ chức Tổ tuyên truyền lưu động, thực hiện mô hình “Tiếng loa biên phòng”, “Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, vận động gần 50.000 hộ dân khu vực biên giới ký cam kết tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép”. Từ đó, người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không tham gia, tiếp tay, bao che cho các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép với tinh thần “Mỗi gia đình là một pháo đài. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn tuần tra, kiểm soát biên giới
Để tạo thành lá chắn thép vững chắc trong tất cả các mặt trận phòng, chống dịch, BĐBP tỉnh chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, y tế địa phương, các lực lượng đứng chân ở khu vực biên giới đi đầu trên mặt trận chống “giặc dịch” vô hình. Đến biên giới An Giang vào những ngày này mới cảm nhận hết những khó khăn, vất vả mà các CB, CS nơi tuyến đầu đang ngày đêm cùng cả nước chung tay chống dịch. Tuy nhiên, hơn ai hết, mỗi CB, CS đều hiểu rằng, lúc này đây, vì sự bình yên của nhân dân, mỗi người đều phải khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh niềm vui, hạnh phúc riêng để bảo vệ bình yên cho nhân dân.
Trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát, bất kể ngày đêm, vượt qua nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm cao, họ lặng thầm làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát chưa phút nào ngơi nghỉ để dựng lên “lũy thép” vững vàng nơi tuyến đầu biên giới.
Chịu tang cha trên chốt chống dịch
Hiện nay, An Giang ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tình hình xuất, nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp. Nhiều CBCS BĐBP từ các tỉnh khác được tăng cường đến đơn vị để thực hiện nhiệm vụ. Đã hơn 8 tháng liền ở lại đơn vị làm nhiệm vụ, họ chưa một lần về thăm nhà, thăm quê.
Sau ca trực, các anh tranh thủ thời gian gọi điện thoại về cho gia đình, người thân, ngắm đứa con nhỏ, người vợ, người yêu qua màn hình điện thoại. Khó khăn, vất vả là thế, nhưng ý chí, lòng quyết tâm của CBCS chưa bao giờ ngừng lại. Mỗi CBCS nơi tuyến đầu chống dịch đều xác định rằng, đây là nhiệm vụ thiêng liêng của những người lính, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, không quản ngại gian khổ, chấp nhận sự hy sinh, ngay cả những việc riêng tư quan trọng của đời mình.
Mới đây thôi, đại úy Diệp Sơn Đông (cán bộ BĐBP tỉnh Phú Yên được điều động về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 tại Đồn Biên phòng Phú Hữu (huyện An Phú) gần 4 tháng nay) gặp chuyện không may. Cha của anh qua đời sau cơn đột quỵ, nhà chỉ còn mẹ già 67 tuổi sống một mình, 2 anh em đều xa quê. Đang thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới An Giang, anh không thể về chịu tang cha.
Người lính ấy đã gác lại việc riêng, khắc phục khó khăn, quyết tâm ở lại đơn vị để cùng các CBCS khác thực hiện tốt nhiệm vụ chống dịch. Đại úy Đông nghẹn ngào: “Gia đình khó khăn nên em trai tôi vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê rồi bị kẹt lại do dịch COVID-19, không về được. Đám tang cha phải nhờ hàng xóm phụ giúp. Chắc qua đợt dịch này, tôi sẽ xin phép về cúng lạy cha để tròn đạo hiếu làm con. Khi biết tin cha tôi mất, đồng đội lập bàn thờ để tôi được cúng vọng từ nơi biên cương”. Đồn Biên phòng Phú Hữu và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã động viên, hỗ trợ 3 triệu đồng cho đại úy Đông gửi về gia đình lo đám tang. Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho biết: “Từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, toàn đơn vị có 3 cán bộ không thể về chịu tang cha, ở lại đơn vị làm nhiệm vụ chống dịch”.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, “cuộc chiến” vì thế có thể kéo dài, khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng với tinh thần “Vì dân phục vụ”, những hy sinh thầm lặng của CB, CS nơi tuyến đầu biên giới An Giang không chỉ góp phần chung tay cùng cả nước bảo vệ sức khỏe, cuộc sống yên bình cho nhân dân, mà còn là chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới vững tin chiến thắng đại dịch.
GIA KHÁNH - CHIẾN KHU